Nền tảng để đạt được thành công như những người nổi tiếng
Tuy những người thành công làm việc trong những lĩnh vực riêng biệt, đạt được những thành công khác xa nhau, có những chiến lược và chiến thuật rất khác nhau, thậm chí họ có thể đưa ra những quyết định hoàn toàn trái ngược nhau trong cùng một tình huống, nhưng họ luôn có những điểm đồng nhất.
Có 2 yếu tố chính, đó là hệ thống niềm tin mạnh mẽ và giá trị thúc đẩy bản thân
1. Yếu tố nền tảng thứ nhất: hệ thống niềm tin mạnh mẽ
Niềm tin của bạn chính là công tắc đóng mở khả năng tư duy và tiềm năng nội tại trong bạn. Nếu bạn không tự trang bị cho mình những niềm tin tích cực hữu ích thì các bước trong công thức thành công cũng hoàn toàn vô dụng vì bạn chẳng bao giờ thật sự áp dụng được chúng.
Hệ thống niềm tin của bạn quyết định những gì bạn mong muốn hoặc khao khát, cũng như việc bạn có bắt đầu hành động để đạt được những điều đó hay không. Nếu bạn có những niềm tin tiêu cực như "Việc này quá khó", "Tôi còn quá non nớt", "Làm được việc đó là điều không tưởng" hay "Tôi không có đủ khả năng", thì gần như chắc chắn là bạn sẽ không đặt ra những mục tiêu to lớn và đầy cảm hứng cho bản thân. Thậm chí nếu không có những niềm tin tích cực, bạn sẽ không bao giờ dám đặt ra bất kỳ mục tiêu nào cho mình. Và dĩ nhiên, sẽ không một ai có thể thật sự đặt ra mục tiêu cho bạn được.
Hơn nữa, những niềm tin tiêu cực về bản thân, cũng như cái nhìn bi quan về hoàn cảnh hiện tại của bạn, sẽ khiến bạn "bỏ cuộc" ngay cả trước khi bắt đầu. Hoặc chỉ cần gặp phải một chướng ngại nhỏ trên đường, thay vì kiên trì hành động cho tới khi đạt được kết quả như ý, bạn sẽ bỏ cuộc.
Nói tóm lại, nếu bạn không tin rằng mình có đủ phẩm chất cần thiết hay nghĩ rằng "Việc đó quá khó khăn" rất có thể bạn sẽ "đầu hàng" ngay từ đầu. Vì thế, phát huy những niềm tin mạnh mẽ và tích cực sẽ là yếu tố quan trọng hàng đầu để mọi hành động đạt được kết quả cao nhất.
2. Yếu tố nền tảng thứ hai: giá trị sống là động lực thúc đẩy bạn
Chìa khóa thứ hai chính là những giá trị sống của bạn. Những giá trị sống cũng giống như những nút bấm cảm xúc điều khiển hành vi của bạn. Ðó là những thứ bạn xem trọng trong cuộc sống
Cách nhìn nhận của mỗi người về những giá trị sống như "thành công", "tự do", "an toàn", "tình cảm", và "hạnh phúc" rất khác nhau. Ðồng thời, thứ tự sắp xếp các giá trị này trong tâm trí mỗi người sẽ quyết định những lựa chọn và hành vi của họ.
Ví dụ, một số người có động lực làm giàu mạnh mẽ bởi vì họ muốn điều đó mang lại cho họ sự an toàn. "Tôi muốn kiếm thật nhiều tiền để khi gặp phải những khó khăn trong cuộc sống, tôi luôn có một nguồn dự trữ đáng kể". Trong khi đó, một số người khác cũng có cùng mong muốn làm giàu, nhưng họ lại lấy động lực từ những giá trị sống khác như "tự do" chẳng hạn. "Tôi muốn kiếm đủ tiền để có thể được tự do" (tự do bỏ công việc nhàm chán hiện tại, tự do lựa chọn làm công việc yêu thích của mình, tự do về thời gian,...).
Ðiều quan trọng nhất, cho dù những giá trị sống của bạn là gì, chúng cũng cần phải tương ứng với những mơ ước của bạn. Lý do khiến nhiều người cảm thấy không có động lực thực hiện ước mơ của mình là vì những giá trị sống của họ không tương ứng, thậm chí tương khắc với những mơ ước đó.
Có một người mẹ trẻ, cô chia sẻ rằng, mặc dù khao khát thành công trong nghề nghiệp, cô chẳng bao giờ có đủ động lực để đạt được chỉ tiêu doanh thu bán hàng của mình. Điều quan trọng ở đây là chính những giá trị sống và mơ ước của cô xung đột trực tiếp với nhau. Là một người mẹ trẻ, cô rất coi trọng giá trị "gia đình", nhưng đồng thời mơ ước của cô lại là thành công trong sự nghiệp. Chính điều này tạo nên sự xung đột nội tâm dữ dội làm tiêu hao rất nhiều năng lượng và kìm hãm sự thành công của cô. Cô vừa khao khát sự thành đạt trong nghề nghiệp, vừa cảm thấy có lỗi khi theo đuổi mục tiêu này, bởi vì cô tin rằng như thế cô sẽ không có nhiều thời gian dành cho gia đình.
Như vậy có thể khẳng định tầm quan trọng của hai yếu tố nền tảng – hệ thống niềm tin và những giá trị sống – trên con đường vươn tới thành công của mỗi người.