Năm Tân Sửu nhìn lại cuộc đời 2 doanh nhân vừa tròn lục thập hoa giáp: Vua thép Trần Đình Long và nữ hoàng cá tra Trương Thị Lệ Khanh

12/02/2021 09:00 AM | Kinh doanh

Họ có lẽ là hai doanh nhân tuổi Tân Sửu nổi bật nhất Việt Nam, một người trở thành tỷ phú nhờ ngành thép, một người thành công xuất chúng với ngành cá tra.

Được đứng vị trí thứ 2 trong 12 con giáp. Trâu được xem là một loài vật có sức mạnh, chịu thương, chịu khó làm việc vất vả. Những người tuổi Sửu từ đó cũng được nhận định là thường giỏi chịu đựng, hy sinh, đơn giản lai mộc mạc, thật thà, chân thành.

Chính vì vậy mà những người tuổi Trâu thường được rất nhiều người kính trọng. Trong cuộc sống hay trong công việc những người tuổi Tân Sửu thường là những nhà lãnh đạo rất tận tâm, họ luôn có sự chuẩn bị chu đáo cho mọi việc. Những người tuổi Trâu luôn chuẩn bị tâm lý vững vàng, rất ít bị ảnh hưởng bởi ngoại cảnh.

Sau đây là hai doanh nhân tiêu biểu sinh năm Tân Sửu 1961. Năm nay họ tròn 60 tuổi.


TRẦN ĐÌNH LONG

Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát

Ông Trần Đình Long sinh năm 1961 tại một vùng quê nghèo thuộc tỉnh Hải Dương. Cơ duyên đến với ngành vào năm 1994, ông Long và nhóm bạn đại học Kinh tế quốc dân tìm mua bàn ghế cho văn phòng nằm trên đường Giải Phóng. Họ nhận ra rằng, lúc bấy giờ, các doanh nghiệp đều đang nhập khẩu bàn ghế gỗ từ Đài Loan về. Vị doanh nhân quyết định gia nhập thị trường, thành lập công ty nội thất, tìm hiểu các nhà cung cấp từ Đài Loan cho đến Malaysia, Singapore…

Các sản phẩm nội thất của Hòa Phát tập trung vào nội thất văn phòng, két bạc, bàn ghế ăn gia đình, nội thất giáo dục và công trình công cộng. Sau này, khi mảng thép ra đời, mảng nội thất cũng tận dụng nguồn lực để tập trung vào các dòng sản phẩm sử dụng một phần nguyên liệu sắt, thép.

Ông Trần Đình Long tham gia mảng thép chỉ 1 năm sau khi thành lập công ty nội thất, tức năm 1996. Các công ty con của Hòa Phát trong ngành này được chia thành các lĩnh vực chính bao gồm gang thép và ống thép - tôn mạ màu.

Tự ví Hòa Phát là cỗ xe tăng, xe lu đi giữa thị trường, vị tỷ phú này chậm rãi và đều đều dẫn tập đoàn chiếm 26% thị phần về các sản phẩm thép xây dựng toàn ngành cho tới thời điểm hiện tại. Mảng ống thép cũng tăng trưởng 14% (năm 2011) lên 32% (năm 2019). Cỗ xe lu này cũng giúp ông Trần Đình Long 2 lần lọt danh sách tỷ phú đô la của Forbes vao năm 2018 và 2020.

Tháng 3/2015, ông Long gây bất ngờ cho giới kinh doanh khi dẫn cỗ xe lu đi làm nông nghiệp - một lĩnh vực hoàn toàn trái tay, bằng việc thành lập công ty TNHH MTV Thương mại và sản xuất thức ăn chăn nuôi Hòa Phát.

Bước sang năm 2016, Hòa Phát đã chính thức tuyên bố gia nhập lĩnh vực này thông qua việc thành lập Công ty cổ phần phát triển nông nghiệp Hòa Phát có vốn điều lệ gần 3.000 tỷ đồng. Mục tiêu là nông nghiệp sẽ trở thành một lĩnh vực khép kín dẫn đầu thị trường với 3 mảng Feed - Farm - Food (3F).

Chỉ sau 5 năm, tính đến quý III năm 2020, tổng doanh thu mảng nông nghiệp đạt 2.791 tỷ đồng, tăng trưởng 54%. Các sản phẩm nông nghiệp như cung cấp bò Úc, trứng gà sạch của Hòa Phát thuộc top đầu thị trường với thị phần thịt bò Úc hơn 50%. Lĩnh vực nông nghiệp đã đóng góp lớn thứ 2 sau thép về doanh thu và lợi nhuận trong năm 2020.

Tận dụng nguồn nguyên liệu từ thép, từ năm 2010 Hòa Phát gia nhập thị trường bất động sản. Các dự án đầu tiên có thể kể đến như Tòa nhà văn phòng và chung cư cao cấp 257 Giải Phóng (Hà Nội), Khu phức hợp Mandarin Garden nằm trên mặt tiền đường Hoàng Minh Giám hay một vài dự án khác tại Hưng Yên.

Đến năm 2014, ông Long cho biết dừng tuy nhiên điều bất ngờ là mới đây cuối năm 2020, Hòa Phát thông báo thoái vốn mảng nội thất để tập trung phát triển hơn mảng bất động sản bằng việc thành lập công ty với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng.


TRƯƠNG THỊ LỆ KHANH

Chủ tịch CTCP Vĩnh Hoàn

Năm Tân Sửu nhìn lại cuộc đời 2 doanh nhân vừa tròn lục thập hoa giáp: Vua thép Trần Đình Long và nữ hoàng cá tra Trương Thị Lệ Khanh - Ảnh 1.

Bà Khanh sinh ra và lớn lên tại miền sông nước An Giang. Sau khi tốt nghiệp cử nhân Kinh tế tại đại học Tài chính Kinh tế Tp.HCM, cô sinh viên về quê và làm việc tại Sở Tài chính tỉnh An Giang. Những năm cuối thập niên 80, bà Khanh chuyển công tác sang công ty xuất nhập khẩu Châu Thành và bắt đầu làm quen với việc xuất nhập khẩu thủy sản.

Năm 1995, khi lệnh cấm vận kinh tế với Việt Nam được gỡ bỏ, ngành cá được khởi thông kéo theo sự bùng nổ của ngành chế biến xuất khẩu cá tra. Tháng 12/1997, với xuất phát điểm với 70 công nhân cùng số vốn 70 triệu đồng và nhà máy thuê lại của Công ty Sa Giang, bà Khanh quyết định thành lập Công ty TNHH Vĩnh Hoàn (nay là Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn) tại Tp.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Tên Vĩnh Hoàn được bà Khanh giải thích với khát vọng rằng: Vĩnh là vĩnh viễn. Hoàn là hoàn cầu. Vĩnh Hoàn là mãi mãi tồn tại trên khắp thế giới.

Ban đầu Vĩnh Hoàn chỉ dừng lại ở gia công xuất khẩu. Chỉ 2 năm sau, bà Khanh đã cho thuê lại xưởng sản xuất tại Cao Lãnh và lập cơ sở chế biến riêng. Giai đoạn 2000 - 2006 theo chia sẻ của bà Khanh thị trường rất nóng, hàng không đủ để xuất khẩu dù nhiều doanh nghiệp đặt chân vào. Năm 2007, Vĩnh Hoàn chuyển sang mô hình cổ phần và niêm yết trên sàn chứng khoán Tp.HCM.

Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Vĩnh Hoàn đạt gần 400 triệu USD, tiếp tục giữ vững vị trí quán quân trong ngành cá tra từ năm 2009. Tuy nhiên năm 2019 và 2020 dịch Covid 19 đã ảnh hưởng mạnh đến ngành thủy sản thế giới, khiến cho việc tiêu thụ giảm và xu hướng thay đổi, đơn đặt hàng giảm 35 – 50%. Doanh số xuất khẩu Vĩnh Hoàn năm 2020 giảm về 213 triệu USD.

Để Vĩnh Hoàn phát triển bền vững, bà Lệ Khanh quyết định chuyển hướng sản xuất sang kiểu ‘kinh tế tuần hoàn’. Hiện Vĩnh Hoàn có 4 mảng phát triển chính: Vinh Aquaculture – Nuôi trồng, Vinh Foods – Thực phẩm đã sơ chế/chế biến, Vinh Wellness – Sản phẩm tốt cho sức khỏe và Vinh Technology – Khoa học công nghệ.

Mảng Wellness với nhóm sản phẩm Collagen và gelatin (C&G) được  đánh giá là "át chủ bài" C&G. Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm – Tổng Giám đốc cho biết sản phẩm này đang phát triển tốt, hầu như không bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh, kỳ vòng tiếp tục đóng góp tích cực vào doanh thu, lợi nhuận của Vĩnh Hoàn. Vĩnh Hoàn là công ty đi đầu tại Việt Nam ứng dụng công nghệ cao phát triển thành công các sản phẩm này.

Năm 2013 bà Khanh được Forbes Việt Nam bình chọn là top 10 nữ doanh nhân thành đạt nhất Việt Nam. Những năm sau này từ 2016-2019, Chủ tịch Vĩnh Hoàn luôn nằm trong danh sach 50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam của Forbes.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM