Ngành than Australia càng thêm khó vì thảm họa cháy rừng

08/01/2020 08:58 AM | Xã hội

Ngành khai thác than chính là một trong những nền móng của kinh tế Australia.Ngành này đang bị chỉ trích vì gián tiếp gây biến đổi khí hậu, tình trạng Australia đang dần cảm nhận rõ rệt.

Suốt nhiều thập kỷ qua, ngành khai thác than chính là một trong những nền móng của kinh tế Australia. Ngành này trị giá 70 tỷ USD và sử dụng hàng chục nghìn lao động. Tuy nhiên, trong bối cảnh cháy rừng lan rộng, ngành này ngày càng có nguy cơ bị kiểm soát chặt chẽ.

Tình trạng cháy rừng ở Australia bắt đầu từ tháng 9/2018 và vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Theo AP, thảm họa này đã làm hơn 20 người, hàng trăm triệu động vật thiệt mạng, phá hủy khoảng 2.000 ngôi nhà. Diện tích cháy rừng rộng gấp 2 lần bang Maryland của Mỹ. Nhà chức trách Australia dự đoán phải mất vài tháng để dập tắt ngọn lửa.

Australia là quốc gia xuất khẩu ròng than lớn nhất thế giới, chiếm hơn 1/3 sản lượng thế giới, và là nhà sản xuất than lớn thứ 4 thế giới.

Ngành than len lỏi sâu vào cuộc sống của người dân Australia. Mọi bang đều sản xuất than theo hình thức nào đó, tạo ra việc làm cho 50.000 người và gián tiếp sử dụng 120.000 lao động nữa, theo Hội đồng Khai khoáng Australia. Chính phủ liên bang Australia có nguồn thu từ thuế tài nguyên hơn 5 tỷ USD mỗi năm.

Giai đoạn 2018 và 2019, Australia xuất khẩu 210 triệu tấn than nhiệt, dùng trong nhà máy nhiệt điện, trị giá 26 tỷ USD, và 184 triệu tấn than luyện kim, dùng trong sản xuất thép, trị giá 44 tỷ USD, phần lớn sang châu Á.

Giới chuyên gia nhận định mức độ nghiêm trọng của cháy rừng càng gia tăng vì biến đổi khí hậu - tình trạng đang ảnh hưởng đến xứ sở chuột túi. Than là loại nhiên liệu hóa thạch phá hoại môi trường nhất, tạo ra nhiều khí CO2 hơn dầu mỏ. Ngành than của Australia đang bị chỉ trích vì gián tiếp gây ra tình trạng biến đổi khí hậu.

Trái với phần lớn người dân Australia, Thủ tướng Scott Morrison có vẻ chậm trong việc thừa nhận biến đổi khí hậu tạo ra nguy cơ lớn đến nước này. Gần đây nhất, ngày 22/12, ông Morrison nói rằng mọi sự liên kết biến đổi khí hậu với các đám cháy riêng lẻ là “không đáng tin cậy”.

Tháng 11/2019, khi người dân Australia xuống đường biểu tình vì chính phủ không hành động, ông Morrison tuyên bố sẽ ngăn các nhà hoạt động gây sức ép để doanh nghiệp không làm ăn với ngành than. Canberra thông báo sẽ chi 1,4 tỷ USD cho “chi trả cho tình trạng khẩn cấp và thảm họa”, ngoài con số hàng trăm triệu USD cam kết trước đó.

Australia còn thu hút sự chú ý từ thế giới khi cùng với một số nước như Mỹ, Brazil chặn và gây trì hoãn hiệp định bảo vệ khí hậu tại hội nghị về biến đổi khí hậu cua Liên Hợp Quốc (COP25) hồi tháng 12 ở Madrid, Tây Ban Nha.

“Australia tiếp tục khai thác than tạo ra thêm sự bất ổn. Không bất ngờ khi các công ty khai mỏ muốn tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, việc các đảng phái chính trị tại Australia và một phần truyền thông lại khuyến khích than là điều đáng xấu hổ. Món quà lớn nhất họ có thể mang đến cho người dân Australia và thế giới là xem xét lại ý thức hệ của họ với loại nhiên liệu hóa thạch này”, James Dyke, Đại học Exeter, thành phố Exeter, Anh, viết.

Cái giá ngoại giao phải trả cho việc Australia quyết tâm bảo vệ ngành than trước nỗ lực toàn cầu trong giảm thiểu khí nhà kính là đáng kể, và chưa thể tính toán được, theo Herve Lemahieu, giám đốc Chương trình Ngoại giao và Cường quốc châu Á tại Viện Lowy.

Những người bênh vực ngành than Australia đưa ra số liệu về xuất khẩu sang Trung Quốc và Ấn Độ gần đây tăng, có các khách hàng tiềm năng về dài hạn như Bangladesh, Pakistan.

Tim Buckley, giám đốc Nghiên cứu tài chính năng lượng tại Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính Australia, thừa nhận Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tiếp tục mua than Australia để duy trì tốc độ tăng trưởng 6 – 7% hàng năm. Tuy nhiên, hai nước này sẽ sớm chuyển sang nguồn cung nội địa nhanh nhất có thể.

Bloomberg ngày 23/12 dự báo ngành than Australia sẽ “đau khổ” nếu Trung Quốc ngừng nhập khẩu than.

Buckley cho rằng thời kỳ đỉnh cao của ngành than nhiệt đã qua. Cổ phiếu ngành than tại Mỹ giảm trung bình 50% trong năm 2019, cổ phiếu Exxon đi ngang trong bối cảnh Phố Wall tăng 28%. Cổ phiếu Nextera Energy, nhà đầu tư lớn nhất thế giới trong năng lượng tái tạo của Mỹ, tăng 42%. Các ngân hàng, công ty bảo hiểm trên thế giới, như ANZ, Credit Suisse và Goldman Sachs, ngày càng hạn chế hoạt động liên quan đến than nhiệt, nhiệt điện.

Theo Như Tâm

Cùng chuyên mục
XEM