Đâu mới thực sự là lý do khiến hàng loạt ngân hàng ngoại rút vốn khỏi Việt Nam?
Việc hàng loạt các ngân hàng nước ngoài muốn rút vốn khỏi ngân hàng Việt sau một thời gian hợp tác có là tín hiệu tiêu cực về môi trường kinh doanh ngân hàng tại Việt Nam?
Trong thời gian gần đây, khá nhiều ngân hàng lớn trên thế giới đang hoạt động tại Việt Nam đã có động thái thu hẹp hoạt động, hoặc rút vốn khỏi một ngân hàng nội.
Có ý kiến cho rằng một loạt các vấn đề như tỷ lệ nợ xấu lớn, quả trị rủi ro nhiều thiếu sót trong khi quản trị doanh nghiệp còn hạn chế là những nguyên nhân chính làm giảm tính hấp dẫn của các ngân hàng Việt.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính ngân hàng nêu quan điểm nếu so sánh vài năm trước, thì hệ thống ngân hàng ở thời điểm hiện nay còn khá hơn.
"Tôi không cho rằng, thị trường kinh doanh xấu đi. Đồng thời cũng không phải là nguyên nhân lợi nhuận hay cổ tức của các ngân hàng giảm như một số ý kiến đã đánh giá. Môi trường kinh doanh ngân hàng tại Việt Nam trong thời gian gần đây, rất nhiều yếu tố tích cực: cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh, tính bình quân tăng trưởng 15 -16%, hành lang pháp lý thông thoáng hơn,…Hệ số P/E tại Việt Nam còn hấp dẫn hơn so với khu vực. Do đó, tôi cho rằng môi trường kinh doanh thậm chí còn tiềm năng”, TS. Cấn Văn Lực nhận định.
Lý do chính theo chuyên gia, là họ thay đổi chiến lược kinh doanh, nếu duy trì như vậy sẽ không có lợi bằng việc rút vốn về và đầu tư chỗ khác.
Vị chuyên gia dẫn chứng trường hợp mới đây, Ngân hàng TMCP Quốc tế ( VIB ) công bố nhận chuyển giao toàn bộ hoạt động của Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA) Chi nhánh TP. HCM. Toàn bộ cuộc chuyển giao dự kiến sẽ được hoàn tất trong quý III năm nay.
Được biết, CBA Chi nhánh TP. HCM bắt đầu hoạt động vào năm 2008. Hai năm sau, ngân hàng mẹ CBA đã đầu tư vào VIB với phần vốn góp 15% và sau đó nâng tỷ lệ lên 20%. Hiện CBA là nhà đầu tư chiến lược và cổ đông lớn nhất của VIB. Ngân hàng đến từ Úc cũng đang giữ 2 ghế trong HĐQT và 1 ghế trong BKS của VIB.
Theo nhận định của ông Lực, CBA đã là cổ đông chiến lược ở VIB nếu còn chi nhánh ở Tp.HCM thì cũng không cần thiết, có thể mâu thuẫn lợi ích, chồng chéo.
Trước đó, phía lãnh đạo VIB cho biết CBA muốn tập trung hơn vào một điểm đầu tư tại Việt Nam là VIB, thay vì phân tán nguồn lực.
Tương tự cũng như ở trường hợp HSBC với Techcombank, có thể có lý do tránh “xung đột” trong hoạt động kinh doanh.
HSBC bắt đầu đầu tư vào Techcombank vào năm 2005 và trong giai đoạn đầu đã cử nhiều quản lý cao cấp sang Techcombank nhằm hỗ trợ chuyển giao kiến thức chuyên môn về quy trình hoạt động. Những quản lý này cũng tham gia sâu vào nhiều hoạt động hàng ngày của Techcombank.
Rõ ràng với thế mạnh về hoạt động trên toàn cầu, HSBC đã đóng góp vào quá trình chuyển đổi Techcombank từ một ngân hàng nội địa truyền thống trở thành một trong những ngân hàng cổ phần năng động nhất về mảng bán lẻ ở Việt Nam hiện nay.
Tuy nhiên, kể từ năm 2012, vai trò của HSBC dần giảm thiểu, theo phân tích của CTCK HSC có thể một phần là do những mâu thuẫn có thể tiềm ẩn khi cùng là các ngân hàng hoạt động trong thị trường Việt Nam. Do đó, thông báo trên về kế hoạch thoái vốn của HSBC là không bất ngờ.