Ngành du lịch Campuchia đang vật vã vì du khách Trung Quốc
Theo Hiệp hội hàng không Châu Á (CAPA), chính nền kinh tế giảm tốc tại Trung Quốc đã khiến số du khách đến Campuchia giảm tốc. Hơn nữa, sự tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam cũng hút bớt số du khách Trung Quốc khỏi Campuchia.
Theo báo cáo mới nhất của Cambodia Airport (CA), lượng khách du lịch bằng đường hàng không trong 6 tháng đầu năm đến Campuchia đã tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, Bộ Du lịch nước này cho biết tổng số du khách đến Campuchia năm 2015 đạt 4,78 triệu người, qua đó đóng góp khoảng 3 tỷ USD, tương đương 13% GDP cho nền kinh tế. Cũng nhờ du lịch, khoảng 620.000 việc làm trực tiếp đã được tạo ra tại Campuchia.
Với sự đóng góp ngày càng lớn từ du lịch, Campuchia đang chuyển hướng chiến lược của mình nhằm tăng cường phát triển mảng kinh tế này. Dự tính đến năm 2020, nước này sẽ thu hút được 7,5-8 triệu lượt du khách nước ngoài và trực tiếp tạo ra hơn 1 triệu việc làm.
Tập trung hơn vào khách Trung Quốc
Trong năm 2015, khoảng 700.000 khách Trung Quốc đã đến Campuchia, đứng thứ 2 sau du khách Việt Nam. Bộ Du lịch nước này dự đoán số du khách từ Trung Quốc sẽ còn tăng mạnh 43% trong năm nay, đạt khoảng 1 triệu người.
Trong 4 tháng đầu năm 2016, khoảng 275.000 khách du lịch Trung Quốc đã đến Campuchia, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước và Bộ trưởng Du lịch Thong Khon dự đoán con số này sẽ đạt 2 triệu lượt khách vào năm 2020.
Hiện tiềm năng du lịch của Campuchia với mảng du khách từ Trung Quốc vẫn còn khá lớn. So với các nước trong khu vực, số khách Trung Quốc đến Campuchia vẫn còn thấp. Năm 2014, khoảng 7,9 triệu khách Trung Quốc đã đến Thái Lan và 1,6 triệu khách đến Việt Nam.
Đền Wat Ounalom tại Phnom Penh
Mới đây, Bộ Du lịch Campuchia đã thành lập trung tâm nghiên cứu du khách Trung Quốc (CRC) nhằm đảm bảo nắm bắt được con số 2 triệu du khách vào năm 2020.
Theo Bộ trường Thong, CRC được thành lập trước tình hình du khách Trung Quốc đến nước này ngày một đông. Nhiệm vụ chính của CRC là nghiên cứu nhu cầu cũng nhe văn hóa của du khách Trung Quốc nhằm phối hợp với chính phủ thúc đẩy ngành du lịch trong nước.
Du lịch giảm tốc
Dẫu vậy, ngành du lịch Campuchia cũng chịu nhiều áp lực khi tăng trưởng du khách nước ngoài của Campuchia đang chậm lại kể từ sau khủng hoảng 2008. Nguyên nhân chủ yếu được cho là do kinh tế Trung Quốc giảm tốc, khiến du khách nước này đến Campuchia giảm mạnh.
Tăng trưởng du khách nước ngoài năm 2015 của Campuchia chỉ đạt 6,1% năm 2015, mức thấp nhất trong 6 năm trước đó. Trong quý I/2016, tăng trưởng du khách nước ngoài chỉ đạt 2,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong những năm gần đây, du khách Trung Quốc là nguồn thu chính của ngành du lịch Campuchia với mức tăng trưởng bình quân 35-40% trong khoảng 2011-2013.
Chính nhờ nguồn du khách lớn từ Trung Quốc mà hàng loạt những ngành khách sạn, sân bay, tiêu dùng tại nước này được hỗ trợ.
Quần thể Angkor tại Siem Reap
Tuy nhiên, do tình hình chính trị tại Campuchia không ổn định cũng như những xung đột địa chính trị với Thái Lan đã khiến số du khách Trung Quốc đến đây giảm tốc và tăng trưởng chỉ 20% trong vòng 2 năm qua.
Theo Hiệp hội hàng không Châu Á (CAPA), chính nền kinh tế giảm tốc tại Trung Quốc đã khiến số du khách đến Campuchia giảm tốc. Hơn nữa, sự tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam cũng hút bớt số du khách Trung Quốc khỏi Campuchia.
Tại sao lại là khách Trung Quốc?
Dẫu vậy, Trung tâm nghiên cứu khách du lịch nước ngoài từ Trung Quốc (COTRI) lại cho rằng nền kinh tế nước này giảm tốc không ảnh hưởng mấy đến ngành du lịch Campuchia và đây vẫn là thị trường thu hút nhiều du khách nhà giàu Trung Quốc.
Theo COTRI, việc tốn vài nghìn USD cho những chuyến du lịch Đông Nam Á không là gì mấy đối với giới nhà giàu Trung Quốc. Thay vì Campuchia, chính những thị trường như Nhật Bản hay Thái Lan mới phải lo lắng.
Bên cạnh đó, CAPA cho rằng việc tập trung vào du khách Trung Quốc là hợp lý khi nhu cầu du lịch của khách Hàn Quốc và Nhật Bản đối với Campuchia đã đạt đỉnh và đang trên đà suy giảm. Trong năm 2015, số du khách từ Hàn Quốc, Lào và Nhật Bản đến Campuchia đều giảm.
Xe tuk tuk chở khách tại quần thể Angkor
Hiện hàng chục triệu người thuộc tầng lớp trung lưu Trung Quốc đang có nhu cầu du lịch ra nước ngoài và đây là một nguồn khách tiềm năng lớn với Campuchia.
Trước thực trạng du khách giảm, ngành khách sạn tại Campuchia đang chịu nhiều áp lực do cung vượt cầu. Mảng nhà hàng thực phẩm và ăn uống tại đây cũng chịu ảnh hưởng do ít khách hàng hơn, trong khi những cơ sở kinh doanh nhỏ bị buộc phải đóng cửa do không có lợi nhuận.
Đã quá nhàm chán
Tăng trưởng kinh tế hàng năm của Campuchia hiện khá tốt, vào khoảng 7% mỗi năm, nhưng quốc gia này đang gặp khó trong việc dịch chuyển cơ cấu kinh tế từ mảng dịch vụ, sản xuất giá trị thấp sang phân khúc công nghiệp dịch vụ giá trị cao.
Việc tăng trưởng du khách nước ngoài giảm tốc cho thấy nhu cầu cấp thiết của nước này trong việc đa dạng hóa dịch vụ hơn là những tour thăm các khu di tích vốn đã nhàm chán.
Theo một báo cáo mới đây của ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), việc kết hợp những tour du lịch ngắn đến các ngôi đền cổ hay những di tích có thể thúc đẩy ngành du lịch nhưng chúng có giới hạn về phát triển trong lâu dài.
Đền Angkor Wat, biểu tượng du lịch của Campuchia bị ngân hàng ADB cho là điểm nhấn cho sự không đa dạng hóa trong ngành du lịch nước này.
Số liệu của Asian Trail Group cho thấy từ năm 2004 đến nay, khách du lịch vẫn chỉ dành 6-7 ngày ở lại địa điểm du lịch này mà không hề tăng thêm. Số lượng khách đến và chi tiêu cũng không tăng mạnh trong 5 năm vừa qua.
Quần thể Angkor
Năm 2014, khoảng 4,5 triệu khách du lịch đã đến Angkor Wat và chi tiêu khoảng 2,7 tỷ USD. Năm 2015, con số này tương ứng là 4,8 triệu khách và 3 tỷ USD.
Ngân hàng ADB cũng cho rằng ngành du lịch Campuchia gặp khó trong việc mở rộng, đa dạng hóa những tour du lịch chính là do cơ sở hạ tầng, giao thông ở đây còn yếu.
Trong nhiều năm, chính phủ cũng như nhiều doanh nghiệp tư nhân đã cố gắng thu hút khách du lịch đến các khu resort gần bờ biển Tây Nam như Sihanoukville, Kep hay Kampot. Tuy nhiên, hiện những khu du lịch này chỉ nổi tiếng trong nước, còn những du khách nước ngoài đi ngắn ngày vẫn chưa biết đến.
Lý do chính là các khu vực này không có nhiều chuyến bay hay phương tiện giao thông tiện lợi, đường xá còn thô sơ khiến việc di chuyển tốn nhiều thời gian cũng như công sức.
Ví dụ tại sân bay Sihanoukville, có chưa đến 100.000 du khách đến nơi này trong năm 2015 và hầu hết trong số đó là khách nội địa.
Ngoài ra, chính phủ Campuchia cũng không thành công trong việc quảng bá hình ảnh các bãi biển Tây Nam cho du khách quốc tế. Thay vào đó, các khách du lịch chỉ chủ yếu biết đến các bãi biển ở Việt Nam hay Thái Lan.