Nga cảnh báo giá dầu có thể lên đến 300 USD/thùng nếu EU cấm vận

22/03/2022 17:35 PM | Kinh doanh

Cảnh báo dầu có thể lên đến 300 USD/thùng được đưa ra trong bối cảnh EU có kế hoạch thảo luận về việc áp đặt lệnh cấm vận đối với dầu thô của Nga.

Nga cảnh báo giá dầu có thể lên đến 300 USD/thùng nếu EU cấm vận - Ảnh 1.

EU đang tìm cách đa dạng nguồn cung ngoài Nga sau khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra. Ảnh: TASS

Theo kênh RT (Nga), Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak ngày 21/3 cho biết giá dầu sẽ tăng lên 300 USD/thùng nếu phương Tây từ bỏ dầu của Nga, đồng thời cảnh báo “giá dầu có thể đạt 500 USD/thùng”.

Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) có kế hoạch thảo luận về việc áp đặt lệnh cấm vận đối với dầu thô của Nga, như một phần của vòng trừng phạt thứ năm nhằm gây thêm áp lực buộc Moskva phải ngừng hoạt động quân sự ở Ukraine.

Ông Novak nói thêm rằng nếu người tiêu dùng phương Tây ngừng mua dầu thô của Nga, nước này sẽ đa dạng hóa thị trường và sẽ tìm người mua ở những nơi khác.

Giá dầu đã tăng gần 4 USD/thùng vào ngày 21/3, với giá dầu Brent chuẩn toàn cầu vượt mức 112 USD vào giữa trưa theo giờ GMT, do kỳ vọng rằng EU có thể tham gia với Mỹ trong việc cấm nhập khẩu dầu thô của Nga.

Trong khi đó, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã gọi lệnh cấm vận như vậy là “phi thực tế”, chỉ ra rằng các nước EU vẫn phụ thuộc nhiều vào dầu khí của Nga và không thể cắt đứt chỉ trong một thời gian ngắn.

“Quá nhiều nhà máy lọc dầu ở khu vực phía Đông và phía Tây của châu Âu vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga và với khí đốt thì điều đó thậm chí còn tồi tệ hơn”, hãng tin Reuters dẫn lời ông Rutte cho biết trước cuộc họp đã được lên kế hoạch các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng EU tại Brussels.

Ở châu Âu, một số quốc gia EU, trong đó có Ireland và Litva, cho rằng Liên minh châu Âu nên áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với Nga, bao gồm cả lĩnh vực năng lượng của nước này.

Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết Paris đã xem xét lệnh cấm nhập khẩu năng lượng của Nga vào EU vào cuối tuần qua, đồng thời lưu ý các lệnh trừng phạt đang gây tổn hại cho Nga.

Tuy nhiên, EU và nền kinh tế lớn nhất của khối là Đức cho đến nay vẫn chưa cấm nhập khẩu năng lượng của Nga hoặc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga, vì cho rằng châu Âu phụ thuộc vào Nga.

Theo Báo Tin Tức

Cùng chuyên mục
XEM