Ngân sách Nhà nước: Nỗi lo từ số liệu không thống nhất
"Việt Nam có 2 hệ thống báo cáo thống kê cực kỳ khó hiểu", theo PGS. TS. Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính nhận xét.
Bàn về vấn đề ngân sách Nhà nước tại hội thảo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) hôm 5/9, TS. Vũ Sỹ Cường, nhận xét đã có một số dấu hiệu tích cực trong thời gian gần đây.
"Thu ngân sách đã có xu hướng tăng", ông nói. Tính riêng trong năm 2017, ông Cường nhận xét tốc độ tăng chi bắt đầu có xu hướng giảm thấp hơn tăng thu. Điều này được xem là điểm tích cực, cho thấy cải cách ngân sách bắt đầu có hiệu quả, đảm bảm sự bền vững cho nền tài chính công.
Dù vậy, nếu nhìn tổng thể cả quá trình thu, chi trong nhiều năm, vị chuyên gia này cho rằng có điều đặc biệt là khoảng cách giữa thu và chi luôn ở một mức nhất định. Nghĩa là, việc thu hẹp bội chi ngân sách, dù đã có nhiều cải cách, nhưng vẫn cần xem xét thêm.
Một điểm đáng lưu ý trong cải cách tài chính công của Việt Nam, theo TS. Cường, nằm ở vấn đề số liệu. "Việt Nam có 2 hệ thống báo cáo thống kê cực kỳ khó hiểu", ông nói và cho biết một bảng sẽ được dùng báo cáo Quốc hội và một bảng lại theo hệ thống quốc tế.
Sự không thống nhất này khiến cho công tác tính toán từ số liệu của Nhà nước được Bộ Tài chính công khai là không dễ dàng. Nhiều trường hợp dẫn đến so sánh của các chuyên gia không tương ứng với nhau.
Vấn đề này trước đó cũng được nêu ra trong một hội thảo chuyên đề tài chính. "Bản thân Bộ Tài chính đã cho ra một bức tranh khác nhau về ngân sách Nhà nước", TS. Vũ Đình Ánh cho biết.
Theo ông Ánh này, có những buổi thảo luận, các chuyên gia mỗi người đã cho ra một hình ảnh ngân sách khác nhau do sử dụng nguồn số liệu khác nhau.
Nói về thu – chi ngân sách, vị chuyên gia có một thời gian dài công tác tại Bộ Tài chính đưa ra cam đoan rằng phần lớn các nghiên cứu đã dùng nhiều nguồn số liệu, tức không sử dụng một con số thống nhất.
Việc dựa trên nền dữ liệu khác nhau theo ông Vũ Đình Ánh sẽ khiến cho các lập luận, tranh luận, thậm chí bằng chứng từ việc chạy mô hình kinh tế trở nên triền miên, không đi đến được một kết luận chung.
Nếu sự khác biệt chỉ xảy ra do khác nhau về thời điểm lấy thì là bình thường, điều này tương tự như Tổng cục Thống kê, Tổng cục Hải quan. Nhưng đối với số liệu tài chính ở đây lại là một trường hợp khác.
Theo đó, ông thú thật là trong 20 năm, ông không lý giải được số liệu trong nước và số liệu quốc tế tại sao lại khác. "Số liệu ngân sách Nhà nước, tổng thu khác nhau, tổng chi khác nhau, cấu phần trong đó khác hẳn nhau thì lấy gì phân tích", TS. Vũ Đình Ánh nhận xét.
"Nguy hiểm hơn, không chỉ mặt số liệu vênh thôi mà xu hướng cũng bị vênh. Quan sát một dãy số này thì thấy tăng thu ngân sách trên GDP, một dãy khác thì thấy là giảm", ông nói thêm.