Nếu ai cũng cố gắng làm 11 việc này, ung thư sẽ "không còn đất sống"

31/01/2017 10:19 AM | Sống

Theo Tổ chức Y tế thế giới, nếu làm được 11 điều đơn giản này, cơ thể sẽ tự chống lại được sự tấn công của ung thư. Hãy thử xem 11 điều này có quá khó so với bạn không?

Ung thư là căn bệnh có hậu quả đau đớn mà bất kỳ ai cũng đã từng chứng kiến hoặc nghe nói đến. Tuy nhiên theo các chuyên gia, ung thư giống như một "đứa trẻ nghịch ngợm". Khi bạn sợ nó, nó sẽ bắt nạt bạn. Nhưng khi bạn là người biết phòng thủ, nó lại sợ bạn.

Đây là căn bệnh diễn ra đúng như chúng ta hay nói "phòng bệnh hơn chữa bệnh" bởi nếu không chú ý phòng bệnh, việc chữa bệnh trở nên khó khăn, tốn kém, thậm chí thất bại.

Sau đây là những khuyến cáo tốt nhất của Tổ chức Y tế thế giới, giúp bạn sớm nhận ra những nguy cơ gây ung thư để ngăn chặn kịp thời.

1. Không hút thuốc hay các dạng khác của thuốc lá

Bỏ thuốc là cơ sở có thể tránh được cái chết do ung thư bởi có tới 22% số ca tử vong ung thư hàng năm liên quan đến thuốc lá.

Hút thuốc có thể gây ra nhiều dạng ung thư khác nhau, bao gồm ung thư phổi, thực quản, thanh quản, miệng, vòm họng, thận, bàng quang, tuyến tụy, dạ dày và cổ tử cung…

Người hút thuốc có khả năng mắc ung thư cao, đồng thời còn gây ung thư cho người không hút thuốc khi bắt họ phải hút thuốc lá thụ động, tức là hít khói thuốc.

2. Giữ cân nặng trong mức cho phép, gầy một chút còn tốt hơn béo

Đã có nhiều bằng chứng chứng minh rõ ràng rằng, thừa cân và béo phì có liên quan với các loại ung thư khác nhau, chẳng hạn như ung thư thực quản, đại trực tràng, ung thư vú, nội mạc tử cung và ung thư thận.

Nếu bạn bị thừa cân, hãy cố gắng giảm xuống trong phạm vi bình thường để làm giảm nguy cơ ung thư.

3. Ăn nhiều rau và ít thịt

Ăn trái cây và rau quả đều đặn và thường xuyên sẽ làm tăng sức đề kháng của cơ thể với nhiều loại ung thư, điều này giống như là một bức tường bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của ung thư.

Ngược lại, nếu chúng ta ăn quá nhiều thịt đỏ và thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm nhiều mỡ có thể làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng và các bệnh ung thư khác.

4. Uống rượu nên biết giới hạn

Uống rượu thường xuyên và quá nhiều, đặc biệt là những loại rượu không đảm bảo chất lượng sẽ tạo nguy cơ ung thư ở miệng, hầu họng, thanh quản, thực quản, ung thư gan, ung thư đại trực tràng và ung thư vú…

Càng tăng lượng rượu uống vào cơ thể càng làm tăng nguy cơ ung thư. Các nghiên cứu đã khuyến cáo rằng, nếu bạn uống rượu, nên cố gắng không nhiều hơn hai ly mỗi ngày đối với nam giới, phụ nữ thì cần hạn chế hơn nữa.

5. Tránh các đồ uống có đường , nước ngọt có ga

Nghiên cứu cho thấy, chúng ta không những nên hạn chế đồ uống có chứa lượng đường cao, mà các món ăn, thực phẩm có lượng calo cao cũng cần phải tiết chế.

Thực phẩm chứa lượng calo cao có thể dẫn đến béo phì, những thực phẩm này thường là các món đồ ăn nhẹ như sô cô la, bim bim và bánh quy; thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh như khoai tây chiên, gà rán và pizza… bạn nên biết mình đã ăn bao nhiêu và đã vượt quá mức calo cho phép hay chưa để kịp thời dừng lại.

6. Ăn đa dạng các loại rau quả, các loại hạt

Đây là điểm đặc biệt nên quan tâm về một chế độ ăn uống cân bằng. Chúng ta nên ăn ít nhất 5 phần rau quả mỗi ngày. Không chỉ ăn đa dạng thực phẩm, mà còn áp dụng cách chế biến đa dạng, ưu tiên các món hấp, luộc, nấu canh nhiều hơn là xào rán.

7. Duy trì ít nhất 30 phút tập thể dục mỗi ngày

Đừng tiếc thời gian hay quá sa đà vào một việc gì đó mà quên đi thói quen tập thể dục hoặc vận động hàng ngày.

Chỉ cần dành ra 30 phút/ngày để áp dụng một bài tập vận động bất kỳ, bạn sẽ có cơ hội sở hữu một cơ thể rắn chắc, nhanh nhẹn, trẻ hóa cơ bắp, xương khớp dẻo dai và linh hoạt hơn. Đây cũng là cách phòng tránh và khiến ung thư khó khăn hơn khi tấn công vào cơ thể.

8. Ngăn ngừa nhiễm trùng , viêm nhiễm

Theo thống kê cho thấy, tỉ lệ tử vong do các bệnh nhiễm trùng tại các nước đang phát triển chiếm tới 22%, trong khi ở các nước công nghiệp phát triển chỉ chiếm 6%.

Các bệnh ung thư gan do viêm gan B và viêm gan C; nhiễm HPV dẫn đến ung thư cổ tử cung; nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày…

Ở một số nước, các bệnh nhiễm trùng sán làm tăng nguy cơ các bệnh sán lá gan, ung thư đường mật do ăn uống và sinh hoạt thiếu an toàn vệ sinh. Các biện pháp phòng ngừa tốt nhất là nên tiêm chủng đúng lịch và ngăn ngừa nhiễm trùng.

9. Bảo vệ môi trường để ngăn chặn ô nhiễm

Ung thư ngày càng phát triển còn do nguyên nhân từ môi trường sống ô nhiễm và thực phẩm thiếu an toàn, chứa hóa chất.

Nguồn nước, môi trường không khí thiếu trong lành cũng khiến cho cơ thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Để giảm tỉ lệ mắc ung thư, cần xây dựng thói quen bảo vệ môi trường, ngăn chặn ô nhiễm, trong đó chú ý việc xả rác thải và không dùng hóa chất độc hại cho thực phẩm.

10. Giảm sự tiếp xúc với chất gây ung thư do nghề nghiệp

Nghiên cứu thống kê cho thấy, tại nơi làm việc thường có tới 40 loại chất, hỗn hợp các chất khác nhau. Nếu chúng ta tiếp xúc thường xuyên có thể gây ra nguy cơ ung thư cho con người, chúng được phân loại như chất gây ung thư nghề nghiệp.

Đặc biệt là những nơi làm việc trực tiếp có hóa chất như công xưởng, nhà máy, nơi tập trung đông người tại các xưởng sản xuất, kho bãi…

11. Duy trì tốt sự cân bằng tâm trí, sức khỏe tâm thần

Ung thư không phải là căn bệnh khủng khiếp nếu chúng ta sớm biết tạo cho mình những thói quen tốt. Duy trì một thái độ tích cực, lạc quan đối với cuộc sống và một trạng thái cân bằng, vui vẻ. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc phòng tránh ung thư.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, chúng ta nên chú ý đến sức khỏe tâm thần, chủ động đối phó với khó khăn, căng thẳng trong cuộc sống bằng sự hiểu biết và thái độ bình tĩnh. Hãy luôn tự làm giảm căng thẳng, làm việc hiệu quả, duy trì tình trạng tâm lý ổn định.

*Theo Bách khoa Danh y TQ

Theo Vân Hồng

Cùng chuyên mục
XEM