Nắng nóng sẽ khiến con người tổn hại như thế nào vào năm 2080?

14/08/2018 10:14 AM | Công nghệ

Sóng nhiệt có thể xóa sổ một vùng đồng bằng 400 triệu dân ở Trung Quốc.

Một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí PLOS Medicine dự đoán lượng người chết vì nắng nóng sẽ tăng gấp nhiều lần trong những thập kỷ tới.

Tình hình thời tiết diễn biến phức tạp có thể gây ra những đợt nắng nóng kéo dài được gọi là "sóng nhiệt". Những đợt nắng nóng này thường khiến nhiều người mệt mỏi, phù nề chân tay, chuột rút, lả người và sốc nhiệt.

Nó làm tăng tỷ lệ tử vong liên quan đến tai biến mạch máu não, làm trầm trọng bệnh phổi mạn tính, bệnh tim, bệnh thận và bệnh tâm thần… Năm 2003, một đợt sóng nhiệt ở châu Âu đã giết chết hàng chục nghìn người. Một đợt nắng nóng tương tự ở Nga năm 2010 cũng cướp đi sinh mạng của 55.000 người khác.

Theo nghiên cứu mới, số người chết vì sóng nhiệt còn có thể tăng gấp 4 lần ở một số thành phố ở Mỹ và Australia năm 2080. Cá biệt ở một số quốc gia nhiệt đới như Colombia, Brazil và Philippines, con số có thể tăng gấp 20 lần.

Nghiên cứu có thống kê số người chết vì nắng nóng ở 2 khu vực của Việt Nam trong giai đoạn 2009 - 2013. Con số này vào khoảng 108.000 người và cũng có thể tăng gấp 6 - 7 lần cho tới năm 2080.

Nắng nóng sẽ khiến con người tổn hại như thế nào vào năm 2080? - Ảnh 1.

Nắng nóng sẽ giết chết chúng ta như thế nào vào năm 2080?

Hiện tượng Trái Đất ấm dần lên đang tạo cơ hội cho các điều kiện khí hậu khắc nghiệt, không tốt cho sức khỏe của chúng ta. Trong đó, những đợt nắng nóng dài ngày được gọi là sóng nhiệt có thể vượt quá sức chịu đựng với nhiều người.

"Thật đáng lo lắng, trong khi các nghiên cứu chỉ ra tần suất và mức độ nghiêm trọng của các đợt sóng nhiệt nhiều khả năng sẽ gia tăng vì biến đổi khí hậu, bằng chứng về tác động của nó đến tỷ lệ tử vong trên quy mô toàn cầu còn hạn chế", Antonio Gasparrini - tác giả nghiên cứu mới đến từ Trường Vệ sinh và Y học nhiệt đới London cho biết.

Với sự hợp tác của một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế, Gasparrrini đã xây dựng được một cơ sở dữ liệu về nhiệt độ và tỷ lệ tử vong từ đầu năm 1984 đến cuối năm 2015 cho 412 khu vực dân cư trên toàn cầu.

Họ đã sử dụng cơ sở dữ liệu này để dự đoán tỷ lệ tử vong vì nắng nóng trong tương lai, giai đoạn từ năm 2031-2080 và so sánh với hiện tại, giai đoạn từ 1971 - 2020.

"Nghiên cứu này là nghiên cứu dịch tễ học lớn nhất về tác động của sóng nhiệt dưới sự nóng lên toàn cầu, cho thấy nó có thể làm tăng đáng kể tỷ lệ tử vong do sóng nhiệt, đặc biệt ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới", Gasparrini cho biết.

Đến năm 2080, một kịch bản cho thấy Colombia, Brazil và Philippines sẽ phải chứng kiến số người tử vong do nắng nóng kéo dài gấp từ 10 - 20 lần so với hiện nay. Ở các thành phố lớn ở Mỹ và Australia, số người tử vong cũng có thể tăng gấp hơn 4 lần.

Nắng nóng sẽ khiến con người tổn hại như thế nào vào năm 2080? - Ảnh 2.

Sự gia tăng tỷ lệ tử vong gây ra bởi sóng nhiệt ở một số khu vực trên thế giới

Gasparrini cho biết, có một con đường hạn chế thương vong, nếu các nước tuân thủ đúng theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Mặt khác, con người cũng sẽ phải thích nghi với nhiệt độ tăng cao.

Quy hoạch đô thị có thể phải phát triển theo hướng cung cấp điều kiện sống và làm việc mát mẻ hơn. Hệ thống chăm sóc sức khỏe cần có những điều chỉnh để can thiệp sớm hơn giúp các nạn nhân của sóng nhiệt. Mỗi người chúng ta nên nhận thức và chú ý hơn đến sự nguy hiểm của điều kiện nhiệt độ cao và có những biện pháp đối phó sớm với nó.

Nếu làm được như vậy, chúng ta có thể hạn chế được thương vong do những đợt nắng nóng. Nhưng ngay cả với kịch bản tốt nhất, khi mà tất cả các quốc gia đều tuân thủ thỏa thuận Paris, lượng người chết vì sóng nhiệt ở một số nước nhiệt đới vẫn sẽ tăng gấp đôi.

Thực tế, các chương trình chăm sóc sức khỏe và thay đổi cơ sở hạ tầng đô thị rất khó để thực hiện, và các chính phủ không có lập trường nhất quán với biến đổi khí hậu. Các nước đang phát triển ít có khả năng dành nguồn lực vào việc giảm tác động của sóng nhiệt.

Nắng nóng sẽ khiến con người tổn hại như thế nào vào năm 2080? - Ảnh 3.

Sóng nhiệt có thể tạo ra những khu vực không thể sinh sống

Đối với các khu vực đồng bằng canh tác nông nghiệp, chẳng hạn như khu vực phía Bắc Trung Quốc, sóng nhiệt có thể tạo ra những thảm họa. Một nghiên cứu riêng được thực hiện bởi các nhà khoa học tại MIT cho thấy vùng đồng bằng phía Bắc Trung Quốc có thể bị sóng nhiệt tàn phá đến mức con người không thể sinh sống.

Việc trồng trọt trong khu vực này đưa một lượng hơi ẩm lớn vào bầu khí quyển, tạo ra một tấm màn nước giam nhiệt độ khiến hiệu ứng nhà kính trầm trọng hơn. Hơi nước có thể tăng mức nhiệt độ lên gấp rưỡi.

Con người sống trong điều kiện này không thể làm mát bằng cách đổ mồ hôi vì không khí đã bão hòa hơi nước.

Bởi vậy, toàn bộ khu vực có thể trở nên không sống được. Hiện tại, dân số của khu vực đồng bằng phía bắc của Trung Quốc vào khoảng hơn 400 triệu người.

"Địa điểm này sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của những đợt sóng nhiệt chết người trong tương lai, đặc biệt là dưới điều kiện biến đổi khí hậu", tác giả chính của nghiên cứu, Elfatih Eltahir cho biết.

Tham khảo Sciencealert

Zknight

Cùng chuyên mục
XEM