Nord Stream 2 là gì mà trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới giữa khủng hoảng Nga - Ukraine?

23/02/2022 17:15 PM | Kinh tế vĩ mô

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã ngừng phê duyệt dự án Nord Stream 2, đường ống dẫn khí đốt tự nhiên đến Đức dưới biến Baltic, nhằm đáp lại những hành động từ phía Tổng thống Putin. Tại sao lại chỉ mình Đức lại có động thái khác biệt với phương Tây đến vậy?

Dự án đường ống dẫn khí gây tranh cãi nhất

Nord Stream 2 , hay còn gọi là Bắc Hải Lưu 2, là một đường ống dài gần 1200km, trải dài từ biên giới phía tây nước Nga đến Estonia và Greifswald ở đông bắc nước Đức, không đi qua Ukraine. Đường ống nhằm cung cấp khí đốt tự nhiên xuyên qua lòng biển Baltic đến trung tâm châu Âu.

Dự án hoàn thành xây dựng vào tháng 9/2021 với chi phí 8,3 tỷ bảng Anh (khoảng 11,3 tỷ USD). Tuy nhiên, dự án vẫn chưa được các cơ quan quản lý châu Âu phê duyệt để nhà điều hành Gazprom, tập đoàn khí đốt quốc doanh của Nga, mở đường ống.

Tương lai để Nord Stream 2 hoạt động có thể không bao giờ xảy ra. Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố ngăn chặn tiến trình phê duyệt đường ống để đáp lại những động thái của Nga ở biên giới Ukraine.

Nga đã huy động 130.000 binh sĩ và xe bọc thép tập hợp tại biên giới. Moscow cũng chính thức công nhận nền độc lập của hai khu vực ly khai Donestk và Luhansk, đồng thời cho phép di chuyển lực lượng quân đội "gìn giữ hòa bình" vào các khu vực đó mà không bị cản trở.

Thủ tướng Scholz cho biết Berlin sẽ phải "đánh giá lại" tình hình đối với Nord Stream 2 trước những tiến triển gần đây. Ông cũng đồng thời cảnh báo: "Điều đó chắc chắn sẽ mất thời gian".

Một khi đi vào hoạt động, Nord Stream 2 sẽ có phép Nga cung cấp khoảng 55 tỷ mét khối khí đốt cho Đức mỗi năm và mang về cho Gazprom tới 15 tỷ USD. Đường ống này cũng giúp Nga gia tăng vị thế thống lĩnh về năng lượng trong khu vực.

Đường ống Nord Stream 2 ban đầu được hoàn thành vào năm 2012, chạy song song với đường ống mới cùng dẫn đến Greifswald, nhưng có điểm xuất phát từ thành phố cảng Vyborg của Nga, trên bờ biển phía bắc Vịnh Phần Lan.

Trong bối cảnh khủng hoảng ngoại giao hiện nay, đường ống này có thể cho phép Nga vận chuyển khí đốt cho phương tây bằng các phương tiên khác, thay vì vận chuyển trực tiếp qua lãnh thổ Ukraine.

Trước đây, Ukraine từng là nơi trung chuyển khí đốt từ Nga đến châu Âu. Nhưng với Nord Stream 2, Kiev chịu thiệt hại tài chính không nhỏ khi mất đi khoản phí vận chuyển béo bở, gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế vốn đã "ốm yếu".

Ảnh hưởng của Nord Stream 2 đến châu Âu

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước đây đã cảnh báo rằng dự án Nord Stream 2 như một "vũ khí địa chính trị nguy hiểm". Các nhà lãnh đạo thế giới khác cũng lo ngại rằng Nga sử dụng đường ống để tạo đòn bẩy chính trị đối với EU. Nga có thể giữ lại khí đốt trong mùa đông nếu những quan điểm chính trị của nước này không được ủng hộ.

Nước Đức dưới thời Thủ tướng Angela Merkel từ lâu đã bác bỏ những lo ngại được cho là thái quá đó. Bà khẳng định đây là một dự án thương mại thuần túy, giúp sưởi ấm 26 triệu ngôi nhà và hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng hạt nhân sang năng lượng tái tạo.

Trong khi Anh chỉ nhận 3% lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga, Đức nhận 40% và Phần Lan nhận 100%. Điều này cho thấy sức mạnh từ quân bài mà Moscow nắm giữ. Ngân hàng đầu tư Mỹ Stifel gần đây cảnh báo rằng giá khí đốt có thể sẽ tăng gấp 4 lần nếu chiến tranh bùng nổ.

Trước tuyên bố của mình, Thủ tướng Đức đã đến Nhà Trắng để thảo luận về các chiến thuật với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Hai nhà lãnh đạo sau đó đã có buổi họp báo chung. Tại đó, Mỹ cảnh báo sẽ không ngần ngại "chấm dứt" Nord Stream 2 nếu Nga mắc phải những sai lầm to lớn với Ukraine.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã trấn an châu Âu rằng Mỹ sẽ hỗ trợ nhu cầu năng lượng của họ nếu có bất kỳ khó khăn nào. Trong cuộc họp báo chung với Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell, ông Blinken nói rằng: "Chúng tôi đang cùng nhau hành động để bảo vệ nguồn cung năng lượng của châu Âu trước những khủng hoảng nguồn cung, bao gồm những cú sốc do căng thẳng giữa Nga và Ukraine".

Mỹ từ lâu đã phản đối dự án Nord Stream 2 và nói rằng đường ống này sẽ làm tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào Nga. Cựu Tổng thống Donald Trump thậm chí đã từng chỉ trích dự án tại một hội nghị thượng đỉnh của NATO ở Brussels, Bỉ, vào tháng 7/2018.

Năng lượng là một vấn đề chính trị lớn ở Trung và Đông Âu, nơi nguồn cung cấp khí đốt từ Nga đóng vai trò thiết yếu trong sản xuất điện và sưởi ấm gia đình. Ở châu Âu, giá khí đốt tự nhiên đã lập kỷ lục mới trong mùa đông năm nay. Một cuộc xung đột ở Ukraine có thể gây thêm "đau đớn" cho người tiêu dùng.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cựu Tổng thống Dmitry Medvedev, đã phản pháo trước động thái ngừng phê duyệt Nord Stream 2. Ông cho rằng đây là hành động "dũng cảm" bởi nó sẽ khiến giá khí đốt tăng chóng mặt. Người dân cũng sẽ phải gánh chi phí năng lượng không hề nhỏ.

Nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga cho châu Âu đã cạn kiệt dưới mức của năm 2021. Moscow có thể quyết định cắt giảm hơn nữa để đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Các nhà phân tích tại Eurasia Group ngày 22/2 viết rằng: "Nguồn cung cấp khí đốt của Nga có khả năng bị gián đoạn trong bối cảnh khủng hoảng, do hư hỏng đường ống hoặc nếu Moscow quyết định ngừng bơm".

Tuy nhiên, tờ The Independent nhận định Đức có các lựa chọn tiềm năng khác cho việc cung cấp khí đốt ngoài Nord Stream 2. Quốc gia này có thể nhận thêm khí đốt từ Na Uy, Hà Lan, Anh và Đan Mạch.

Tổng hợp

Theo Khánh Ly

Cùng chuyên mục
XEM