Ngân hàng Nhà nước bán đấu giá hơn 600 tấn phế liệu tiền kim loại giá khởi điểm 48,1 tỷ đồng
Tiền xu được đưa vào sử dụng từ năm 2003, nhưng không được ưa chuộng. Đến cuối tháng 4/2011, tiền xu đã chính thức bị dừng phát hành.
Ngày 10/5, Cục Phát hành và Kho quỹ, Ngân hàng Nhà nước đã có thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản.
Theo đó, tài sản đấu giá là 601,55 tấn phế liệu tiền kim loại sau tiêu hủy. Giá khởi điểm của tài sản đấu giá là 48,12 tỷ đồng. Mức giá này không bao gồm thuế giá trị gia tăng và chi phí bốc dỡ, vận chuyển tại đơn vị bán.
Tiêu chí để lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản là có cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết bảo đảm cho việc đấu giá đối với loại tài sản đấu giá, có phương án đấu giá khả thi, hiệu quả, có tối thiểu 5 năm kinh nghiệm hoạt động liên tục trong lĩnh vực tổ chức đấu giá tài sản, có tối thiểu 5 đấu giá viên có tối thiểu 5 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực đấu giá và hiện đang làm việc thường xuyên tại tổ chức.
Ngoài ra, tổ chức đấu giá phải có hợp đồng bán đấu giá tài sản đã hoàn thành trong năm 2018 đạt giá trị tối thiểu là 45 tỷ đồng.
Được biết, các loại tiền xu có mệnh giá từ 200 đồng đến 5.000 đồng bắt đầu đi vào lưu thông từ cuối năm 2003 với mục đích tạo tiền đề cho phát triển các hình thức thanh toán tự động.
Tuy nhiên, sau một thời gian lưu hành, do tốc độ trượt giá của VND khiến một số mệnh giá của loại tiền xu ít được sử dụng. Mặt khác, chất lượng của tiền xu cũng nhanh chóng bị xuống cấp, xỉn màu… gây khó khăn trong việc cất trữ. Thêm vào đó là tâm lý ngại sử dụng tiền xu của một bộ phận người Việt Nam vì rất dễ bị rơi, mất trong quá trình sử dụng.
Vì vậy, đến cuối tháng 4/2011, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất việc dừng phát hành tiền xu và được Thủ tướng chấp thuận.