Nếu Aeon đã khiến người Việt thích mê, thì Takashimaya sẽ làm chúng ta "điên đảo"

03/08/2016 10:46 AM | Kinh doanh

Địa điểm đang hot nhất Sài Gòn là Saigon Center, nơi Takashimaya mới đặt chân đến Việt Nam.

Aeon là chuỗi siêu thị hướng đến tầng lớp trung lưu và dân cư ngoại ô, nông thôn ở Nhật Bản, với dịch vụ chất lượng, tiện lợi. Còn nếu tìm chuỗi bán lẻ dành cho những người thuộc tầng lớp nhà giàu, những người muốn trải nghiệm dịch vụ hoàn hảo nhất, phải đến Takashimaya.

Cùng tìm hiểu xem, tại sao Takashimaya lại là niềm tự hào của ngành bán lẻ Nhật Bản.


Những ngày mùa hè nắng vàng đẹp của năm 2016 tại Tokyo, bà Akane Fujita nay đã ngoài 60 tuổi vẫn giữ thói quen đến Takashimaya mua sắm hàng tuần.

Thuộc thế hệ người Nhật sinh ra những thập niên đầu tiên sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, Takashimaya đối với bà không chỉ có ý nghĩa mua sắm mà nó gắn liền với cả tuổi thơ của bà.

Đó là đối với những người già, còn với nhiều người trẻ, Takashimaya là một lựa chọn đắt đỏ, thiết kế gian hàng theo phong cách khá đứng đắn. Phần đông các thương hiệu đều quá xa xỉ với giới trẻ nên họ chủ yếu đến Takashimaya để ăn uống và mua một vài mặt hàng rẻ tiền.

Và khi mà dân số Nhật ngày một già hóa, đối tượng của Takashimaya hướng đến là những người có tài sản sẽ ngày một đông đảo hơn.

Takashimaya là một trong những tập đoàn bán lẻ lâu đời nhất tại Nhật. Tập đoàn Takashimaya có nhiều công ty thành viên hoạt động trong các lĩnh vực bán lẻ, kinh doanh bất động sản, bán buôn và quản lý nhà hàng, dịch vụ ăn uống.

Lịch sử của Takashimaya bắt đầu từ năm 1831, tức là cách đây 185 năm. Cũng giống như nhiều tập đoàn bán lẻ hàng đầu khác tại Nhật, Takashimaya có khởi đầu khá khiêm tốn, chỉ là một cửa hàng bán kimono. Nhà sáng lập Shinshichi Iida mở ra cửa hàng đầu tiên trong cuộc đời của ông ở tuổi 27 tại Kyoto. Khi đó cửa hàng chuyên bán kimono và phụ kiện kèm theo.

Tokyo 30 năm thời đại Edo (trước thời Minh Trị Duy Tân), nền kinh tế èo uột và đầy hỗn loạn, người dân không có tiền chi tiêu. Để có thể thành công trong bối cảnh đầy khó khăn đó, nhà sáng lập đã đưa ra 4 nguyên tắc: hàng hóa chất lượng cao, giá cả phải chăng, bán hàng trung thực và dịch vụ khách hàng hoàn hảo nhất có thể.

18 năm sau khi mở cửa hàng đầu tiên, nhà sáng lập đã quyết định mở rộng mặt hàng kinh doanh sang sản phẩm bông và nhiều phụ kiện thời trang khác. Lúc này công ty có tổng số 21 người.

Năm 1867, trong thời kỳ Minh Trị, Nhật bắt đầu mở cửa với phương Tây, Takashimaya mới thực sự mở rộng thêm các mặt hàng để kinh doanh, trong đó có cả hàng gia dụng. 9 năm sau khi Nhật mở cửa đất nước, Takashimaya bắt đầu nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ để phục vụ cho cộng đồng người nước ngoài dù nhỏ nhưng đang phát triển dần tại Kyoto.

Đến cuối thập niên 1880, Takashimaya khởi động việc buôn bán với doanh nghiệp nước ngoài. Công ty bắt đầu xuất khẩu các sản phẩm của Nhật sang châu Âu và lập tức thành công ngay từ ban đầu. Gần cuối thế kỷ 19, Takashimaya đã có sự hiện diện mạnh mẽ tại khá nhiều nước châu Âu, công ty thậm chí dành khá nhiều giải thưởng về sáng tạo tại London, Barcelona, Paris.

Công ty thành lập được một văn phòng đại diện tại Lyons, Pháp và sau đó xuất hàng trực tiếp vào thị trường châu Âu qua chính công ty này. Đến đầu thế kỷ 20, công ty mở được văn phòng tại London.

Tại thị trường Nhật, Takashimaya mở cửa hàng thứ 2 tại Kyoto vào cuối thế kỷ 19 và thêm một cửa hàng khác tại Osaka sau đó không lâu. Năm 1890, công ty mở văn phòng tại Tokyo và sau đó văn phòng này được phát triển thành cửa hàng. Khi cảng xuất khẩu Yohohama chính thức thông thương, hoạt động của Takashimaya tập trung vào hai khu vực lớn của Nhật bao gồm vùng Kansai là Kyoto và Osaka, vùng Kanto tập trung vào Tokyo.

Đến đầu thế kỷ 20, Takashimaya đã có khoảng hơn 500 nhân viên và thực sự đã đặt những viên gạch đầu tiên để phát triển các cửa hàng bách hóa tổng hợp tại Nhật. Dù vậy, mặt hàng được công ty chú trọng nhất vẫn là sản phẩm dệt may, quần áo – những sản phẩm đã mang lại uy tín và danh tiếng cho công ty.

Với những kiến thức nghệ thuật và phong cách học được từ châu Âu, Takashimaya đã “thổi một luồng gió mới” vào làng thời trang Nhật vốn còn rất bảo thủ lúc bấy giờ. Dù mở rộng ra thêm nhiều mặt hàng và nhiều mẫu thiết kế nhưng Takashimaya vẫn kiểm soát tốt được chi phí và giá bán lẻ.

Để giúp cho khách hàng có thể hiểu hơn về quá trình thiết kế và sản xuất ra sản phẩm, Takashimaya đã là công ty bán lẻ đầu tiên ở Nhật lập riêng ra một khu trưng bày các mẫu thiết kế trong khuôn viên cửa hàng. Sau này, rất nhiều công ty bán lẻ của Nhật đã học theo hình mẫu đó để chăm sóc khách hàng tốt hơn.

Năm 1909 đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của Takashimaya. Takashimaya bắt đầu mở ra những trung tâm mua sắm lớn với rất nhiều mặt hàng đa dạng, đồng thời công ty cũng nâng cấp tất cả các cửa hàng cũ để có thể cạnh tranh tốt với những cửa hàng và siêu thị cùng thời đó. Đến cuối Chiến tranh Thế giới thứ Nhất, Takashimaya có 6 trung tâm mua sắm lớn và một số cửa hàng khác tại Nhật cũng như nước ngoài.

Năm 1916, Takashimaya đưa ra hình thức bán hàng tận nhà đầu tiên nhưng chỉ dành cho người giàu. Khách hàng giàu có được đưa vào một danh sách riêng và hàng tuần hoặc hàng tháng nhân viên của Takashimaya sẽ mang hàng đến tận nhà khách hàng cho khách thoải mái lựa chọn. Khách có thể không mua cũng không sao. Những sản phẩm được bán theo hình thức này chủ yếu là kimono, đồ trang trí nhà cửa hoặc nội thất.

Khách hàng có thể đặt hàng qua thư, gọi điện. Một đường dây chuyên phục vụ nhóm khách hàng này được lập ra, chủ yếu tập trung vào nhóm khách hàng một số tỉnh nhất định. Nhân viên kinh doanh của Takashimaya sẵn sàng mang hàng đến cho khách dù khách ở những khu vực rất xa trung tâm siêu thị chính vì vậy Takashimaya có tầm ảnh hưởng với nhiều khách hàng ở nhiều khu vực địa lý khác nhau của Nhật, điều ít hãng bán lẻ của Nhật cùng thời điểm đó làm được.

Phần 2: Takashimaya vượt qua những sóng gió của thảm họa thiên nhiên và chiến tranh nhu thế nào?

Cùng chuyên mục
XEM