Ngân hàng được mùa lên sàn
Theo các chuyên gia, việc niêm yết cổ phiếu ngành ngân hàng trên sàn chứng khoán vô cùng quan trọng, nó không chỉ giúp tăng tính minh bạch tài chính các ngân hàng, mà còn giúp các nhà đầu tư đổ tiền vào ngân hàng biết được khoản đầu tư của mình hiện ra sao.
Làn sóng các ngân hàng niêm yết năm 2017
Theo Thông tư số 180/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết, các công ty đại chúng có cổ phần chưa được niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán phải thực hiện đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống UPCoM không muộn hơn ngày 31/12/2016.
Diễn biến kể từ đầu năm đến nay cho thấy các ngân hàng đã đẩy mạnh làn sóng niêm yết trên sàn chứng khoán nhằm minh bạch hóa thông tin và nâng cao năng lực quản trị điều hành.
Cụ thể, LienVietPostBank mới đây đã thông báo về việc chốt danh sách cổ đông để làm thủ tục đăng ký chứng khoán tại Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam và đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết (UPCoM). Theo đó, vào ngày 17/7/2017 tới đây, ngân hàng này sẽ thực hiện chốt danh sách cổ đông để thực hiện các thủ tục đăng ký toàn bộ 646,6 triệu cổ phần của ngân hàng.
Bên cạnh LienVietPostBank, Techcombank, OCB, Nam Á, Kienlongbank, VPBank, MaritimeBank, VIB, VietABank, TPBank… cũng có kế hoạch lên sàn. Trong đó, có 2 ngân hàng đã hoàn thành kế hoạch là VIB chào sàn UpCoM vào đầu năm 2017 và Kienlongbank mới gia nhập sàn này vào ngày 29/6 vừa qua.
Trong khi đó vẫn còn một số ngân hàng chưa thể niêm yết mặc dù đã có kế hoạch. Lãnh đạo của một trong số các ngân hàng nhóm này lý giải trong năm qua vẫn chưa thực hiện được kế hoạch do tình hình thị trường diễn biến chưa thuận lợi, cổ phiếu TCTD chưa được sự quan tâm nên ngân hàng nhận thấy việc niêm yết cổ phiếu thời điểm này khó mang lại sự gia tăng giá trị cho cổ đông. Do đó, HĐQT ngân hàng quyết định chưa thực hiện niêm yết.
Vừa được mùa còn được cả giá
Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu ngân hàng đã niêm yết đang dần lấy lại phong độ "cổ phiếu vua" 1 thời, có mã đã lấy lại được phong độ của nhiều năm trước.
Không những vậy, ngay cả những mã mới vừa lên sàn cũng cho thấy sự tăng trưởng tốt. Cụ thể, ngày 29/6, Kienlongbank đã đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM với giá khởi điểm đúng bằng mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phiếu. Đến phiên 5/7, cổ phiếu này được giao dịch ở quanh mức 11.700 đồng, tức tăng 17% so với ngày đầu tiên.
VIB lên sàn từ đầu năm nay với mức giá 17.000 đồng/cổ phiếu, tới nay giá của VIB trên sàn UPCoM lên mức quanh 23.000 đồng/cp.
Trong khi đó, trên sàn OTC, cổ phiếu của VPbank đã tăng giá ấn tượng trên 40.000 đồng/cp, gấp đôi giá trị so với thời điểm cuối năm trước. Giá cổ phiếu của Techcombank lên 34.000 đồng, cổ phiếu LienVietPostBank dao động quanh ngưỡng 12.000 đồng, cổ phiếu của ngân hàng HDBank lên mức 17.000 đồng...đều ghi nhận mức giá tăng khá lớn.
Theo quy định về công bố thông tin, tất cả các TCTD hiện đều là các công ty đại chúng quy mô lớn nên đều phải thực hiện công bố thông tin về quản trị công ty như các tổ chức đang niêm yết. Hơn nữa, tất cả các TCTD đều chịu sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước, việc báo cáo tình hình tài chính, tình hình hoạt động được yêu cầu thực hiện thường xuyên, liên tục.
Các chuyên gia tài chính cũng đồng tình rằng việc niêm yết cổ phiếu ngành ngân hàng trên sàn chứng khoán vô cùng quan trọng, nó không chỉ giúp tăng tính minh bạch tài chính các ngân hàng, mà còn giúp các nhà đầu tư đổ tiền vào ngân hàng biết được khoản đầu tư của mình hiện ra sao.
Hơn nữa, việc niêm yết còn giúp NHNN dễ dàng nắm bắt được tình hình kinh doanh, sức khỏe của các ngân hàng để đưa ra biện pháp quản lý hiệu quả.