Ngành sản xuất vật tư y tế Trung Quốc trong tâm bão Covid-19: Hàng kém chất lượng tràn lan, cơ hội cho các startup và rủi ro "chơi bẩn" từ các đối thủ
Lượng vật tư y tế kém chất lượng trên khắp Trung Quốc trong những ngày dịch bệnh Covid-19 là rất lớn, và chúng gây ra mối quan ngại toàn cầu bởi Trung Quốc là quốc gia sản xuất hơn một nửa sản lượng khẩu trang trên thế giới cũng như máy trợ thở, kit xét nghiệm và nhiều thiết bị y tế khác.
Một người đàn ông Trung Quốc ở tỉnh Hồ Bắc dựng tạm nhà máy trong nông trang để sản xuất khẩu trang N95 giả. Hàng trăm cửa hàng dược phẩm khác trong tỉnh cũng bán các lọ gel sát khuẩn và vật tư y tế kém chất lượng. Ở Hồ Nam, nhà chức trách bắt được lô hàng chứa hàng triệu khẩu trang y tế dởm.
Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm và vi trùng học lâm sàng Tây Ban Nha (SEIMC) từng loan báo 340 nghìn bộ kit xét nghiệm nhanh của công ty Shenzhen Bioeasy Biotechnology (Trung Quốc) chỉ có độ chính xác 30%, trong khi nhà cung cấp cam kết độ chính xác xét nghiệm là hơn 80%.
Bộ Y tế Tây Ban Nha cho biết, lô hàng trên do một nhà phân phối trung gian "có chứng nhận châu Âu" cung cấp. Công ty Bioeasy nhanh chóng gửi lời xin lỗi và chấp nhận gửi lại lô hàng chứa các bộ kit xét nghiệm mới có độ chính xác cao hơn. Tuy vậy họ phàn nàn rằng cơ quan y tế Tây Ban Nha sử dụng bộ kit không đúng hướng dẫn nên làm giảm độ nhạy của kit thử.
Sự cố trên xảy ra chỉ hai ngày sau khi Trung Quốc viện trợ cho Tây Ban Nha gói cứu trợ y tế khẩn cấp trị giá 475 triệu USD.
Nền công nghiệp sản xuất vật tư thiết bị y tế của Trung Quốc tiến bộ nhanh chóng trong hai thập niên qua. Từ 2001-2011, các vật tư y tế dùng một lần (như khẩu trang, kim và bơm tiêm, gạc…) chiếm tỷ trọng cao nhất trong danh mục sản phẩm y tế xuất khẩu của nước này. Nhóm sản phẩm trên không đòi hỏi nền kỹ nghệ tiên tiến để sản xuất. Trong 5 năm tiếp theo, Trung Quốc chuyển mình sang sản xuất thiết bị y tế kỹ thuật tầm trung và cao như các thiết bị chữa bệnh và máy móc trong mọi khâu chẩn đoán, xét nghiệm.
Kết quả là đến năm 2016, tỷ trọng các sản phẩm y tế trung-cao đạt mức 55% trong danh mục sản phẩm y tế xuất khẩu của Trung Quốc, riêng các thiết bị chẩn đoán, xét nghiệm như máy chụp CT, MRI tăng 37% lên mức 1,4 tỷ USD, theo Journal of International Commerce and Economics năm 2018 của Ủy ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ.
Khả năng chuyển đổi dây chuyền và kỹ thuật của các nhà máy Trung Quốc được "thử lửa" trong dịch cúm virus Vũ Hán hiện nay. Công ty BYD chuyên sản xuất xe điện tuyên bố họ có thể xuất xưởng năm triệu khẩu trang và 300 nghìn lọ xịt sát khuẩn mỗi ngày. Foxconn vốn nổi tiếng với các dây chuyền sản xuất thiết bị Apple đã sản xuất 350 nghìn khẩu trang mỗi ngày trong tháng Hai và với công suất mới hoán đổi, họ có thể sản xuất hơn 2 triệu khẩu trang mỗi ngày trong tháng Tư.
Thế nhưng tiến độ kiểm tra chất lượng sản phẩm trong nhà máy Trung Quốc thường không theo kịp tiến độ sản xuất.
Chính quyền Trung Quốc vừa rút giấy phép kinh doanh hàng chục nghìn cửa hàng bán khẩu trang y tế giả, máy đo thân nhiệt giả và thuốc sát trùng kém chất lượng. Theo cơ quan quản lý thị trường Trung quốc, hàng nghìn cá nhân và công ty đang bị truy tố hoặc phạt hành chính vì vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, mua bán vật tư y tế giả mạo, kém chất lượng.
Trong tâm bão đại dịch, công ty YouIbot vừa mới hoàn thành một số mẫu robot tẩy uế. Robot của công ty YouIbot sát khuẩn văn phòng và môi trường xung quanh bằng cách chiếu các chùm tia cực tím từ 6 cánh tay linh hoạt. Sáu cụm camera giúp robot phân biệt được người và vật và hướng di chuyển.
Showroom giới thiệu robot tẩy uế của YouIbot
YouIbot đang hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép hoạt động cho robot tẩy uế. Theo công ty, chính quyền thành phố Thâm Quyến đã phê duyệt khá nhanh hồ sơ của YouIbot. Hồi giữa tháng Ba, một số quan chức thành phố đã ghé thăm trụ sở YouIbot và một số công ty start-up khác. Họ hy vọng công ty có thể cung ứng robot tẩy uế hệ thống tàu điện ngầm trong vòng 1 tháng sắp tới.
Thế nhưng bên cạnh các công ty thành công, có không ít công ty gặp khốn đốn khi "khởi nghiệp mùa dịch".
Công ty Mask Factory của Tong Ka-fai ở Hong Kong là một ví dụ. Nhà sáng lập Tong Ka-fai xuất thân là đạo diễn ở Hong Kong. Ông huy động vốn từ bạn bè và người thân để nhập khẩu dây chuyền sản xuất khẩu trang y tế từ Chennai, Ấn Độ. Trong một cuộc phỏng vấn, ông cho biết công ty đủ nguyên liệu thô để sản xuất khoảng 10 triệu khẩu trang y tế trong vòng hai đến ba tháng.
Mask Factory không chỉ bán lẻ khẩu trang, công ty còn bán gói cung ứng khẩu trang theo tháng. Khách hàng mua gói dịch vụ trên hàng tháng sẽ nhận được một hộp khẩu trang tùy theo nhu cầu đã đăng ký.
Nhưng rồi bỗng nhiên, truyền thông địa phương đưa tin các khẩu trang của công ty không đạt chuẩn, dẫn đến một số khách hàng của Tong Ka-fai yêu cầu hoàn tiền và cơ quan quản lý thị trường can thiệp điều tra. Công ty còn bị chủ đất buộc hoàn trả mặt bằng. Không lâu sau, người ta nhận ra đấy chỉ là tin giả từ các đối thủ.
Cú sốc khiến công ty thiệt hại khá nặng nề. Mãi đến cuối tháng Ba, các mẫu khẩu trang của Mask Factory mới được kiểm nghiệm vòng 2 ở Hong Kong – trễ hơn kế hoạch một tháng. Hiện Tong Ka-fai đã tìm được một địa điểm đặt nhà máy mới và vẫn giữ chân được một số khách hàng.
Không chỉ đối phó với các mánh lới lách luật, lách kẽ hở kiểm định hay hối lộ từ các đối thủ kinh doanh, những công ty làm ăn chân chính ở Trung Quốc còn phải đối phó với hàng loạt tin giả trên thị trường, như trường hợp Mask Factory gặp phải.