Ngành tiêu dùng nhanh: Đồ uống, thuốc lá vẫn giữ được phong độ, các ngành còn lại không thể hiện "bức tranh tươi sáng"!

02/03/2018 19:16 PM | Kinh doanh

Báo cáo của Nielsen cho biết ngành hàng đồ uống đang cho thấy mức tăng trưởng tốt hơn các ngành khác. Cụ thể, trong quý cuối năm ngoái, mức tăng của ngành là 3,2%.

Nielsen nhận định thị trường tiêu dùng nhanh (FMCG) đã tăng trưởng nhanh bất chấp sự chững lại của quý cuối năm 2017.

 Ngành tiêu dùng nhanh: Đồ uống, thuốc lá vẫn giữ được phong độ, các ngành còn lại không thể hiện bức tranh tươi sáng!  - Ảnh 1.

Theo đó, mức tăng trưởng toàn ngành hàng đạt 5,4% so với mức 4,9% của năm 2016, mặc dù có sự sụt giảm của quý IV. Trên thực tế, trong quý cuối cùng của năm 2017, tốc độ tăng trưởng của thị trường FMCG đã giảm đáng kể xuống chỉ còn 0.5% so với 6.4% trong quý 3.

 Ngành tiêu dùng nhanh: Đồ uống, thuốc lá vẫn giữ được phong độ, các ngành còn lại không thể hiện bức tranh tươi sáng!  - Ảnh 2.

Sự sụt giảm đã diễn ra ở tất cả các nhóm ngành hàng lớn trên toàn quốc (bao gồm: nước uống, thực phẩm, sữa, sản phẩm chăm sóc gia đình, sản phẩm chăm sóc cá nhân và thuốc lá).

 Ngành tiêu dùng nhanh: Đồ uống, thuốc lá vẫn giữ được phong độ, các ngành còn lại không thể hiện bức tranh tươi sáng!  - Ảnh 3.

Tuy nhiên, ngành hàng đồ uống vẫn cho thấy mức tăng trưởng tốt hơn các ngành hàng khác – cụ thể, trong quý cuối năm ngoái, ngành hàng đồ uống đạt mức tăng 3,2%. Ngành hàng thuốc lá cũng cho thấy sự tăng trưởng tích cực, đạt 1,3%.

 Ngành tiêu dùng nhanh: Đồ uống, thuốc lá vẫn giữ được phong độ, các ngành còn lại không thể hiện bức tranh tươi sáng!  - Ảnh 4.

Còn các ngành hàng khác lại không thể hiện bức tranh tươi sáng như hai ngành hàng nêu trên khi tất cả đều sụt giảm mạnh từ ngành hàng chăm sóc cá nhân, vệ sinh nhà cửa, thực phẩm và sữa đến các sản phẩm từ sữa.

Mặc dù mức tăng trưởng GDP trong năm 2017 vượt kỳ vọng của chính phủ và chỉ số niềm tin người tiêu dùng luôn giữ được mức cao, nhưng sự bất ổn vẫn là điều liên tục được nhắc đến khi đề cập đến sự tăng trưởng của thị trường tiêu dùng nhanh trong hai năm qua, theo Nielsen.

Theo đó, mức tăng trưởng của thị trường đã được kỳ vọng sẽ có chuyển biến tích cực trong quý cuối của năm 2017 khi mùa Tết sẽ diễn ra vào tháng 2/2018 và đó cũng chính là lúc người Việt mua sắm để chuẩn bị cho một mùa Tết sung túc bên gia đình.

Tuy nhiên, các cơn bão lớn liên tiếp vào cuối năm đã gây ra nhiều thiệt hại cả về người và của không mong muốn. Và chính điều này có lẽ đã gây ảnh hưởng trầm trọng đến sự tăng trưởng của thị trường FMCG trong quý 4/2017, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác cũng ảnh hưởng đến sự sụt giảm này đó chính là mùa Tết năm nay đến trễ hơn so với mọi năm – giữa tháng 2/2018 trong khi đó mùa Tết năm ngoái diễn ra vào đầu tháng 1/2017.

Xét về sự tăng trưởng của thị trường FMCG tại khu vực nông thôn và thành thị, báo cáo của Nielsen cũng chỉ ra rằng sự tăng trưởng tại khu vực nông thôn vẫn tiếp diễn trong năm 2017 nhưng nhiều biến động hơn so với năm trước.

Khu vực nông thôn trong năm 2017 tăng trưởng 6,1%, trong khi đó, khu vực thành thị chỉ tăng 4%. Trong quý 4/2017, cả khu vực nông thôn và thành thị đều cho thấy sự sụt giảm mạnh.

"Khu vực nông thôn tiếp tục là nguồn tăng trưởng mới cho các nhà sản xuất. Tuy nhiên, việc mở rộng kinh doanh ra các khu vực nông thôn luôn đi kèm với thách thức rất lớn đó là chi phí để đưa sản phẩm về đến những khu vực vùng sâu vùng xa", ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Dịch vụ Đo lường Bán lẻ, Nielsen Việt Nam cho biết.

Theo ông, đây không chỉ là khó khăn của riêng thị trường Việt Nam, mà đó còn là khó khăn chung của các quốc gia trong khu vực Châu Á.

Để thành công ở khu vực nông thôn, các nhà sản xuất cần phải trang bị cho mình những hiểu biết về người tiêu dùng tại khu vực này. Người tiêu dùng ở nông thôn ngày nay đòi hỏi những trải nghiệm cao cấp hơn và họ cũng dần làm quen với cuộc sống mang hơi thở của thành thị nhờ vào sự phát triển và phổ biến của công nghệ và cơ sở hạ tầng.

Theo N. Dương

Cùng chuyên mục
XEM