Nếu con cứ "cãi nhem nhẻm", cha mẹ không cần quát tháo, đánh mắng: Cứ nói 3 câu này là ổn!

12/08/2024 07:00 AM | Sống

Cha mẹ chọn cách phản ứng khéo léo, con cái sẽ nghe lời hơn.

Khi trẻ biết nói sõi, bạn sẽ thấy có lúc trẻ rất thích "nhại lời" hoặc "cãi lại" cha mẹ. Thường thì đây là do trẻ muốn thể hiện bản thân, chưa biết cách bày tỏ cảm xúc, và muốn thử thách quyền uy của cha mẹ.

Lúc này, thái độ của cha mẹ là vô cùng quan trọng, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính cách của trẻ.

01

Khi trẻ cãi lại, cách ứng xử truyền thống của cha mẹ có nhiều hạn chế

Có một chương trình giáo dục để lại ấn tượng sâu sắc với khán giả. Bố của đứa bé 9 tuổi, nhân vật chính trong chương trình khá nóng tính. Mỗi khi bé làm sai điều gì, liền bị mắng mỏ, và nếu bé cãi lại, bố lập tức đánh đòn và nói: "Còn dám cãi à?". Sau khi bị đánh mắng, bé thường trốn vào phòng và tức giận, làm mọi thứ rối tung lên.

Mẹ bé đã nhờ chuyên gia tư vấn giáo dục giúp đỡ và nói rằng: Bé ngày càng nóng nảy, khi ở nhà bố còn kiểm soát được, nhưng khi mẹ nói, bé rất khó chịu, thà chơi điện thoại còn hơn nói chuyện với mẹ. Mẹ không biết phải làm gì. Chuyên gia đã nói với mẹ rằng:

"Đánh mắng có thể ngăn trẻ cãi lại ngay lập tức, nhưng về lâu dài, nó sẽ gây hại nhiều hơn, dẫn đến xung đột nhiều hơn và tạo tâm lý phản kháng. Điều này không chỉ làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ mà còn có thể khiến trẻ phát triển thành người có xu hướng bạo lực hoặc trốn tránh".

Nếu con cứ "cãi nhem nhẻm", cha mẹ không cần quát tháo, đánh mắng: Cứ nói 3 câu này là ổn!- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Rõ ràng, bé đã có phản ứng ngược với quyền uy của bố. Mỗi khi bố yêu cầu hoặc phê bình, bé thường phản ứng bằng cách cãi lại. Đồng thời, bé cũng trở nên khép kín hơn, không còn muốn chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc với mẹ.

Nhà tâm lý học người Mỹ Abraham Maslow có một quan điểm: "Môi trường tiêu cực có thể hủy hoại một người, nhưng môi trường tích cực có thể định hình một người". Trong cuộc sống hàng ngày, hãy lắng nghe ý kiến của trẻ, cho trẻ quyền lựa chọn, trẻ sẽ dần ít cãi lại hơn.

02

Giao tiếp phi bạo lực hiệu quả hơn đánh mắng

Khi trẻ cãi lại, giao tiếp phi bạo lực giúp trẻ cảm nhận được sự tôn trọng và thấu hiểu, khiến trẻ sẵn sàng hợp tác với cha mẹ hơn là chống đối. Điều này hiệu quả hơn nhiều so với đánh mắng và còn có lợi cho sự phát triển tính cách của trẻ.

Giao tiếp phi bạo lực là gì? Đơn giản là một phương pháp giao tiếp dựa trên lòng trắc ẩn, nhấn mạnh sự tôn trọng và thấu hiểu. Cha mẹ cần cho trẻ cơ hội bày tỏ quan điểm của mình, đồng thời cũng nên rõ ràng khi bày tỏ mong muốn và cảm xúc, thay vì chỉ ra lệnh hay phê phán.

Khi trẻ cãi lại, bạn có thể dùng ba câu này để giao tiếp hiệu quả:

1. "Mẹ/Bố hiểu cảm xúc của con, nhưng chúng ta có thể tìm cách diễn đạt tốt hơn": Trẻ sẽ cảm thấy được thấu hiểu và tôn trọng, giảm bớt phản kháng và dễ lắng nghe hơn.

2. "Chúng ta đều có quan điểm riêng, hãy ngồi xuống và thảo luận để xem có thể đạt được sự đồng thuận không": Trẻ sẽ cảm nhận được thông điệp từ cha mẹ rằng ai cũng có quyền bày tỏ ý kiến và có thể tìm ra sự đồng thuận qua giao tiếp.

3. "Mẹ/Bố biết con đang rất giận, nhưng la hét không giải quyết được vấn đề. Chúng ta hãy cùng bình tĩnh lại rồi nói tiếp": Khi cảm xúc được thấu hiểu và chấp nhận, trẻ sẽ không còn bướng bỉnh và cũng học được cách quản lý cảm xúc từ cha mẹ.

Ngoài việc cãi lại, trong các tình huống khác như trẻ đòi mua đồ chơi, cha mẹ cũng có thể áp dụng phương pháp giao tiếp hiệu quả để giải quyết vấn đề. Nguyên tắc là, hãy bắt đầu bằng "tôi" để mô tả cảm xúc của mình, giảm thiểu chỉ trích trẻ và đưa ra phản hồi tích cực cùng khích lệ kịp thời.

Theo Thanh Hương

Cùng chuyên mục
XEM