Năm mới, đầu tư vào đâu để tiền sinh lời?

07/02/2022 11:06 AM | Kinh doanh

Đến hẹn lại lên, chuyện đầu tư vào đâu để tiền sinh lời là câu hỏi đau đầu của nhiều người vào dịp đầu năm mới. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt hẳn, mọi kênh đầu tư đều có những rủi ro nhất định.

Vàng, ngoại tệ, tiền ảo, gửi tiết kiệm - đầu tư vào đâu an toàn hơn?

Thông thường, khi có tiền nhàn rỗi để đầu tư, kênh tiết kiệm luôn được nghĩ đến đầu tiên. Dù so sánh với các hình thức khác, gửi tiết kiệm đang ngày càng kém hấp dẫn do lãi suất đã giảm quá sâu- mức kỷ lục 3%/năm cho kỳ hạn từ 1-3 tháng, song đối với những người già, hưu trí, đây vẫn là ưu tiên hàng đầu vì tính an toàn và dễ dàng hơn cả.

Năm mới, đầu tư vào đâu để tiền sinh lời? - Ảnh 1.

Gửi tiết kiệm được nhiều người lựa chọn vì dễ và ít rủi ro.

Bởi vậy, gửi tiền tiết kiệm đầu năm mới là thói quen của nhiều người. Để "kích cầu" dòng tiền này, các nhà băng cũng liên tục tung ra các chiêu hút khách gửi tiền bằng mức lãi suất cạnh tranh, cùng với các món quà lì xì hấp dẫn. Tuy nhiên năm nay, áp lực lạm phát được dự đoán là rất lớn nên nhiều ý kiến cho rằng gửi tiết kiệm sẽ không giúp "ăn nên làm ra", thậm chí có thể bị âm tiền nếu lạm phát tăng cao. Một tín hiệu khả quan cho kênh đầu tư này đó là năm 2021, khi lượng tiền gửi ngân hàng bị rút ròng sang các kênh khác, thì nhiều dự báo cho rằng lãi suất sẽ "dâng" lên trong năm 2022.

Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect dự báo, lãi suất tiết kiệm trong năm 2022 sẽ tăng 0,3-0,5 điểm %. Tương tự, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng nhận định, mặt bằng lãi suất năm nay khó giảm thêm so với cuối năm trước và nhiều khả năng tăng nhẹ trở lại quanh 0,25-0,5 điểm %, nhất là trong nửa cuối của năm.

Với vàng, đây được xem là kênh đầu tư truyền thống, là "hầm trú ẩn", kênh tích trữ tài sản của nhiều người. Đã có một thời gian, vàng được giới đầu tư yêu thích lựa chọn vì tính thanh khoản cực cao: tay phải mua, tay trái có thể bán ngay kiếm lãi. Tuy nhiên, trong mấy năm trở lại đây, vàng đã kém hấp dẫn bởi so với những kênh đầu tư khác, khả năng sinh lời kém, chưa kể, tính rủi ro cũng cao hơn, đặc biệt đối với thị trường Việt Nam, vàng đang "một mình một chợ", có thời điểm giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới tới 12 triệu đồng/lượng. khoảng cách này, cộng với chênh lệch giữa giá mua - bán thường được các nhà vàng đẩy rộng ra, thêm rủi ro về giá cả lên xuống theo biến động của kinh tế, chính trị thế giới, khiến cho kim loại quý cũng đang dần dần mất đi sự "sủng ái".

Còn ngoại tệ và tiền ảo, đây là 2 kênh tương đối "khó nhằn" bởi khó giao dịch. Nếu như mua bán ngoại tệ trên thị trường tự do là vi phạm pháp luật, thì mua bán tiền ảo trên mạng cũng không được pháp luật bảo vệ và tính rủi ro cực cao. Dù năm 2021, tiền ảo gây nhiều sóng gió trên thị trường tài chính, giúp cho nhiều người kiếm được hàng triệu, thậm chí hàng tỷ USD thì nó cũng khiến cho không ít người tán gia bại sản, mất vốn chỉ vì bỏ tiền thật đi mua tiền ảo. Song, với một số người trẻ ưa mạo hiểm, vẫn chọn kênh này để đầu tư. Tuy nhiên, rót vốn vào tiền ảo cũng cần phải tỉnh táo, không nên lao theo quá đà, diễn biến của nó như "tàu lượn cao tốc" - tăng rất nhanh và rơi cũng rất nhanh.

Chứng khoán, bất động sản hay trái phiếu doanh nghiệp?

Vậy kênh chứng khoán thì sao? Đây là vấn đề khá "đau đầu", vì thực sự trong năm 2021, nhiều nhà đầu tư đã kiếm được tiền tỷ từ kênh đầu tư này, kể cả nhóm đầu tư "tay mơ". Có những thời điểm, chỉ cần "xuống tiền" là thắng lợi. Lượng F0 nhảy vào thị trường tăng kỷ lục khiến cho thị trường "nóng như chảo lửa". Thế nhưng, mấy cú "sập sàn" dịp trước Tết Nguyên đán đã khiến cho nhiều người "thức tỉnh" vì đây là thị trường không dành cho những người đầu tư theo tâm lý "bầy đàn", ăn theo. Ngoài ra, đầu tư chứng khoán, cần phải có kiến thức, thông tin thì mới mong kiếm được lời, không thể cứ nhắm mắt theo kiểu "thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào".

Với thị trường bất động sản, nhìn thì "ngon ăn", và thực sự những vùng sốt đất khiến nhiều người phất lên nhanh chóng, nhưng giống như hòn than chuyền tay nhau, người cầm sau cùng sẽ "lãnh đủ". Với các chiêu trò thổi giá trên thị trường hiện nay, không ai dám chắc mình không phải là người cuối cùng, kể cả những nhà đầu tư chuyên nghiệp. Chưa kể, kênh này khá kén dòng tiền vì đòi hỏi vốn lớn, thời gian ngâm vốn cao và thanh khoản cũng trồi sụt khó đoán nên không "dễ ăn". Còn với trái phiếu doanh nghiệp, với tình trạng vàng thau lẫn lộn như hiện nay, nếu không tỉnh táo, không những không thể kiếm lời mà còn đối mặt nguy cơ mất trắng.

"Đầu tư vào đâu là câu hỏi chung nhưng mỗi người sẽ phải tìm những đáp án khác nhau, bởi tiềm lực nguồn vốn, trình độ chuyên môn, kiến thức và khả năng tiếp cận thông tin của mỗi người khác nhau, chưa kể, khẩu vị rủi ro của mỗi người cũng khác. Bởi vậy, cần tham khảo, cân nhắc kỹ những mặt thuận lợi cũng như khó khăn của những kênh đầu tư để tìm cho mình giải pháp hợp lý", chuyên gia tài chính ngân hàng- TS. Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị.

Theo Hà An

Cùng chuyên mục
XEM