Năm mới, muốn thành công hãy học cách quản lý bản thân có tĩnh có động như tỷ phú Lý Gia Thành

19/02/2018 09:00 AM | Kinh doanh

Sinh ra trong gia đình nghèo khó, Lý Gia Thành được mệnh danh là "Superman" ở Hong Kong nhờ sự thông minh trong kinh doanh. Ông điều hành hai công ty Hutchison Whampoa Limited và Cheung Kong Holdings. Là người lập nghiệp thành công từ trong khó khăn, gian khổ, là một doanh nhân thấm nhuần quan niệm quản lí hiện đại.

Quản lí bản thân có tĩnh có động

Lí Gia Thành cho rằng, muốn trở thành người quản lí giỏi, nhiệm vụ đầu tiên là quản lí bản thân, trong thế giới thiên biến vạn hóa, cần biết mình là ai, biết mình muốn điều gì và xây dựng sự tôn nghiêm cho mình.

Lí Gia Thành nói, quản lí bản thân chính là sự quản lí ở trạng thái tĩnh. Trong giai đoạn khác nhau của cuộc sống, cần thường xuyên tự hỏi mình: Mình có mong ước gì? Mình có ước mơ vĩ đại, nhưng mình có hiểu thế nào là sự nhiệt tình có kiềm chế không? Mình có quyết tâm phấn đấu, nhưng mình có dũng khí đối diện với nỗi sợ hãi không? Mình có niềm tin, có cơ hội, nhưng có đủ trí tuệ không? Mình tự tin có năng lực hơn người, nhưng có khả năng và niềm tin đối diện với thuận lợi, khó khăn không?

Năm 14 tuổi, khi còn là một cậu bé nghèo, Lí Gia Thành đã có phương pháp quản lí bản thân rất đơn giản: Đó là ông yêu cầu bản thân phải kiếm được số tiền nuôi cả gia đình. Ông biết rằng nếu không có kiến thức sẽ không thay đổi được vận mệnh, không có tiền sẽ không thể thực hiện ước mơ.

Lí Gia Thành không muốn dùng đôi cánh bằng sáp để bay lên như Icarus trong thần thoại Hi Lạp để rồi cuối cùng có kết cục thảm hại. Vì vậy, một mặt ông kiên trì vai trò của mình, dù lúc đó bản thân ông chỉ là công nhân bình thường, nhưng ông luôn hoàn thành xuất sắc công việc; mặt khác, ông không lãng phí thời gian, mỗi đồng tiền tiết kiệm được, ông đều mua sách cũ để bổ sung kiến thức và văn hóa cho mình.

Năm 22 tuổi, lúc Lí Gia Thành bắt đầu thành lập công ty riêng, ông ý thức được rằng, chịu khó chịu khổ và nhẫn nại vẫn chưa đủ. Ông nhận thấy rằng, khi xây dựng doanh nghiệp, không có một công thức nhất định dành cho thành công, mà yếu tố thất bại lại luôn thường trực, do đó giảm mức độ thất bại một cách thấp nhất là cách thức nhanh nhất để tiến đến thành công. 

Ông nhấn mạnh rằng, kiến thức và ý chí kết hợp lại mới phát huy được hiệu quả lớn nhất, phương pháp quản lí bản thân ở trạng thái tĩnh mới có thể tạo nền tảng thành công cho việc quản lí ở trạng thái động, lí trí cộng trí tuệ mới tạo nên sức mạnh vạn năng, và điều mà ông tổng kết lại được là làm thế nào để trở thành một doanh nghiệp thông minh.

Lí Gia Thành cho rằng, doanh nghiệp cần phát triển nhảy vọt trong sự ổn định, cần giải quyết những mâu thuẫn cơ bản bao gồm: tăng thu nhập với giảm chi phí; giám sát quản lí với sáng tạo và trao quyền hành, trực giác với khoa học, biết dừng lại với việc phát triển vô hạn…

Người quản lí cần biết chọn nhân tài và hiểu nguyên lí đòn bẩy

Lí Gia Thành cho biết, người quản lí thành công cần trở thành người biết chọn lựa và phát triển nhân tài thông minh hơn mình, tuy nhiên tuyệt đối không chọn những nhà doanh nghiệp nổi tiếng nhưng thích khoe khoang, nếu không uy tín và danh tiếng của anh ta sẽ làm hại đến doanh nghiệp.

Năm mới, muốn thành công hãy học cách quản lý bản thân có tĩnh có động như tỷ phú Lý Gia Thành - Ảnh 1.

Trong xã hội cạnh tranh khốc liệt, doanh nghiệp muốn phát triển tốt không nên tuyển nhân viên kém, bảo sao nghe vậy, dễ nản chí, nhưng đồng thời cũng không thể chấp nhận một nhân viên thích "khoe khoang, tâng bốc". Người quản lí chọn nhân viên cần dựa trên phẩm chất trung thành của họ, nhưng với người trung thành mà không có phẩm chất đạo đức tốt sớm muộn sẽ liên lụy đến tập thể, ảnh hưởng đến doanh nghiệp, hay nói cách khác người có vấn đề về phẩm chất đạo đức là người không đáng tin cậy.

Điều kiện đầu tiên xây dựng một doanh nghiệp đồng tâm hiệp lực, đoàn kết nhất chí chính người quản lí cần biết phát hiện và lắng nghe: Trong quá trình làm việc, nhân viên có thấy thoải mái không? Người quản lí có thể khoan dung, đại lượng, làm việc công bằng, thừa nhận sự tôn nghiêm và khả năng sáng tạo của nhân viên không? Người quản lí có nguyên tắc và kiên trì nguyên tắc đó không, có quá cố chấp, câu nệ không?

Không biết từ lúc nào, khái niệm này được một số doanh nhân hiểu đơn giản là "Mượn sức nhỏ thắng nghìn cân", thực ra họ không hiểu điểm tựa ở đâu mới là điều quan trọng nhất. Điểm tựa đúng đắn mới là điều kiện quan trọng đạt được thành quả. Chúng ta thường thấy rất nhiều công ty chỉ chú ý đến việc "mượn sức nhỏ thắng nghìn cân" mà coi nhẹ việc đi tìm điểm tựa, vì quá khoa trương nên rơi vào bế tắc, khó khăn. Chỉ có người quản lí thông minh mới tính ra chính xác vị trí đặt điểm tựa. Điều này thử thách khả năng tổng hợp và kiến thức chuyên ngành của người quản lí, xem người quản lí có thể nhìn rõ mối liên quan giữa các sự việc lớn nhỏ hay không.

Người quản lí cần coi doanh nghiệp là sinh mạng của mình

Nghệ thuật quản lí còn phụ thuộc vào việc tiếp nhận sự vật mới, tư duy mới và thay đổi tư duy truyền thống.

Lí Gia Thành nói, khả năng nhận thức của con người là thành quả hài hòa của lí trí và trí tuệ. Chúng ta không phải và cũng không thể mãi mãi là "người vô dụng". Ông cảm thấy rất ngạc nhiên về việc một số người quản lí hiện nay coi "công lao" là giá trị đơn thuần. Đối với ông, "quân tử là người không ngừng cố gắng". 

Phương pháp làm việc không ngừng cố gắng rất quan trọng, trong đó định nghĩa về người quân tử cũng rất quan trọng. Muốn bảo đảm cho doanh nghiệp phát triển bền vững thì người quản lí cần coi doanh nghiệp là sinh mệnh của mình. Điều này không đơn giản như hai từ "sứ mệnh" thường được nhắc đến trong văn hóa doanh nghiệp, vì đó chỉ là hình thức bên ngoài, là khẩu hiệu mà thôi.

Việc quản lí và xây dựng doanh nghiệp không hề dễ dàng, doanh nghiệp cần hiểu trách nhiệm của mình là hiệu quả và lợi nhuận, do đó cần nâng cao giá trị của bản thân, tuy nhiên tất cả những điều này không thể tách khỏi lương tâm và trách nhiệm của người lãnh đạo. Thị trường luôn cạnh tranh khốc liệt, người quản lí cần biết tăng thu giảm chi, tăng vốn đầu tư và đổi mới kĩ thuật. 

Nếu không nhằm mục đích phục vụ công chúng thì khó có thể đối phó với thị trường cạnh tranh và trách nhiệm xã hội. Nhiều khi, doanh nghiệp chỉ có thể đóng góp sức lực bé nhỏ vào những vấn đề lớn của xã hội, nhưng cho dù có gian nan cũng cần kiên trì tiếp tục.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM