Năm cũ sắp qua mà chưa làm được gì, nếu muốn năm sau thay đổi thì đây là lời khuyên dành cho bạn

13/01/2017 07:23 AM | Sống

Bạn có nhận thấy bạn là một trong 80% những nhân viên buồn chán? Bạn muốn thay đổi, bạn muốn có một cuộc sống màu sắc hơn? Đây là lời khuyên cho bạn.

Theo thống kê của Deloitte’s Shift Index, được đăng tải trên trang thông tin Business Insider vào năm 2010, 80% nhân viên không thỏa mãn với công việc hiện tại. Nghĩa là chỉ có 20% đang thỏa sức với đam mê và mơ ước. Chỉ một con số ít ỏi như vậy, mà họ đã tạo ra một thế giới đầy màu sắc như hiện nay.

Vậy chuyện gì sẽ xảy ra nếu như số lượng người yêu thích công việc hiện tại gia tăng hơn nữa? 40%? 60% hay thậm chí 100%? Bạn có tưởng tượng được lúc đó thế giới trông khác như thế nào không? Câu trả lời nằm trong mỗi người. Theo đuổi ước mơ chính là chìa khóa cho bước chuyển thời đại mới.

Bạn có nhận thấy bạn là một trong 80% những nhân viên buồn chán? Bạn muốn thay đổi, bạn muốn có một cuộc sống màu sắc hơn? Nhưng cảm thấy quá khó khăn để thay đổi, dù là nhỏ nhất.

Hãy tìm hiểu Mô hình Prochaska. Mô hình năm giai đoạn của sự thay đổi được phát triển bởi Giáo sư James O. Prochaska và đồng sự Carlo DiClemente khi hai ông nghiên cứu một trong những thói quen khó thay đổi nhất của con người: chứng nghiện thuốc lá. Được phát triển từ những năm 70 của thế kỷ trước, mô hình Prochaska hiện vẫn được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực để hỗ trợ cho việc thay đổi hành vi con người.

1. Chưa nhận thức

Đây là giai đoạn đầu tiên trong quá trình thay đổi. Trong giai đoạn này, con người chưa nhận thức được sự thay đổi là cần thiết. Họ chối bỏ những hệ quả tiêu cực từ hành vi hiện tại. Đôi khi, họ còn tìm kiếm những lý do phù hợp để bảo vệ cho hành động này. Họ thường bi quan về khả năng thay đổi.

2. Nghiền ngẫm

Ở giai đoạn này, họ đã bắt đầu nhận thức được những lợi ích của sự thay đổi.

Tuy nhiên, họ vẫn chưa hành động. Họ chỉ suy nghĩ những yếu tố liên quan đến việc thay đổi như thời gian, tiền bạc, công sức... Giai đoạn này có thể kéo dài nhiều năm nếu như không có một tác động đủ lớn từ bên ngoài.

Cũng theo nghiên cứu về tâm lý của Tiến sĩ Daniel lo sợ mất mát trong quyết định đây thường là giai đoạn kéo dài nhất trong tiến trình. Vì hầu hết mọi người thường tập trung vào những mất mát hơn là những lợi ích sẽ nhận được khi thay đổi.

3. Chuẩn bị

Trong giai đoạn này, họ bắt đầu có những hoạt động nhỏ chuẩn bị cho sự thay đổi.

Hầu hết mọi người đều nhận định đây là khoảng thời gian đầy khó khăn. Họ liên tiếp bị cám dỗ trở lại thói quen cũ. Để vượt qua giai đoạn này, người thay đổi cần sự hỗ trợ từ người thân, bạn bè. Nếu như đã từng có ý định giảm cân, bạn sẽ cảm thấy điều này dễ hiểu hơn rất nhiều.

Việc nhận thức vấn đề kiểm soát cân nặng không chỉ có ý nghĩa với sắc đẹp mà còn tốt cho sức khỏe đã là một thử thách lớn. Cân nhắc các yếu tố thiệt hơn của sự thay đổi này lại càng không hề dễ dàng.

Thế nhưng, mọi chuyện chẳng thấm vào đâu nếu so sánh với thời điểm bắt đầu hành động. Sự hăng say ban đầu sẽ giảm đi nhanh chóng. Cơn thèm ăn khiến bạn muốn ngấu nghiến tất cả những gì có thể đang ở cạnh. Mọi món ăn đều trở nên quá hấp dẫn, dù thường ngày bạn không bao giờ đụng đến. Những buổi tiệc, những buổi sinh nhật, họp lớp dường như luôn diễn ra vào đúng dịp này khiến quá trình giảm cân càng thêm khó khăn bội phần.

4. Hành động

Trong giai đoạn này, bạn cảm thấy đầy tự hào trước những thành quả vừa đạt được.

Bạn có một cam kết mạnh mẽ hơn với những mục tiêu đã đề ra. Chỉ cần lưu ý là, trong giai đoạn này, kết quả có thể không như bạn kỳ vọng. Điều này thỉnh thoảng dẫn đến tâm lý chán nản, thất vọng. Bạn cần lắng nghe sự hướng dẫn của những người cố vấn có kinh nghiệm để đạt hiệu quả tốt nhất trong quá trình thay đổi.

5. Duy trì

Chúc mừng bạn đã đến bước cuối cùng trong giai đoạn thay đổi.

Trong giai đoạn này, bạn hoàn toàn nhận thức được những lợi ích của việc thay đổi. Bạn cũng thấu hiểu quá trình thay đổi vừa diễn ra. Đây là giai đoạn bạn dễ bị cám dỗ quay trở lại những thói quen cũ do tâm lý chủ quan. Vì vậy, hãy đặt ra những mục tiêu cao hơn để kích thích sự phấn đấu. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tự thưởng cho mình những phần thưởng nhỏ để khích lệ bản thân sau một quá trình nỗ lực.

Nếu như đã từng thay đổi thói quen như chơi một môn thể thao, tập luyện một nhạc cụ hay ăn kiêng giảm cân, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy các giai đoạn của quá trình trên đôi khi hòa lẫn vào nhau không theo một thứ tự cụ thể. Bạn có thể vẫn hoài nghi về quyết định thay đổi dù đã hình thành và duy trì được thói quen mới trong một thời gian dài. Tâm lý này hoàn toàn bình thường. Nó có thể xảy ra với bất kỳ ai.

Trong những tình huống như thế, hãy đánh giá lại những nguyên nhân khiến bạn không muốn tiếp tục. Liệu hoàn cảnh có thay đổi? Hay đây là thời điểm thích hợp để bạn thực hiện một thay đổi khác? Hãy quay trở lại những bước đầu tiên và bắt đầu một quá trình mới.

Trong một vài trường hợp khác, do thiếu các thông tin cần thiết để đánh giá, bạn có thể phải bỏ qua những bước đầu tiên và thực hiện ngay những bước hành động. Đây được gọi là cách thức thử sai. Từng bước, bạn sẽ có thêm thông tin để quay trở lại bước một và bước hai để đánh giá.

Tóm lại, các giai đoạn của quy trình thay đổi là một vòng khép kín.

Môi trường ngoại cảnh luôn thay đổi buộc phải liên tục cân nhắc trước sự thay đổi của bản thân. Hãy nhớ: Giống loài tồn tại lâu nhất không phải là giống loài mạnh nhất hay thông minh nhất, mà là giống loài thích nghi với sự thay đổi tốt nhất.

Yên Nhiên

Cùng chuyên mục
XEM