Ngân hàng đang "chạy thành tích" tỷ giá?

28/12/2018 20:18 PM | Kinh doanh

Ngày làm việc cuối cùng của năm 2018, tỷ giá trung tâm được đẩy lên mức cao kỷ lục mới 22.825 đồng, trong khi đó USD ở các ngân hàng vẫn chưa ngừng "rơi". Thay vì mức tăng tới hơn 4,6% tại thời điểm tháng 10, đến nay USD ngân hàng kéo xuống chỉ còn tăng chưa đến 2,3% so với đầu năm.

Thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục đẩy tăng tỷ giá trung tâm – tỷ giá tham chiếu cho các ngân hàng thương mại – lên mức cao kỷ lục mới. Đến sáng ngày 28/12, ngày làm việc cuối cùng của năm 2018, tỷ giá trung tâm đã lên đến 22.825 đồng/USD, tăng đến 20 đồng so với ngày 27/12, cũng là một bước tăng theo ngày rất mạnh. So với đầu năm, tỷ giá trung tâm đã tăng 400 đồng, tương đương mức tăng gần 1,8%.

Trong khi tỷ giá trung tâm tăng liên tục thì trên liên ngân hàng và hoạt động giao dịch USD giữa các ngân hàng với dân cư, doanh nghiệp, tỷ giá lại được điều chỉnh giảm liên tục những ngày qua, đặc biệt là 1 tuần trở lại đây. Giá mua vào - bán ra phổ biến sáng ngày 28/12 chỉ còn 23.165 – 23.255 đồng, giảm 25 đồng so với phiên liền trước và giảm 600 đồng/USD so với mức đỉnh thiết lập hồi tháng 10.

Những biến động đáng chú ý trên thị trường khiến cho một số ý kiến hoài nghi rằng, dường như các ngân hàng đang cố gắng "chạy thành tích" để ép tỷ giá xuống thấp, giảm mức tăng tới hơn 4% (khi giá USD ngân hàng lên 23.800 vào tháng 10 là đã tăng 4,6% so với chốt năm 2017) xuống còn 2,3% cho cả năm.

Xoay quanh những điều chỉnh lần này và dự báo về xu hướng tỷ giá thời gian tới, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính ngân hàng.

PV: Theo ông vì sao NHNN liên tục đẩy tỷ giá trung tâm lên mức cao kỷ lục trong thời gian gần đây?

TS. Bùi Quang Tín: Tỷ giá trung tâm là tỷ giá mang tính định hướng và dựa trên tỷ giá này để các ngân hàng thương mại điều chỉnh tỷ giá của họ trong biên độ +/-3%. Ở góc độ quản lý, NHNN đã chủ động điều chỉnh tỷ giá của mình phù hợp với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất vừa rồi.

Chúng ta đều thấy, việc Fed tăng lãi suất khiến các đồng tiền khác đều giảm và USD thì tăng lên. Trong rổ để tính tỷ giá trung tâm có các đồng tiền của các nước có quan hệ thương mại, đầu tư lớn với Việt Nam. Khi các đồng tiền này mất giá thì VND không thể giữ yên.

Tiếp theo, việc Fed tăng lãi suất năm 2018 tới 4 lần, tuy rằng chủ tịch Fed nói rằng đã đến mức bão hòa tức là trạng thái cân bằng của nền kinh tế, nhưng rõ ràng rất khó để nói rằng Fed sẽ không tăng lãi suất nữa trong năm 2019 và 2020 trong bối cảnh lạm phát của nền kinh tế số 1 thế giới vẫn ở xu hướng tăng. Nhiều nước đã phá giá đồng bản tệ của họ nên NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm cũng không có gì là lạ, hoàn toàn phù hợp với diễn biến của thị trường.

Thông thường khi NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm thì các ngân hàng thương mại sẽ nhìn vào đó để điều chỉnh theo, tuy nhiên gần đây sự biến động lại hoàn toàn theo xu hướng ngược: NHNN tăng càng mạnh thì các NHTM điều chỉnh giảm càng sâu, theo ông vì sao có hiện tượng này?

Ở các ngân hàng thương mại, bản thân họ là làm kinh doanh nên tỷ giá sẽ được điều chỉnh phù hợp cung cầu trên thị trường và trạng thái ngoại tệ của từng ngân hàng. Khi họ dư thừa nguồn ngoại tệ thì buộc phải hạ giá mua xuống.

Tại thời điểm cuối năm mang yếu tố thời vụ - nguồn ngoại tệ đổ về các ngân hàng nhiều nên việc hạ giá USD cũng là hoàn toàn hợp lý.

Theo ông có hay không sức ép từ phía cơ quan quản lý đối với các ngân hàng để hạ tỷ giá, giống như việc "chạy đua thành tích" để ép tỷ giá đi xuống vào cuối năm sau khi USD ngân hàng có thời điểm đã tăng tới hơn 4% so với đầu năm?

Bản thân tôi từng là dân ngoại hối, tôi biết rằng hẳn nhiên NHNN sẽ có các biện pháp quản lý thị trường tiền tệ. Nhưng thời gian gần đây tôi không thấy có bất cứ động thái nào từ phía cơ quan quản lý đối với các ngân hàng, mà việc điều chỉnh tỷ giá hoàn toàn do cung cầu thị trường và trạng thái tỷ giá của họ.

Thông thường càng về cuối năm âm lịch và đầu năm mới tỷ giá sẽ chịu sức ép hơn do nhu cầu cao, còn năm nay thì sao thưa ông?

Trạng thái ngoại tệ cuối năm thường rất căng thẳng, nhưng riêng năm nay tôi thấy trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng vẫn dương. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đã có dự trữ đầy đủ rồi nên tỷ giá sẽ không có gì đột biến từ đây đến cuối năm.

Ông dự báo thế nào về đường đi của tỷ giá năm 2019?

Tôi dự báo năm 2019 sẽ biến động tỷ giá không quá so với mức của năm 2018. Tuy nhiên, thị trường tài chính tiền tệ phải đối mặt nhiều sức ép và thách thức hơn.

Trong số các sức ép thì quan trọng là cuộc chiến tranh thương mại Trung – Mỹ. Từ phía Mỹ, họ có nhiều công cụ, chính sách để áp dụng hơn, còn Trung Quốc thì không như vậy. Hiện nay thâm hụt thương mại đang nghiêng về Trung Quốc, họ đang nhập siêu nên các biện pháp về áp thuế hàng hóa là dường như không còn, do đó khả năng họ sẽ dùng công cụ tiền tệ.

Thời gian qua, những căng thẳng đó đã làm cho đồng Nhân dân tệ mất giá gần 10%. Nếu căng thẳng Trung Mỹ quay trở lại sau thời hạn 90 ngày, mà tôi nghĩ là sẽ căng thẳng trở lại bởi giữa 2 nước có quá nhiều vấn đề phải giải quyết, nhà đầu tư toàn cầu cũng còn bi quan về cuộc chiến này nên thị trường chứng khoán khắp nơi đỏ lửa, đồng tiền của các nước tiếp tục bị phá giá, thì đồng Nhân dân tệ sẽ mất giá hơn nữa. Khi đồng tiền của Trung Quốc – một trong các đồng tiền quan trọng trong rổ tính tỷ giá trung tâm của NHNN – mất giá thì VNĐ cũng sẽ biến động.

Do vậy tôi cho rằng NHNN sẽ phải nỗ lực kiểm soát tỷ giá hơn nữa và việc giữ tỷ giá được ở mức dưới 3% trong năm sau cũng là cực kỳ thành công.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!


Theo Tùng Lâm

Cùng chuyên mục
XEM