Nga đụng vào "giỏ bánh mì của châu Âu", đây là cách chuỗi cung ứng toàn cầu chịu hậu quả
Giá dầu và khí đốt có thể sẽ tiếp tục tăng khi cuộc khủng hoảng Ukraine ngày càng trở nên trầm trọng. Tuy nhiên, không chỉ riêng lĩnh vực năng lượng bị ảnh hưởng.
Từ lúa mì, lúa mạch đến đồng hay niken, các nhà phân tích nói rằng chuỗi cung ứng toàn cầu đang đối mặt với nguy cơ gián đoạn khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine diễn biến theo chiều hướng tệ hơn.
Alan Holland, giám đốc điều hành và là người sáng lập tại công ty công nghệ tìm nguồn cung ứng Keelvar, nói rằng: "Ukraine được coi như giỏ bánh mì của châu Âu và những bất ổn có thể dẫn tới hậu quả là chuỗi cung ứng lương thực gặp vấn đề". Trong khi đó, Nga và Ukraine cũng là những quốc gia xuất khẩu kim loại và hàng hóa lớn.
Căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã lên tới đỉnh điểm trong vài ngày qua sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận nền độc lập của Donetsk và Luhansk. Cùng với đó, quân đội Nga sẽ tiến vào khu vực trong vai trò của lực lượng gìn giữ hòa bình.
Động thái của Nga gặp phải sự phản đối dữ dội của Ukraine và phương Tây. Mỹ, Anh, Đức… đã đồng loạt ban bố các biện pháp trừng phạt nhằm phản đối động thái của Nga. Tuy nhiên, điều tồi tệ hơn có thể vẫn nằm ở phía trước trong trường hợp căng thẳng leo thang, dẫn tới các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn nữa.
An ninh lương thực cả khu vực bị đe dọa
Các nhà phân tích cho biết, Ukraine là quốc gia sản xuất lúa mì, lúa mạch và các loại ngũ cốc khác cho châu Âu.
"Mặc dù còn vài tháng nữa mới tới mùa thu hoạch nhưng nếu xung đột xảy ra và kéo dài, nó sẽ gây ra tình trạng thiếu bánh mì vào mùa thu này. Cùng với đó là giá sẽ tăng", Holland nói.
Trong khi đó, kể từ khi căng thẳng bùng lên, đồng tiền của Ukraine đã giảm mạnh. Điều này sẽ làm tăng chi phí xuất khẩu của Ukraine. Thực tế, không chỉ Liên minh châu Âu bị ảnh hưởng mà nhiều quốc gia ở Trung Đông và châu Phi cũng chịu tác động khi dựa vào lúa mì và ngô của Ukraine.
Dawn Tiura, Chủ tịch của Sourcing Industry Group, nói rằng căng thẳng có thể ảnh hưởng tới an ninh lương thực của khu vực này. "Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu nhiều ngô của Ukraine. Thực tế, vị trí của Mỹ đã được Ukraine thay thế để trở thành nhà xuất khẩu ngô hàng đầu cho Trung Quốc vào năm 2021", bà Tiura nói.
Giá lúa mì và ngô đã tăng vọt. Giá lúa mì giao sau tại Cihcago đã tăng khoảng 12% kể từ đầu năm nay trong khi giá ngô giao sau trong cùng thời kỳ cũng tăng 14,5%. Giá lương thực đang tăng và có thể còn tồi tệ hơn nữa nếu nổ ra xung đột vũ trang.
Per Hong, quản lý cấp cao tại công ty tư vấn Kearney, cho biết: "Giá lương thực tăng sẽ chỉ trở nên trầm trọng hơn khi có thêm các cú sốc về giá, đặc biệt là nếu các khu vực nông nghiệp cốt lõi ở Ukraine xảy ra bất ổn".
Ông Hong cũng chỉ ra rằng Nga là nước xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới. Cùng với Ukraine, cả hai đều chiếm khoảng 29% thị trường xuất khẩu lúa mì toàn cầu. Hơn nữa, bất kỳ sự gián đoạn nào đối với nguồn cung khí đốt tự nhiên sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất các sản phẩm sử dụng nhiều năng lượng như phân bón, và điều đó sẽ ảnh hưởng đến nông nghiệp hơn nữa. Năm ngoái, nguồn cung phân bón đã bị thiếu hụt, dẫn tới giá cả tăng vọt.
Đừng quên năm ngoái, Nga là nhà cung cấp khí đốt và dầu lớn nhất cho liên minh châu Âu.
Kim loại và nguyên liệu thô
Theo Tiura, Ukraine đã tăng đều đặn xuất khẩu của mình trong những năm qua và hiện là một "nhà cung cấp khổng lồ" về nguyên liệu thô, sản phẩm hóa chất và thậm chí cả máy móc như thiết bị vận tải. Ngoài ra, đây cũng là nhà cung cấp chính về khoáng sản và các mặt hàng khác.
Trong khi đó, Nga kiểm soát khoảng 10% dự trữ đồng toàn cầu và là nhà xuất khẩu chính của niken và bạch kim. Niken là một nguyên liệu thô quan trọng được sử dụng trong pin xe điện. Đồng thì được nhiều người coi là "dây buộc của kinh tế", góp mặt rộng rãi trong lĩnh vực sản xuất điện tử cho tới xây dựng nhà cửa.
"Ngành công nghiệp chip của Mỹ phụ thuộc nhiều vào đèn neon nguồn gốc từ Ukraine. Trong khi đó, Nga cũng xuất khẩu một số nguyên tố quan trọng để sản xuất chất bán dẫn, động cơ phản lực, ô tô và cả y học", Hong nói.
Đức chịu ảnh hưởng nặng nề
Trong khi hầu hết Liên minh châu Âu bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng leo thang, Đức là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Atul Vashistha, một chuyên gia về chuỗi cung ứng, cho biết: "Đức dựa vào khí đốt tự nhiên của Nga để tạo ra năng lượng cho sản xuất, điện tử cho tới sưởi ấm. Khi căng thẳng tiếp tục leo thang, chúng tôi nhận thấy xu hướng các lệnh trừng phạt lên Nga sẽ kìm hãm hoạt động sản xuất ở Đức".
Những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Đức được liệt kê bao gồm ô tô, phụ tùng ô tô, thiết bị vận tải, điện tử, luyện kim và nhựa.
Tuy nhiên, trong động thái gần nhất, Đức đã ra lệnh đình chỉ phê duyệt dự án Nord Stream 2 dẫn khí thẳng từ Nga tới Đức thông qua biển Baltic. Đây là dự án quan trọng với cả Nga và Đức, khi nó hoàn toàn không phải quá cảnh bất cứ quốc gia nào. Dù rất có lợi cho Đức nhưng các đồng minh phương Tây bày tỏ sự phản đối với dự án bởi lo ngại châu Âu phụ thuộc nặng nề hơn nữa vào năng lượng của Nga.
Tham khảo: CNBC