"Ngập trong tiền", vì đâu Lazada vẫn phải sa thải ồ ạt nhân sự ngay đầu năm 2024, lãnh đạo cao nhất cũng đầu quân cho đối thủ?
"Việc khai trương Lazada One tại Singapore - cửa ngõ đến Đông Nam Á, đã củng cố thêm sứ mệnh phát triển bền vững hệ sinh thái thương mại điện tử của chúng tôi", ông Chun Li - Tổng Giám đốc Tập đoàn Lazada – chia sẻ hồi tháng 4/2022. Giờ thì Lazada chuẩn bị cắt giảm 30%, một số bộ phận tại trụ sở chính Singapore bị "quét sạch", vị lãnh đạo cao nhất tập đoàn ngày ấy cũng đã đầu quân cho một công ty TMĐT khác…
"Lazada không có kế hoạch sa thải và vẫn tìm kiếm nhân sự cho thị trường này", James Dong từng chia sẻ trên The Straits Times sau khi tiếp quản vị trí CEO Lazada từ người tiền nhiệm Chun Li năm 2022.
Chuyện gì đang xảy ra với Lazada?
Ngày đầu tiên làm việc của năm 2024, nhân viên các cấp junior và senior của Lazada lần lượt được gọi vào phòng họp với bộ phận HR, mở đầu đợt sa thải được gọi là "quét sạch". Phòng họp ấy được đặt đến tận cuối tuần, một nhân viên Lazada trong đợt sa thải mới đây chia sẻ với tờ The Edge Singapore.
TechinAsia cho hay sau Lazada Singapore, Lazada Malaysia sẽ là đơn vị kế tiếp sa thải ồ ạt. Cũng theo TechinAsia, nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) Lazada dự kiến sẽ sa thải 30% lao động tại nhiều thị trường.
Động thái này diễn ra ngay sau khi Lazada nhận thêm 634 triệu USD rót vốn từ công ty mẹ Alibaba, nâng tổng số tiền mà tập đoàn Trung Quốc bơm cho nền tảng này trong năm 2023 lên hơn 1,8 tỷ USD.
Momentum Works cho rằng dường như Lazada đang cố tập trung phân bổ nguồn lực cũng như cách vận hành. Và cuộc chiến TMĐT này là một "Infinite Game" (trò chơi vô tận).
Cuộc chiến này của Lazada giờ có lẽ không còn là đấu với Shopee - vị trí thống lĩnh với nguồn lực dồi dào, hay TikTokShop – tân binh hiếu chiến không cần phải Acquire Users, bởi họ đã có sẵn users. Việc Lazada mưu cầu giờ đây sẽ khả thi hơn nếu chỉ là chiếm lĩnh một thị phần TMĐT nhất định và có lời.
Thẳng thắn mà nói, thị trường TMĐT giờ đây, ngay cả vị trí số 1 cũng chưa hẳn là chắc chắn.
Vì đâu nên nỗi?
- Nhân sự hạ tầng
Nhiều ý kiến cũng cho rằng nhân sự của Lazada tập trung tại Singapore khá lớn, trong khi không đủ nguồn lực tại các thị trường khác để cạnh tranh với đối thủ Shopee. Bên cạnh đó, mặt bằng lương ở Singapore khá cao so với các thị trường khác do chi phí sống đắt đỏ, dẫn tới chi phí cho nhân sự của Lazada khá lớn, trong khi tính hiệu quả là dấu hỏi.
- Hiệu quả kinh doanh
Chỉ số GMV (tổng giá trị giao dịch) hay Doanh thu/Nhân sự của những nền tảng TMĐT đa quốc gia như Lazada chẳng thể so với chỉ số của đối thủ Pinduoduo đến từ quê nhà Trung Quốc. Alibaba – công ty mẹ của Lazada – cũng đã bị vuột mất vị trí thống trị tại thị trường TMĐT Trung Quốc về tay công ty 8 năm tuổi này.
- Cơ cấu tổ chức và lãnh đạo
Về cơ cấu tổ chức và năng lực lãnh đạo, bản thân công ty mẹ Alibaba cũng đang vật lộn trong một cuộc chuyển đổi lớn. Dàn lãnh đạo mới của Lazada - vốn gắn bó chặt chẽ với Alibaba hơn những người tiền nhiệm - nhẽ ra phải hiểu rõ về tình trạng của nền tảng TMĐT này, Momentum Works bình luận.
Dàn lãnh đạo mới của Lazada gắn bó chặt chẽ với Alibaba hơn những người tiền nhiệm, thay vì hiểu rõ về tình trạng của nền tảng TMĐT này
Từ khi rót vốn vào Lazada, Alibaba liên tục "cài" người của mình giữ vị trí trọng yếu nhất của công ty TMĐT này. Năm 2018, một trong 18 sáng lập viên Alibaba – bà Lucy Peng Lei, CEO của Ant Financial và Alipay - được bổ nhiệm làm CEO Lazada thay Founder Lazada Max Bittner, sau khi Alibaba rót tổng cộng 4 tỷ USD vào công ty.
Bà Lucy Peng (trái) và Pierre Poignant (phải). Việc liên tục thay đổi nhân sự cấp cao nhất từ "người của Alibaba - người của Lazada" khiến bước đi của Lazada có nhiều xáo trộn.
Peng giữ cương vị CEO Lazada trong 6 tháng. Vị CEO kế nhiệm tiếp theo là Pierre Poignant - đồng sáng lập Lazada người Pháp - đã gặp thách thức lớn khi không phải người Trung Quốc. Theo Bloomberg, mỗi quý, Poignant và đội ngũ của ông phải đến trụ sở Alibaba ở Hàng Châu ít nhất một lần để tăng cường sự kết nối.
Những thay đổi về nhân sự ở thị trường Việt Nam cũng từng gây khó khăn cho Lazada. Năm 2018, Max Zhang, phó tướng của CEO Alibaba Daniel Zhang, được giao nhiệm vụ điều hành Lazada Vietnam.
WSJ dẫn lời các nguồn tin mô tả Max Zhang hiếm khi giải thích các quyết định của mình và đòi cấp dưới tuân thủ mệnh lệnh mà không thắc mắc. Ông thường xuyên chỉ trích đội ngũ nhân viên, và thậm chí đưa ra những lời lẽ khó nghe như "các anh chị đang tiêu tiền một cách ngu dốt", một nhân viên cũ tại Lazada Việt Nam chia sẻ với tờ WSJ. Ông hủy các chương trình vận chuyển miễn phí, khiến nhiều doanh nghiệp và khách hàng khó chịu, bỏ sang các nền tảng khác.
Khi bị phản ứng, ông Zhang và các phó tướng luôn lôi kinh nghiệm thành công ở Tmall và Taobao ra để dẹp bỏ mọi chỉ trích. "Câu trả lời chúng tôi nhận được luôn là 'Ở Tmall/Taobao, chúng tôi làm thế này'. Hay 'Ở Trung Quốc chúng tôi làm thế này'. Nhưng đây không phải là Tmall/Taobao hay Trung Quốc", lá thư của một số quản lý Việt Nam gửi cho bà Lucy Peng, giám đốc Alibaba phụ trách Lazada Đông Nam Á viết.
Bà Peng đã liên lạc với quản lý Lazada ở các địa phương do Alibaba gửi tới, yêu cầu họ tôn trọng nhân viên và văn hóa ở từng địa phương. Và đến tháng 6/2019, ông Zhang trở về Trung Quốc, CEO của Lazada Thái Lan được giao nhiệm vụ phụ trách thị trường Việt Nam.
Giữa năm 2020, CEO Lazada một lần nữa đổi vai. Ông Chun Li, người từng giữ vị trí CTO tại Alibaba thay thế cho nhà đồng sáng lập Lazada Pierre Poignant. 2 năm sau, James Dong thay thế Chun Li. James gia nhập vào Lazada năm 2018, theo dòng chảy nhân sự từ Alibaba vào công ty con này.
The Edge cho biết sau khi bị thay thế, ông Li vẫn ở lại Lazada một thời gian ở vị trí cố vấn, nhưng ông đã rời công ty kể từ đó. Ông hiện là CEO tập đoàn của DHgate, một nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc.
Tại Singapore, ông Loh Wee-Lee được cho là bị yêu cầu từ chức Giám đốc điều hành Lazada Singapore vào tháng 8 năm ngoái. Chia sẻ với The Edge, ông Loh cho biết đã chọn tìm kiếm những cơ hội mới bên ngoài. Ông hiện cư trú tại Hongkong và giữ cương vị giám đốc kỹ thuật số của tập đoàn DFI Retail Group.
Ngoài ra, bộ phận truyền thông nội bộ tại Lazada Singapore đã bị bỏ trống từ năm ngoái.
Cái kết nào cho Lazada, khi không muốn bại và cũng không thể thắng?
Momentum Works dẫn 2 câu chuyện phương Đông và phương Tây nói về tình cảnh của Lazada.
Năm 1938, trong một cuộc chiến tranh, Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông đã viết một số bài phát biểu về "chiến tranh kéo dài". Theo đó, nhà lãnh đạo này chỉ ra rằng trong tình hình chiến tranh khó khăn, cả hai quan điểm bại trận và "thắng nhanh" đều không đúng. Thay vào đó, điều quan trọng là phải hiểu các giai đoạn chuyển hóa khác nhau và có động thái ứng phó phù hợp.
Tác giả nổi tiếng Simon Sinek trong cuốn sách "The Infinite Game" (tạm dịch: Trò chơi vô tận) năm 2019 đã đưa ra một khái niệm tương tự – làm thế nào để thành công trong trò chơi kinh doanh, nơi không có điểm cuối xác định, không có người thắng kẻ thua — chỉ có tiến và lùi.
"Có vẻ như Lazada đang nghiên cứu cho một chặng đường dài, bảo tồn nguồn lực và trở nên linh hoạt hơn. Việc họ có thành công hay không không chỉ phụ thuộc vào bối cảnh, mà còn phụ thuộc vào năng lực lãnh đạo, con người và tổ chức của họ", Momentum Works bình luận.