NASA công bố: tàu thăm dò mang bản đồ tiết lộ vị trí Trái đất đã thoát ra khỏi Hệ Mặt trời
Đây là một công bố khá quan trọng. Bởi lẽ, nó mang lại nhiều thông tin cho khoa học về những gì mà họ chưa từng nhìn thấy.
Vào năm 1970, NASA đã phóng lên vũ trụ vài tấm bản đồ tiết lộ vị trí của Trái đất trên tổng cộng 4 con tàu, để qua đó hy vọng rằng người ngoài hành tinh sẽ tìm được và liên lạc với chúng ta. Một trong số đó là Voyager 2, khởi hành từ năm 1977.
Và mới đây, NASA xác nhận rằng Voyager 2 đã chính thức rời khỏi Thái dương hệ, bước vào hành trình tiến đến một vì sao khác.
Voyager 2 đã trở thành vật thể thứ 2 do con người tạo ra có thể rời khỏi hệ Mặt trời, sau chính người tiền nhiệm của nó là Voyager 1. Điểm khác biệt là Voyager 2 có mang theo những công cụ cho phép nó gửi thông tin về Trái đất. Hiện tại, khoảng cách giữa con tàu này và chúng ta là hơn 17 tỉ km, và nó vẫn tiếp tục gửi thông tin về dưới dạng sóng radio. Có điều, dù sóng được truyền đi với vận tốc ánh sáng, nó cũng phải mất đến 16,5h mới chạm được đến hệ thống của NASA.
Thông tin Voyager 2 rời khỏi Thái dương hệ được đưa ra sau khi hệ thống Thực nghiệm Plasma (PLS) được gắn trên tàu không còn ghi nhận được plasma phóng ra từ Mặt trời.
Dành cho những ai chưa biết, plasma từ Mặt trời sẽ tạo thành nhật quyển (heliosphere). Nó giống như một quả bong bóng khổng lồ vậy. Bên trong quả bóng là hệ Mặt trời, và lớp màng chính là ranh giới. Vậy nên nếu PLS không còn cảm nhận được plasma, nghĩa là Voyager 2 đã thoát ra khỏi nhật quyển rồi.
"Làm việc cùng Voyager khiến tôi có cảm giác mình như một nhà thám hiểm, vì mọi thứ chúng ta đang nhìn thấy đều mới mẻ," - trích lời John Richardson, chuyên gia từ MIT, và là quản lý hệ thống PLS.
"Dù Voyager đã rời khỏi nhật quyển vào năm 2012, nhưng ở một địa điểm khác, và nó không có dữ liệu PLS. Vậy nên những gì chúng tôi sắp được chứng kiến vẫn là độc nhất trong lịch sử."
Cũng theo Richardson, việc Voyager 2 có thể gửi thông tin xác nhận đã rời khỏi Hệ Mặt trời thực sự đã giúp ích rất nhiều. Bởi lẽ ranh giới của nhật quyển (còn gọi là heliopause) thực chất vẫn là khái niệm hết sức mơ hồ với khoa học.
"Còn rất nhiều điều để tìm hiểu về khu vực không gian giữa các vì sao (interstellar) sau khi tách ra khỏi nhật quyển," - Ed Stone, chuyên gia của dự án Voyager cho biết.
Khi Voyager 1 thoát ra khỏi hệ Mặt trời, các nhà khoa học đã rất khó khăn khi muốn xác định xem nó thực sự đã vượt qua ranh giới heliopause chưa. Lý do là vì hệ thống PLS lắp đặt trên tàu đã bị hỏng. Voyager 2 thì khác, cảm biến của nó vẫn còn, và nhờ thế việc xác nhận đã dễ dàng hơn rất nhiều.
Quay trở lại với tấm bản đồ Voyager 2 mang. Đó là một cái đĩa vàng khắc một số ghi chú, cùng tấm bản đồ tiết lộ địa điểm xuất phát của tàu và hành trình di chuyển. Ngoài ra, tấm bảng còn một số ký âm về tiếng núi lửa, sấm sét... và các âm thanh liên quan đến con người như tàu hỏa, đám đông...
Frank Drake - một cựu chuyên gia của NASA - chia sẻ rằng khả năng người ngoài hành tinh tiếp cận được tấm bản đồ này là không cao, nếu không muốn nói là cực nhỏ.
"Sau vài lần tăng tốc, những con tàu này đang di chuyển với tốc độ khoảng 10.000m/s. Nhưng với tốc độ này, sẽ mất đến nửa triệu năm để đến một ngôi sao khác."