Nếu chủ quán Xin Chào thua sẽ là thông điệp xấu cho thấy mọi người kinh doanh có thể bị đi tù

22/04/2016 15:13 PM | Kinh tế vĩ mô

Khẳng định chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc như tháo "ngòi nổ" cho vụ việc hình sự hóa quán phở "Xin Chào", ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng cần phải tìm hiểu rõ động cơ đằng sau vụ việc này.

Trước câu hỏi "Thủ tướng có quan điểm như thế nào trong việc xử lý vụ việc ông Lê Văn Tấn, Chủ quán Xin Chào", ông Lê Mạnh Hà, cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất quan tâm tới vấn đề này. Do đó, ngay khi đọc bài báo nêu ra trường hợp một chủ quán phở bị khởi tố hình sự vì chậm đăng ký kinh doanh, ông Hà cho biết Thủ tướng đã yêu cầu Văn phòng Chính phủ tham mưu giải quyết.

"Văn phòng Chính phủ cũng đang chuẩn bị tham mưu, nhưng ngay trong sáng hôm qua (PV-ngày 21/4) thì Thủ tướng đã có chỉ đạo trực tiếp yêu cầu dừng hình sự hóa. Chỉ đạo của Thủ tướng như là tháo ngòi nổ cho vụ việc" - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thông tin.

Đưa ra quan điểm cá nhân, ông Hà cho rằng nếu trong vụ việc này chủ quán Xin Chào mà thua thì đây sẽ là thông điệp xấu cho thấy, mọi DN và người kinh doanh có thể bị đi tù.

Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng nhấn mạnh rằng, việc cơ quan quản lý để xảy ra vụ việc trên, tức là đưa ra khởi tố chắc chắn phải dựa trên quan điểm pháp luật.

Song để giải quyết tận gốc vấn đề, ông Hà cho rằng cần xem động cơ đằng sau của của vụ việc này là như thế nào, tại sao cơ quan quản lý phải làm như vậy?.

"Vì trong trường hợp này trên những căn cứ cho thấy rất khó để có tội nhưng lại bị buộc tội" - Ông Hà khẳng định.

Cho biết là người đã từng trải qua các cơ quan từ địa phương tới trung ương, giải quyết nhiều vấn đề liên quan như vụ việc của chủ quan Xin Chào, trên cơ sở các quy định của Luật, ông Hà phân tích rõ hơn rằng: Theo Luật cũ có đưa ra tội kinh doanh trái phép trong những trường hợp cụ thể, có danh mục những ngành nghề kinh doanh trái phép.

Còn với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cũng có những quy định cụ thể về các điều kiện như cấm và hạn chế kinh doanh, cũng có những danh mục cụ thể.

Đối với những trường hợp cụ thể của ông chủ quán Xin Chào, là kinh doanh dịch vụ ăn uống, thực phẩm, thì cũng phải là những sản phẩm thực phẩm có nguy cơ cao. Thế nhưng đơn vị kinh doanh này không nằm trong danh mục như vậy, nên không thể bị quy vào tội kinh doanh trái phép.

Chưa kể, Luật mới sắp có hiệu lực, cũng bỏ tội kinh doanh trái phép. Do đó, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng khi luật mới đã bỏ tội này, nhưng lại đưa vụ việc này ra khởi tố theo quy định cũ như vậy, là không đúng tinh thần của luật mới.

"Nên tìm hiểu động cơ đằng sau vụ việc này, để sau này không còn những vấn đề như vậy nữa, vì ngay tại TPHCM mà còn như vậy thì những nơi khác rất khó" - ông Hà khẳng định.

Trước câu hỏi sẽ xử lý như thế nào đối với vụ việc này, đặc biệt với các cơ quan chức năng đã làm sai trong việc, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng xử lý vụ việc như thế nào cần phải dựa trên kết luận chính thức của các cơ quan chức năng.

"Đến nay vẫn chưa có kết luận cụ thể nên cần phải dựa trên phán quyết của cơ quan chức năng. Sai hay đúng phải theo pháp luật" - ông Hà khẳng định.

Tuy nhiên, một lần nữa Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng cần phải tìm hiểu rõ động cơ của vụ việc này, có đúng và cần thiết làm chuyện đó hay không? Bởi với chủ quán Xin Chào chỉ làm kinh doanh bình thường, không nguy hại cho xã hội mà phải sử dụng hình sự hóa, thì đây là lời cảnh báo cho tất cả cơ quan thực thhi pháp luật.

"DN hiện giờ khó khăn lắm. Chúng tôi ngồi chia sẻ với nhau rằng DN như một cơ thể ốm yếu chỉ năng 40kg nhưng phải gánh trên lưng 3 – 4 tạ thì không sống nổi. Nên làm sao có môi trường tạo điều kiện cho DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa kinh doanh là rất cần thiết" - ông Hà nhấn mạnh.

Theo An Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM