NASA phóng thành công kính viễn vọng không gian James Webb, "cỗ máy thời gian" cho ta nhìn về quá khứ Vũ trụ
Giới khoa học tiếp tục nín thở chờ kính viễn vọng không gian James Webb tới được đích, từ đó tiến hành nghiên cứu thiên văn học.
NASA đã phóng thành công Kính viễn vọng Không gian James Webb - thiết bị trị giá 10 tỷ USD được ví như cỗ máy thời gian cho phép nhân loại nhìn vào quá khứ.
Từ cảng không gian Kourou, French Guiana, cỗ tên lửa Ariane 5 đã đưa kỳ quan của nhân loại lên không an toàn. Kính viễn vọng sẽ quan sát ánh sáng phát ra từ những ngôi sao, những thiên hà đầu tiên, đồng thời phát hiện những dấu hiệu của sự sống trên các ngôi sao, hành tinh trong và ngoài Hệ Mặt Trời.
Kính viễn vọng Không gian James Webb đang trong giai đoạn lắp ráp.
Sau hơn 3 thập kỷ, Mỹ NASA và các cơ quan hàng không vũ trụ khác mới hoàn thiện Kính James Webb, thậm chí có những nhà khoa học chưa sinh ra khi bản vẽ đầu tiên của James Webb hoàn thiện. Trước khi khi kính Hubble đi vào hoạt động, các nhà thiên văn học đã tính tới chuyện xây dựng thế hệ kính viễn vọng tiếp theo.
Cảnh đếm ngược và phóng thành công tên lửa Ariane 5, "chuyến xe" đưa kính viễn vọng không gian James Webb lên không.
Sau nhiều năm trì hoãn, chi phí phát triển ngày một đội lên cao, Kính James Webb cũng chính thức hoàn thiện và lên không thành công. Trước khi bắt đầu quãng thời gian nghiên cứu dự kiến kéo dài 10 năm, kính James Webb sẽ phải thực hiện chuyến hành trình tới điểm Lagrange 2.
Lên lửa lên tới bầu khí quyển. Hình minh họa của NASA.
Phần vỏ khoang chứa bị loại bỏ, để lộ kính James Webb được gập gọn gàng. Ảnh minh họa của NASA.
Phần tên lửa đẩy bị loại bỏ, còn lại kính James Webb và một tên lửa đẩy nhỏ. Ảnh minh họa của NASA.
Kính James Webb từ bay tới vị trí đã được định trước - điểm Lagrange 2. Ảnh minh họa của NASA.
Hình ảnh thực tế cho thấy kính James Webb đang trên đường bay tới điểm L2. Thượng lộ bình an nhé!
Tại điểm L2, James Webb sẽ “giương cánh” - một tấm chắn khổng lồ che được bức xạ từ cả Mặt Trời và Trái Đất. Quá trình phức tạp vô cùng, tới mức hệ thống mở tấm chắn cần tới 140 cơ chế mở, 70 bản lề, 400 ròng rọc, 90 sợi cáp và 8 motor vận hành. Các bước mở tấm chắn phải diễn ra chính xác tuyệt đối, nếu không kính James Webb sẽ trở thành rác thải không gian.
Trong vòng một tháng tới, các nhà khoa học kiên nhẫn chờ kính James Webb tới được điểm Lagrange 2 cách Trái Đất 1,5 triệu kilomet, và thực hiện các bước chuẩn bị phức tạp trước khi đi vào hoạt động.
Hình minh họa kính James Webb khi đã căng thành công tấm chắn bức xạ.
Kính viễn vọng không gian James Webb sẽ mở ra một chương mới cho lịch sử ngành thiên văn học nói riêng, và lịch sử nhân loại nói chung. Cũng giống như mọi thiết bị nghiên cứu tiên tiến đáng giá hàng tỷ USD khác, chắc chắn James Webb sẽ mang về những dữ liệu chưa từng có trong lịch sử, giúp ta hiểu hơn về chính Vũ trụ cũng như vị trí của con người trong dòng thời gian.