Nếu tranh thiên hạ với Lưu Bang không phải Hạng Vũ mà là Tào Tháo, ai sẽ là người chiến thắng?
Giả sử Lưu Bang và Tào Tháo có cơ hội trực tiếp đối đầu, liệu rằng ai trong số hai nhân vật lịch sử gây tranh cãi này sẽ trở thành người chiến thắng trong trận chiến ấy?
Trong dòng chảy của lịch sử Trung Hoa, Lưu Bang và Tào Tháo đều là những nhân vật hết sức nổi danh đối với hậu thế.
Mặc dù không có duyên tương phùng trong cùng một thời đại, thế nhưng có ý kiến khẳng định cả Tào Tháo và Lưu Bang đều sở hữu không ít điểm tương đồng về cuộc đời, tính cách cũng như cách dùng người, nhìn người.
Cũng bởi vậy mà không ít người đều cho rằng, nếu năm xưa đối thủ của Lưu Bang không phải là Hạng Võ mà là Tào Tháo, lịch sử rất có thể sẽ được viết lại theo một cách khác.
Vậy giả sử hai nhân vật này có cơ hội đứng trên hai đầu chiến tuyến, liệu rằng ai trong số họ sẽ trở thành người chiến thắng sau cùng?
Lưu Bang - Tào Tháo: Hai nhân vật gây tranh cãi nhất nhì lịch sử Trung Hoa
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Hán Cao Tổ Lưu Bang (256 TCN – 195 TCN) là vị Hoàng đế khai quốc của vương triều nhà Hán trong lịch sử phong kiến Trung Hoa.
Sinh thời, Lưu Bang vốn là một trong số ít những vị vua khai quốc có xuất thân từ giai cấp nông dân. Năm xưa, tên tuổi của ông ban đầu được biết tới với danh hiệu Bái công, sau đó là chức Hán Vương do Hạng Vũ ban cho trong thời gian liên hiệp các chư hầu chống Tần.
Sau nhiều năm chinh chiến sa trường, Lưu Bang với sự giúp sức của nhiều nhân tài dưới trướng, mà nổi bật là "Hán sơ Tam Kiệt" (Tiêu Hà, Hàn Tín, Trương Lương), ông cuối cùng đã đánh bại Tây Sở Bá vương Hạng Vũ trong cuộc chiến tranh Hán Sở tranh hùng và thành lập nên vương triều nhà Hán.
Theo đánh giá của các nhà sử học, Lưu Bang năm xưa sở hữu tính cách hoàn toàn trái ngược nếu so với đối thủ Hạng Vũ. Có nhiều ý kiến cho rằng trong khi Hạng Vũ là một người lãng mạn, quý phái thì ông lại bị coi là phường thô lỗ, ít học, thậm chí bị đánh giá là kẻ "vô lại".
Thế nhưng nhờ có tài nhìn người, dùng người, lại sẵn sàng lắng nghe ý kiến và tận dụng tài năng của thuộc hạ, Lưu Bang cuối cùng đã làm nên đại nghiệp, trở thành người khai sáng cho vương triều đại Hán kéo dài 4 thế kỷ trong lịch sử Trung Hoa.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Tào Tháo (155 – 220), tự Mạnh Đức, là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất vào cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông được biết tới là người đặt cơ sở cho thế lực quân sự cát cứ ở miền Bắc lãnh thổ nước này khi đó, lập nên chính quyền Tào Ngụy vào thời Tam Quốc.
Trong buổi đầu gây dựng sự nghiệp, tên tuổi của Tào Tháo được người đời biết tới từ khi lập được công lớn trong việc dẹp loạn Khăn Vàng.
Sau khi Đổng Trác bị diệt, lại cướp được Hán Hiến Đế về tay để chi phối, Tào Tháo lần lượt đánh bại nhiều thế lực chư hầu khét tiếng thời bấy giờ như Lữ Bố, Viên Thiệu, từ đó thống nhất phương Bắc và trở thành thế lực chia ba thiên hạ cùng Tôn – Lưu.
Mặc dù không thể thực hiện khát vọng nhất thống thiên hạ, hơn nữa lại bị không ít người coi như một kẻ gian hùng, thế nhưng tài năng quân sự kiệt xuất cũng như nghệ thuật dùng người thượng thừa của Tào Tháo là điều mà ít ai có thể phủ nhận.
Đánh giá về vị quân chủ nổi danh Tam Quốc này, học giả Tào Hồng Toại đã từng viết:
"Tào Tháo hùng tài đại lược, dũng cảm mưu trí hơn người nhưng cũng đa nghi, nham hiểm và tàn nhẫn[...]".
"Tào Tháo là nhà chính trị kiệt xuất thời phong kiến, xứng đáng gọi bằng hai chữ ‘anh hùng’, mà tính cách nhiều mặt lại thể hiện ra bằng sự tàn nhẫn, thiếu tính nhân ái, đó chính là sự bổ sung hiệu quả cho thuộc tính gian hùng của ông".
Từ những dẫn chứng trên đây, không khó để nhận thấy Lưu Bang và Tào Tháo dù sống ở hai thời đại khác nhau nhưng lại sở hữu thực lực và tính cách có không ít điểm tương đồng.
Vậy giả sử nếu hai nhân vật này có cơ hội đối đầu trên cùng một chiến tuyến, liệu rằng ai sẽ là người chiến giành chiến thắng trong cuộc chiến tưởng như khó phân cao thấp này?
Giả thiết về cuộc đối đầu giữa Lưu - Tào: Ai mới là người "trên cơ"?
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Theo nhận định của chuyên trang phân tích lịch sử Qulishi (Trung Quốc), cả Lưu Bang và Tào Tháo đều có thể xem là những thống soái xuất sắc, tuy nhiên xét trên phương diện năng lực thì lại tồn tại một số điểm khác biệt.
Thế mạnh của Lưu Bang nằm ở chỗ, ông có tài tận dụng năng lực và điều khiển thuộc hạ. Điểm xuất chúng này năm xưa đã từng được chiến thần Hàn Tín thừa nhận qua câu nói:
"Bệ hạ không có tài cầm binh, nhưng có tài cầm tướng, cho nên Tín mới bị bệ hạ bắt".
Thế nhưng nếu xét về mưu lược trên chiến trường cùng năng lực chỉ huy tác chiến, Lưu Bang rất khó có khả năng so bì với Tào Tháo. Hơn nữa Tào Tháo vừa có tài dùng người, lại có cái nhìn sắc bén và năng lực nắm giữ đại cục hết sức xuất sắc, đó là chưa kể tới thiên phú hiếm có của ông về khả năng chỉ huy chiến lược, chiến thuật.
Chỉ có điều chiến tranh từ cổ chí kim không phải là cuộc đấu một chọi một đơn thuần giữa các thống soái hai bên mà còn phải cân nhắc tới trận doanh của song phương, cùng với đó là năng lực của hàng ngũ văn thần, võ tướng dưới trướng họ.
Lưu Bang một bên có Hàn Tín, Trương Lương, Tiêu Hà đều là những chuyên gia ưu tú về quân sự, chiến lược, hậu cần. Tào Tháo một bên có Tuân Úc, Quách Gia, lại có Ngũ hổ lương tướng. Vì vậy trận doanh giữa hai bên xét về thực lực có thể xem là bất phân cao thấp.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Luận về tính cách, Lưu Bang biết co biết giãn, lại giỏi tùy cơ ứng biến, biết cách nhún nhường thủ thế trước mặt kẻ địch mạnh, thậm chí còn có thể thản nhiên tới nỗi xin Hạng Võ để lại một bát canh thịt nếu đối thủ dám giết cha mình trước ba quân.
Cũng bởi vậy mà có ý kiến cho rằng, chính một Lưu Bang "vô lại", không trọng thể diện mới có thể toàn mạng rời khỏi Hồng Môn Yến, để rồi sau này đem Hạng Võ đẩy vào cửa tử.
Về phần Tào Tháo, vị quân chủ này trong lúc sa cơ từng nương nhờ Lữ Bá Sa, thế nhưng vẫn thẳng tay hạ sát cả nhà ân nhân chỉ vì nghi ngờ, hơn nữa sau khi chuyện đã rồi cũng không có lấy nửa điểm hổ thẹn, đủ để thấy lòng dạ sắt đá tới nhường nào.
Từ đó, không khó để nhận thấy cả Lưu Bang và Tào Tháo đều là những người theo chủ nghĩa thực tế, tinh thông về việc mưu cầu lợi ích cho bản thân. Họ không phải kiểu người dễ dàng bị những tình cảm thường tình lay động, đối với đối thủ bao giờ cũng thẳng tay đuổi tận giết tuyệt.
Dựa trên cơ sở này, chuyên trang Qulishi cho rằng Lưu Bang và Tào Tháo dù cho bị thất thế hay bị đẩy vào đường cùng cũng sẽ không vì xấu hổ mà tự sát. Thay vào đó, cả hai nhân vật này vẫn sẽ dùng đủ mọi thủ đoạn khác nhau để có cơ hội "đông sơn tái khởi".
Giả sử hai bên đối đầu, Hồng Môn Yến rất có khả năng sẽ không phát sinh. Bởi tính cách của Lưu – Tào đều không quá khác biệt, chung quy vẫn là những người không từ thủ đoạn.
Vì vậy ngay cả khi Hồng Môn Yến vẫn tồn tại , thì cả những người lọc lõi về thủ đoạn như Tào Tháo hay Lưu Bang đều sẽ chẳng dại gì mà đem tính mạng bản thân trao vào tay một kẻ có tâm địa chẳng khác gì so với mình.
Vì vậy một khi Lưu Bang đối đầu với Tào Tháo, nếu như Lưu mạnh Tào yếu, Tào Tháo ắt sẽ xong đời, còn một khi Lưu yếu Tào mạnh, Lưu Bang cũng sẽ chẳng còn đất diễn trên võ đài lịch sử.
Hơn nữa lịch sử vốn không có nếu như, Lưu Bang và Tào Tháo đều là hai nhân vật không sống cùng thời. Vì vậy thực tế họ không có cơ hội đối đầu, cho nên thắng bại là chuyện một lời khó có thể định rõ.
*Theo quan điểm của Qulishi.