Ngân hàng Thế giới vận hành như thế nào?
Trong khi IMF giải quyết các cuộc khủng hoảng mang tính cấp bách như các chính sách điều chỉnh tiền tệ không hợp lý, tháo chạy vốn và thiếu hụt đột ngột đồng đô la, thì Ngân hàng Thế giới lại tập trung giải quyết các vấn đề dài hạn về sự thiếu thốn và lạc hậu.
Vào đầu tháng 4, Ngân hàng Thế giới đã bổ nhiệm một chủ tịch mới: David Malpass, cựu cố vấn kinh tế cho Tổng thống Donald Trump và quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ. Tuy nhiên, ông cũng chính là một trong những người chỉ trích cách thức hoạt động của tổ chức này.
Vào ngày 5/4, Ngân hàng Thế giới đã bổ nhiệm một chủ tịch mới: David Malpass, cựu cố vấn kinh tế cho Tổng thống Donald Trump và quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ. Như thường lệ, ngân hàng Thế giới thường chấp nhận các ứng viên đến từ Mỹ cho những vị trí đứng đầu.
Tuy nhiên trong lần bổ nhiệm này, Ngân hàng Thế giới không có sự lựa chọn nào khác khi các nước thành viên khác không chuẩn bị để tài trợ cho một ứng cử viên đối thủ. Trong vai trò trước đây, ông Malpass đã thể hiện quan điểm rằng ông không thích cách thức vận hành của Ngân hàng Thế giới. Vậy chính xác thì tổ chức này hoạt động như thế nào?
Nhiệm vụ của Ngân hàng Thế giới là chống lại nghèo đói và bất bình đẳng bằng cách cung cấp tiền và lời khuyên cho các nước đang phát triển. Tổ chức này được thành lập vào năm 1944 tại hội nghị ở Bretton Woods, New Hampshire, nơi cũng dẫn đến sự ra đời của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Trong khi IMF giải quyết các cuộc khủng hoảng mang tính cấp bách như các chính sách điều chỉnh tiền tệ không hợp lý, tháo chạy vốn và thiếu hụt đột ngột đồng đô la, thì Ngân hàng Thế giới lại tập trung giải quyết các vấn đề dài hạn về sự thiếu thốn và lạc hậu.
Một trong những nhiệm vụ ban đầu của Ngân hàng Thế giới là hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng bị phá hủy trong chiến tranh ở châu Âu. Khoản vay đầu tiên của tổ chức này là cho Pháp. Sau đó, các nước phát triển cũng bắt đầu kêu gọi trợ giúp từ Ngân hàng Thế giới, mở đầu là Chile vào năm 1946.
Ngày nay, Ngân hàng Thế giới bao gồm 5 tổ chức: một cơ quan bảo lãnh các khoản vay, một trung tâm giải quyết tranh chấp đầu tư, một “công ty” đầu tư vào các công ty tư nhân và thúc đẩy khả năng làm chủ doanh nghiệp, và 2 đơn vị lớn nhất hợp thành Ngân hàng Thế giới là Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD).
IDA thu tiền quyên góp 3 năm một lần từ ngân hàng của các quốc gia giàu có và đưa tiền cho những nước nghèo nhất thế giới, dưới hình thức cho vay không lãi suất hoặc trợ cấp hoàn toàn không cần hoàn lại. Ví dụ, gần đây, tổ chức này đã trao 90 triệu USD cho Benin để giảm tỷ lệ sinh nở của quốc gia này bằng cách cung cấp các biện pháp tránh thai và giáo dục cho phụ nữ trẻ.
Trong năm tài chính vừa qua, IDA đã chi 24 tỷ USD, trong đó 36% dành cho 3 quốc gia thụ hưởng: Ethiopia, Bangladesh và Nigeria. Các quốc gia có GDP bình quân đầu người trên 1.145 USD sẽ không được nhận trợ giúp từ IDA. Trung Quốc nhận trợ cấp từ IDA lần cuối vào năm 1999, và Ấn Độ vào năm 2014.
IBRD gây nhiều tranh cãi hơn IDA. Do tổ chức này có sự hậu thuẫn của các chính phủ trên thế giới, nên nó có thể vay tiền với lãi suất thấp trên thị trường tài chính quốc tế. Sau đó, IBRD cho vay số tiền đó với lãi suất cao hơn một chút so với lãi suất mà nó đi vay cho các nước có “thu nhập trung bình” bao gồm cả Brazil và Trung Quốc.
Những người chỉ trích Ngân hàng Quốc tế đã chỉ ra rằng nhiều quốc gia có thể trực tiếp vay số tiền lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài mà không cần đến sự tham gia của tổ chức này. Nhưng những người ủng hộ IBRD lại cho rằng việc Ngân hàng Quốc tế vay tiền từ các quốc gia giúp tổ chức này trực tiếp tham gia đầu tư, đặt mình vào vị thế của các nước vay tiền để nghĩ ra những lời khuyên chính sách thực sự hiệu quả và tạo nên sự khác biệt.
Một trong những người chỉ trích IBRD lại chính là chủ tịch mới của Ngân hàng Thế giới: ông Malpass. Theo ông Malpass, Ngân hàng Thế giới đang quá bao đồng và muốn tổ chức này tập trung nhiều hơn vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời cho các quốc gia giàu có vay ít hơn, đặc biệt là Trung Quốc.