Ngã ngửa vì giả mạo nhân viên ngân hàng và tin nhắn ngân hàng "ảo"
Hàng loạt hình thức lừa đảo qua tài khoản ngân hàng và các chiêu trò giả mạo cần được cảnh báo tới khách hàng.
Mới đây, đường dây nóng của chúng tôi đã nhận được nhiều cuộc gọi và email của độc giả về trường hợp tội phạm giả danh nhân viên ngân hàng đến tận nhà khách hàng tặng quà và tìm cách khai thác tên đăng nhập, mật khẩu đăng nhập mà ngân hàng cung cấp hoặc yêu cầu khách hàng chuyển tiền để làm thủ tục nhận thưởng.
Chỉ đến khi "tiền không cánh mà bay", phần thưởng không thấy đâu, nhiều người mới giật mình. Gọi điện đến ngân hàng, khách hàng mới ngã ngửa khi biết đó là chiêu trò lừa đảo tinh vi hiện nay.
Một trường hợp khác, chị Ngọc Lan (Thạch Thất, Hà Nội) là người chuyên bán túi xách online trên Facebook. Có khách hàng ở TP.HCM đặt hàng, liên lạc và thông báo đã chuyển tiền vào tài khoản của chị Lan. Chị Lan có nhận được tin nhắn điện thoại từ tổng đài thông báo tiền đã về và chị yên tâm chuyển hàng. Nhưng mãi sau chị mới phát hiện đây là tin nhắn "ma", thực chất tiền không về chủ khoản. Gọi lại số đã nhắn tin thì không liên lạc được.
Tin nhắn giả dạng này hiển thị từ tổng đài 190015xxxx (một số tổng đài nhắn tin và tổng đài thoại được các đơn vị ký hợp đồng cho các tổ chức cá nhân khác kinh doanh nội dung thuê lại). Nếu không để ý kỹ, người bán hàng sẽ nhầm tưởng ngân hàng báo tiền chuyển khoản đã về và thực hiện việc chuyển hàng.
Sau chia sẻ của chị Lan, một số người cũng cho biết từng bị lừa tương tự.
Hàng loạt chiêu trò giả mạo ngân hàng lừa tiền khách hàng
Các ngân hàng cho biết thời gian qua, xuất hiện một số nhóm tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản khách hàng. Thủ đoạn của các nhóm tội phạm này thường được thực hiện như sau:
- Giả danh là cán bộ công an, viện kiểm soát hoặc tạo tình huống người thân của khách hàng bị bắt cóc để lừa gạt khách hàng.
- Giả danh là nhân viên ngân hàng để yêu cầu khách hàng hoặc tìm cách khai thác tên đăng nhập, mật khẩu đăng nhập 1 website giống với website của ngân hàng nào đó để đánh cắp tên đăng nhập, mật khẩu đăng nhập, mật khẩu giao dịch của khách hàng.
- Giả danh là nhân viên ngân hàng để tìm cách khai thác tên đăng nhập, mật khẩu đăng nhập, mật khẩu giao dịch, mã xác thực (OTP SMS, OTP token,..) mà ngân hàng cung cấp hoặc yêu cầu khách hàng chuyển tiền, nạp tiền để làm thủ tục nhận thưởng hoặc hướng dẫn khách hàng thực hiện giao dịch trên Internet banking, ATM... để dẫn dắt khách hàng chuyển tiền vào tài khoản của bọn tội phạm.
- Giả tin nhắn của ngân hàng để thông báo tài khoản khách hàng đã nhận được tiền hoặc yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin.
- Làm quen và tạo lòng tin cho khách hàng, sau đó thông tin tặng quà cho khách hàng hoặc nhờ khách hàng nhận dùm hành lý và thanh toán phí chuyển hàng từ nước ngoài về Việt Nam.
....
Phòng vệ như thế nào?
Để phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm trên, các ngân hàng khuyến cáo lưu ý thực hiện một số biện pháp sau:
- Không đứng tên giúp người khác để mở tài khoản, mở thẻ.
- Khi nhận được các cuộc gọi lạ, có dấu hiệu nghi vấn, khách hàng phải bình tĩnh, tìm hiểu và xác thực thông tin. Đặc biệt là không chuyển tiền vào các tài khoản theo yêu cầu của người lạ.
- Đối với những trường hợp mua bán qua mạng, người bán nên kiểm tra ngay số dư tài khoản. Sau khi nhận được tiền từ người mua thì hãy tiến hành gửi hàng. Việc kiểm tra số dư tài khoản khá đơn giản và có thể thực hiện ngay trên Internet Banking hoặc tại các điểm ATM.
- Không nên cung cấp thông tin tài khoản, số thẻ, số bảo mật ở đằng sau thẻ, tên đăng nhập, mật khẩu đăng nhập, mật khẩu giao dịch, mã xác thực cho người khác.
- Luôn luôn đăng nhập đúng địa chỉ trình duyệt web của ngân hàng.
- Không đăng nhập thông tin tên đăng nhập,mật khẩu, mã xác thực, số tài khoản của mình vào một liên kết khác của ngân hàng.
- Thường xuyên cập nhập hướng dãn bảo mật trực tuyến tại ngân hàng.