Ngân hàng nào đang có lãi suất huy động cao nhất?
Theo Quyết định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ hôm nay (3/4), các ngân hàng giảm lãi suất tiền gửi các kỳ hạn về dưới 8%/năm cho nhiều kỳ hạn ngắn và chỉ duy trì mức trên 8% cho các kỳ hạn dài.
Theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước , lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ mức 1%/năm xuống 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 6%/ năm xuống 5,5%/năm.
Theo khảo sát của PV Tiền Phong, ngày 3/4, lãi suất kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng của các ngân hàng đồng loạt giảm về mức dưới 5,5%/năm. Thậm chí nhiều ngân hàng còn giảm về mức 5,2%/năm như SHB, PVComBank và SeABank. Lãi suất thấp nhất nhóm ngân hàng tư nhân là Ngân hàng Bản Việt khi chỉ còn 4,7%/năm. Bên cạnh các kỳ hạn dưới 6 tháng, nhiều ngân hàng cũng giảm lãi suất huy động cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
OceanBank đồng loạt giảm 0,2 - 0,6 %/năm tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Lãi suất cao nhất mà ngân hàng này đang niêm yết là 8,3%/năm tại các kỳ hạn 12 - 36 tháng.
Tại SHB, lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên hạ 0,5 - 0,6%/năm. Hiện mức lãi suất cao nhất của SHB đã giảm từ 8,5%/năm xuống 8%/năm.
Tương tự, Sacombank cũng giảm 0,1 - 0,3%/năm ở các kỳ hạn trên 6 tháng, đồng thời điều chỉnh lãi suất huy động dưới 6 tháng về mức tối đa được phép. Theo đó, kỳ hạn từ 6 đến 8 tháng còn 7,3%/năm; 12 tháng còn 7,6%/năm.
ACB cũng giảm lãi suất huy động dưới 6 tháng về mức tối đa được phép và giảm 0,2%/năm ở kỳ hạn trên 6 tháng. Như vậy, lãi suất 9 tháng xuống còn 6,8%/năm, kỳ hạn 12 tháng xuống còn 7,1%/năm.
Ngân hàng Bản Việt cho biết, giảm các kỳ hạn tiền gửi từ 0,2 - 1%/năm đưa lãi suất các kỳ hạn dài về cao nhất còn 8,7%/năm. Riêng đối với kỳ hạn từ 36 tháng - 60 tháng, mức lãi suất niêm yết cao nhất 8,8%/năm. Với tiền gửi không kỳ hạn, mức lãi suất áp dụng 0,2%/năm.
Với kỳ hạn 6 tháng, SCB là ngân hàng có lãi suất tiền gửi cao nhất thị trường, đạt 9%/năm.
Tại kỳ hạn 12 tháng , ABBank và SCB có lãi suất cao nhất, lần lượt là 9,1%/năm và 9%/năm. Tiếp đó là các ngân hàng niêm yết mức 8,8-8,9%/năm như BacABank, BaoVietBank, VietBank, NamABank, HDBank,…
Nhóm Big 4 có lãi suất huy động thấp nhất hệ thống. Mức cao nhất chỉ 7,2%/năm đối với gửi tại quầy kỳ hạn 12 tháng. Với hình thức gửi online, Vietcombank và Agribank có lãi suất cao nhất là 7,4%/năm trong khi VietinBank và BIDV áp dụng 7,7%/năm.
Đây là đợt giảm lãi suất huy động lớn thứ hai chỉ trong vòng 2 tuần qua. Trước đó, các ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất huy động sau khi NHNN giảm lãi suất điều hành từ ngày 15/3.
Tại cuộc họp báo của NHNN cuối tuần qua, ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Chính sách tiền tệ NHNN - cho biết: “Giảm lãi suất là mong mỏi của Thủ tướng Chính phủ và NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ suốt thời gian qua. Chúng tôi điều hành để cắt giảm mặt bằng lãi suất huy động, rồi đề nghị các tổ chức tín dụng cắt giảm chi phí để có nền tảng giảm lãi suất cho vay trong nền kinh tế".
Theo ông Quang, trong bối cảnh thế giới thuận lợi, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có xu hướng giảm tốc quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ thì đây là điều thuận lợi giúp NHNN tiến tới giảm các mặt bằng lãi suất điều hành, kể cả các mặt bằng lãi suất thương mại như chỉ đạo ngân hàng về trần lãi suất huy động, trần lãi suất cho vay trong thời gian tới. Khi điều kiện chín muồi, NHNN sẽ tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.