Ngân hàng nào đứng đầu về tỷ suất sinh lời trên tài sản?

24/08/2023 17:15 PM | Kinh doanh

Các ngân hàng Việt Nam có tỷ lệ ROE rất cao nhưng chưa từng có một thành viên nào đạt được ROA tầm trên 3,5%. Đáng chú, ROA của các ngân hàng đang có xu hướng đi xuống khi lợi nhuận sụt giảm bất chấp sự mở rộng của quy mô tổng tài sản.

Ngân hàng nào đứng đầu về tỷ suất sinh lời trên tài sản? - Ảnh 1.

Theo nền tảng cung cấp dữ liệu Wichart của Wigroup, tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản trong 4 quý gần nhất (ROA trượt) của 27 ngân hàng trên sàn chứng khoán ở mức 1,54%, giảm 0,12 điểm % so với năm 2022.

Với mức ROA này, ngân hàng có ROA thấp hơn các ngành nghề dịch vụ khác như môi giới chứng khoán và hàng hóa (2,71%), bán lẻ (2,1%), bảo hiểm và các hoạt động liên quan (1,63%) và kém xa các ngành chế biến, chế tạo và xây dựng như quản lý và phát triển bất động sản (3,66%), sản xuất thực phẩm (6,24%), dược phẩm (9,06%),…

ROA là một chỉ số thể hiện tương quan giữa mức sinh lợi của một ngân hàng/doanh nghiệp so với tài sản của họ. ROA cho biết hiệu quả của họ trong việc sử dụng tài sản để kiếm lời.

Tại hệ thống NHTM Việt Nam, nếu như trong quá khứ và hiện nay đã có nhiều thành viên từng, đang đạt được ROE rất cao, trên 25% và thậm chí 28-30% thì hàng chục năm qua chưa từng có một thành viên nào đạt được ROA tầm trên 3,5%.

Nguyên nhân là bởi xét về số tuyệt đối thì quy mô lợi nhuận của các ngân hàng có thể lớn nhưng lại là rất nhỏ so với quy môt tổng tài sản lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng ở các ngân hàng vừa và nhỏ và lên đạt cả triệu tỷ đồng ở các nhà băng lớn. Đó là chưa kể, nhiều phân tích cũng đã đề cập, mức lợi nhuận của các ngân hàng cũng đang phải cõng trên nó không ít rủi ro, điển hình là nợ xấu.

Một trong những động lực chính giúp các ngân hàng tăng được tỷ lệ ROA là khả năng mở rộng nguồn thu mà không phụ thuộc vào quy mô tổng tài sản. Do vậy, những ngân hàng có tỷ trọng các nguồn thu ngoài lãi ở mức cao (ít phụ thuộc vào quy mô tín dụng) thường có tỷ lệ ROA cao hơn so với trung bình ngành.

Tính đến cuối quý II, Techcombank là ngân hàng có tỷ lệ ROA (trượt 4 quý) cao nhất hệ thống, ở mức 2,65% dù giảm mạnh so với mức 3,22% đạt được trong năm 2022.

Theo giới phân tích, Techcombank liên tục duy trì tỷ lệ ROA cao nhất hệ thống nhờ chiến lược tập trung tăng nguồn tiền gửi không kì hạn giá rẻ dẫn đến tỉ lệ CASA cao hàng đầu hệ thống trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó, tỷ trong nguồn thu ngoài lãi cao cho phép Techcombank gia tăng các thu nhập mà không cần thiết phải tăng thêm quy mô tài sản.

Đứng sau Techcombank về tỷ lệ ROA lần lượt là MB (2,57%) và VIB (2,47%). Cả hai ngân hàng này đều có ROA sụt giảm so với năm 2022.

Trong khi đó, một số ngân hàng trong TOP10 vẫn giữ được tỷ lệ ROA, thậm chí tăng so với năm 2022 như ACB (2,46%, tăng 0,05 điểm %) MSB (2,22%, tăng 0,01 điểm %), OCB (2,08%, tăng 0,23 điểm %), Vietcombank (1,96%, tăng 0,11 điểm %)

Điểm chung của các ngân hàng ghi nhận ROA tăng so với năm 2022 là có cơ cấu nguồn thu đa dạng và thu nhập ngoài lãi tăng trưởng mạnh, đặc biệt trong hoàn cảnh các hoạt động kinh doanh dựa trên cho vay đang có nhiều biến động bất lợi.

Đơn cử, trong nửa đầu năm lợi nhuận OCB tăng trưởng 47% so với cùng kỳ năm trước với thu nhập ngoài lãi tăng gấp đôi, trong khi tổng tài sản chỉ tăng thêm 8,9%. Điều này giúp tỷ suất ROA của OCB tăng mạnh thứ hai hệ thống, chỉ sau Sacombank.

Ngân hàng nào đứng đầu về tỷ suất sinh lời trên tài sản? - Ảnh 2.

Nguồn: Mạnh Đức tổng hợp từ Wichart

Ngoài những cái tên kể trên, TOP10 ROA cao nhất hệ thống còn có sự góp mặt của HDBank (1,92%), TPBank (1,82%) và SHB (1,45%).

Dữ liệu của Wichart cũng cho thấy, có 15/27 nhà băng ghi nhận ROA sụt giảm so với năm 2022. Trong đó, nhiều ngân hàng giảm rất mạnh như VPBank (giảm 1,68 điểm%), ABBank (giảm 0,68 điểm %), Techcombank (giảm 0,57 điểm %), SeABank (giảm 0,39 điểm %), BVBank (Giảm 0,33 điểm %).

ROA của ngành ngân hàng có xu hướng đi xuống khi lợi nhuận sụt giảm trong khi tổng tài sản vẫn tiếp tục mở rộng.

Dữ liệu tổng hợp từ báo cáo tính chính quý 2 cho thấy, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm của 27 ngân hàng trên sàn chứng khoán đã giảm 2,9% so với cùng kỳ 2022. Trong khi đó, quy mô tổng tài sản vẫn mở rộng thêm gần 4%.

Đặc biệt, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm của VPBank đã giảm 66,5% so với cùng kỳ năm trước trong khi quy mô tài sản vẫn tăng hơn 17%. Nguyên nhân chính của tình trạng này đến từ việc biên lãi cho vay của ngân hàng giảm nhanh chóng, đi cùng việc tăng cường trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.

Tương tự, lợi nhuận sau thuế của ABBank cũng giảm hơn 59% so với cùng kỳ 2022 dù quy mô tổng tài sản mở rộng thêm 18,7% trong nửa đầu năm.

Theo Mạnh Đức

Từ khóa:  VPBank
Cùng chuyên mục
XEM