Ngành bảo hiểm Thái Lan trước nguy cơ vỡ nợ dây chuyền vì đại dịch

27/06/2022 11:19 AM | Xã hội

Nhiều người Thái Lan thậm chí cố tình nhiễm bệnh để đòi bảo hiểm.

Theo tờ Nikkei Asian Review, ít nhất 4 hãng bảo hiểm tại Thái Lan đã phải nộp đơn xin phá sản vì bán những gói dịch vụ chi phí thấp cho người bệnh của đại dịch Covid-19. Điều này làm dấy lên lo ngại hiệu ứng sụp đổ liên hoàn (domino) làn rộng trong ngành bảo hiểm.

Một trong những cái tên được nhắc đến là Syn Mun Kong Insurance. Hiện hãng bảo hiểm này đang cố gắng tìm kiếm nguồn vốn cũng như nhà đầu tư để có thể sống sót khi đang phải tái cấu trúc dưới sự kiểm soát của tòa án sau tuyên bố phá sản.

"Một số nhà đầu tư nước ngoài đang có hứng thú với hãng bảo hiểm và chúng tôi vẫn đang đàm phán", một nguồn tin thân cận của Nikkei cho biết.

Ngành bảo hiểm Thái Lan trước nguy cơ vỡ nợ dây chuyền vì đại dịch - Ảnh 1.

Vào tháng 5/2022, hãng bảo hiểm Syn Mun Kong đã phải nộp đơn phá sản lên tòa án và chấp nhận tái cấu trúc dưới sự giám sát của cơ quan chức năng do hứng chịu khoản lỗ khổng lồ từ các gói dịch vụ cho người bệnh Covid-19.

Tình hình này đã khiến Ủy ban kiểm soát ngành bảo hiểm Thái Lan (OIC) phải cảnh báo nguy cơ vỡ nợ hàng loạt khi tỷ lệ nợ trên tổng tài sản đang ngày một cao.

Trên thực tế, đại dịch Covid-19 đã khiến ngành bảo hiểm bùng nổ khi cho ra đời những gói dịch vụ giá rẻ khắp Châu Á để rồi nhận ra họ không thể chống chịu được với đà lan rộng của virus. Ví dụ như hãng bảo hiểm Nhật Bản JustInCase đã phải ngừng gói dịch vụ bảo hiểm Covid-19 giá rẻ, vốn thanh toán đến 90% chi phí bệnh viện, vì không đủ ngân sách chi trả.

Hàng loạt các hãng bảo hiểm Nhật Bản khác cũng đã ngừng những gói dịch vụ Covid-19, hoặc thậm chí nâng mức giá đóng bảo hiểm lên trước đà bùng nổ trở lại của đại dịch.

Tại Đài Loan, Hội đồng giám sát tài chính (FSC) đã cảnh báo vào cuối tháng 5/2022 rằng ngành bảo hiểm thị trường này sẽ phải đối mặt với hơn 1,3 tỷ USD tiền đòi đền bù Covid-19 trong năm nay.

Domino

Quay trở lại câu chuyện của Syn Mun Kong, đây đã là hãng bảo hiểm thứ 4 tại Thái Lan nộp đơn phá sản và phải tái cấu trúc. Trước đó 3 hãng bảo hiểm cũng phá sản tương tự vì gói dịch vụ Covid-19 là Asia Insurance 1950 Public Company, The One Insurance Public Company và Southeast Asia Insurance.

Theo Nikkei, Syn Mun Kong chỉ là 1 trong 16 hãng bảo hiểm Thái Lan bán gói dịch vụ Covid-19 giá rẻ kể từ năm 2020 với mức phí 300-500 Baht (9-15 USD) mỗi năm. Bệnh nhân Covid-19 sẽ được chi trả đến 500.000 Baht (14.000 USD) tiền viện phí.

Tại thời điểm đầu dịch, Thái Lan đã thành công khống chế và cách ly khi chỉ có chưa đến 300 ca nhiễm mỗi ngày. Chính điều này đã củng cố niềm tin cho ngành bảo hiểm tung ra những gói dịch vụ giá rẻ vì cho rằng số bệnh nhân sẽ không tăng hơn nữa.

Ngành bảo hiểm Thái Lan trước nguy cơ vỡ nợ dây chuyền vì đại dịch - Ảnh 2.

Thế rồi khi đại dịch kéo dài khiến nỗi sợ nhiễm Covid-19 ngày một lớn, nhiều công ty bảo hiểm đã nhảy vào thị trường tưởng chừng béo bở này, gây ra một cuộc chiến về giá. Hệ quả là các gói bảo hiểm Covid-19 ngày càng rẻ.

Thế nhưng chẳng ai ngờ tới Thái Lan lại phải đối mặt với nhiều đợt bùng phát dịch như vậy, bao gồm biến chủng Delta vào tháng 4/2020 rồi đến Omicron vào đầu năm 2022, đẩy số ca nhiễm mới lên hơn 20.000 mỗi ngày và khiến ngành bảo hiểm quá tải nhanh chóng.

Một yếu tố nữa là việc nền kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch tổn thương vì đại dịch đã khiến nhiều người nghĩ cách lừa lấy tiền bảo hiểm vì cuộc sống khó khăn. Trên mạng xã hội Facebook Thái Lan tràn ngập những bài viết rao bán các ống hít chứa mầm bệnh để mọi người có thể lây nhiễm và đòi tiền bảo hiểm.

Tính đến thời điểm hiện tại, hãng bảo hiểm Syn Mun Kong chỉ bán được 661 triệu Baht gói dịch vụ Covid-19 nhưng lại đang đối mặt với 41,8 tỷ Baht, tương đương 4 tỷ USD tiền đòi bảo hiểm.

Số liệu của Liên đoàn bảo hiểm Thái Lan (TGIA) cho thấy tổng số tiền đòi bảo hiểm Covid-19 đã lên đến 140 tỷ Baht với 54 công ty.

Sức ép quá lớn từ tiền bồi thường đã khiến 16 hãng bảo hiểm nhỏ tại Thái Lan phải dừng gói dịch vụ Covid-19 giá rẻ từ tháng 6/2021. Tuy nhiên do hợp đồng 1 năm nên các công ty bảo hiểm vẫn sẽ phải thanh toán tiền bồi thường cho đến cuối tháng 6/2022.

"Dù các công ty bảo hiểm nhỏ có thể thở phào vào cuối tháng 6 này nhưng tôi nghĩ vấn đề còn nghiêm trọng hơn thế. Những tổn thương trong 2 năm qua của đại dịch đến ngành bảo hiểm đã làm mất niềm tin của khách hàng sẽ khiến họ khó bán gói dịch vụ hơn", Chủ tịch Anon Vangsavu của TGIA cảnh báo.

*Nguồn: Nikkei Asian Review

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM