Ngân hàng đua hút vốn trung, dài hạn
Nhiều ngân hàng phát hành trái phiếu huy động dòng tiền, trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước có động thái "siết" vốn tín dụng ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, nâng cao chất lượng tài sản hệ thống.
Hội đồng Quản trị VietinBank (HoSE: CTG) vừa thông qua lựa chọn CTCK VietinBankSc là đơn vị thực hiện các nghiệp vụ liên quan đến đợt chào bán trái phiếu ra công chúng năm 2019 của ngân hàng - động thái chuẩn bị cho việc huy động vốn qua kênh phát hành trái phiếu trong thời gian tới. Trước đó, vào tháng 5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận cho phép VietinBank phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất do ngân hàng tự quyết.
VPBank (HoSE: VPB) vừa gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) hồ sơ chào bán và niêm yết trái phiếu quốc tế đợt 1/2019 với tổng giá trị tối đa 1,12 tỷ USD.
TPBank (HoSE: TPB) đầu tháng 6 cũng vừa thông qua chủ trương lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về phương án phát hành 200 triệu USD trái phiếu quốc tế vốn cấp II trong năm nay.
Cùng với 3 ngân hàng trên, nhiều đơn vị đã và đang thực hiện các đợt phát hành trái phiếu, thu hút vốn phục vụ cho hoạt động.
Gần đây, BIDV (HoSE: BID) thông báo hoàn tất đợt phát hành riêng lẻ 200 tỷ đồng trái phiếu, chia đôi cho kỳ hạn 7 năm và 10 năm. Đây là một trong những phương án ngân hàng đề ra từ đầu năm, để năng cao năng lực tài chính.
Tương tự, ACB (HoSE: ACB), tới cuối tháng 6, nhà băng này thực hiện 4/5 đợt phát hành trái phiếu 2-3 năm của lần 2/2019 với giá trị 4.500 tỷ đồng trên tổng số dự kiến là 5.500 tỷ đồng.
Vào tháng 4, ACB cũng thông qua phát hành trái phiếu lần 1 trong năm nay với tổng giá trị 2.500 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm.
Theo thống kê của CTCP Chứng khoán MB (MBS), từ đầu năm tới giữa tháng 6, có gần 18.200 tỷ đồng trái phiếu ngân hàng được phát hành. VPBank là đơn vị phát hành thành công nhiều nhất gần 6.000 tỷ đồng, theo sau là HDBank.
Giá trị các đợt phát hành trái phiếu của ngân hàng
Nguồn: MBS.
Cơ cấu nguồn vốn trung và dài hạn
Năm 2019, NHNN đưa ra dự thảo Thông tư 36 quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Trong 2 kịch bản đề xuất, muộn nhất đến năm 2022, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng sẽ phải giảm về 30%. Giai đoạn đầu 1/1/2019- 30/6/2020, tỷ lệ này giữ ở 40%.
Số liệu của NHNN ghi nhận đến cuối tháng 4, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn tại các ngân hàng thương mại cổ phần bình quân ở 31,52%.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng từng chia sẻ hoạt động ngân hàng về bản chất là trung gian tài chính, nhận tiền gửi và cho vay tổ chức, cá nhân. Một trong những rủi ro mà ngân hàng quan tâm là thanh khoản. Nhà băng phải đảm bảo huy động vốn và cho vay cân đối các kỳ hạn. Khi người gửi rút tiền ngân hàng phải đáp ứng được, nếu không sẽ lan truyền đến hệ thống và nguy hiểm cho nền kinh tế.
Theo bà Hồng, chỉ tiêu vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn là yếu tố rất quan trọng của nhiều nước, không riêng Việt Nam. Các giải pháp kiểm soát tín dụng và điều chỉnh chỉ số của NHNN được các cơ quan xếp hạng tín nhiệm đánh giá cao.
Áp lực vốn trung, dài hạn của ngân hàng đang gia tăng. Ảnh minh hoạ: Liên Hương.
Theo định hướng của cơ quan này, các ngân hàng thương mại đang dần giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Mặt khác, có những đơn vị cần nâng cao chất lượng vốn để đảm bảo chuẩn Basel II như VietinBank, BIDV.
Bên cạnh việc phát hành trái phiếu, nhiều ngân hàng cũng có xu hướng đưa ra mức lãi suất cao, cạnh tranh ở các kỳ hạn dài với giá trị tiền gửi lớn. Đơn cử, Ngân hàng Bản Việt có mức lãi suất 8,6%/năm cho kỳ hạn 24-60 tháng. Nam Á Bank công bố lãi suất 8,45%/năm với kỳ hạn 24 tháng cho tiền gửi trên 500 tỷ đồng.
Một số đơn vị khác huy động vốn trung, dài hạn bằng các chương trình phát hành chứng chỉ tiền gửi như SHB có lãi suất 8,6-8,9%/năm cho kỳ hạn 18-36 tháng, hay Sacombank cho kỳ hạn 5 năm +1 ngày lãi suất 8,48-8,88%/năm, LienvietpostBank lãi suất 8,1%/năm cho kỳ hạn 15-36 tháng…
Những động thái theo hướng thận trọng trong tăng trưởng tín dụng và cơ cấu tài sản ngân hàng ổn định hơn của NHNN đặt ra cho các ngân hàng thương mại bài toán về nguồn vốn. Trong thời gian tới, nhiều khả năng các nhà băng sẽ tiếp tục đẩy mạnh huy động vốn trung và dài hạn, đồng thời có biện pháp cải thiện chất lượng tài sản tự thân.