Nắm cơm 2.000 đồng và những chuyến xe không ngủ: Có một nước Nhật đẹp đến thế mỗi khi động đất đi qua!
Từ người dân thường cho đến các doanh nghiệp lớn, bằng những cách rất riêng của mình, họ đều làm hết mình để hỗ trợ cho người dân vùng khó khăn.
“Chúng tôi đến đây để thể hiện lòng biết ơn đối với những đồng bào đã giúp đỡ chúng tôi trong hoạn nạn 5 năm trước”, một người dân tỉnh Miyagi cho biết.
Những chuyến xe đầy ân tình đến với Kumamoto
Kyohei Yamada, là một người tỉnh Kumamoto, đã đến vùng Ishimaki, tỉnh Miyagi, Nhật Bản để cứu trợ người dân vùng bị động đất cách đây 5 năm. Sau 2 trận động đất với hàng trăm dư chấn vừa qua, dù may mắn hơn rất nhiều người khác là anh không mất mạng, cũng không bị thương, nhưng cuộc sống hiện tại thực sự cũng có rất nhiều khó khăn thiếu thốn.
Các cửa hàng tiện lợi đã bắt đầu mở cửa trở lại nhưng vì giao thông còn chưa thực sự thông suốt nên nguồn hàng chưa có nhiều. Anh và vợ con cùng cha mẹ mình vẫn phải nhường nhau từng miếng ăn, ngụm nước.
Không phải riêng gia đình anh mà hàng trăm nghìn gia đình khác trong tỉnh Kumamoto cũng đang khó khăn như vậy.
Thế nhưng hôm nay khi bước ra khỏi nhà đến khu vực nhận đồ cứu trợ, anh và nhiều người dân Kumamoto đã trào nước mắt khi bắt gặp những chiếc xe tải đến từ vùng Ishimaki, tỉnh Miyagi mang dòng chữ: “Chúng tôi đến từ Miyagi, chúng tôi đến đây để thể hiện lòng biết ơn và muốn bù đắp hỗ trợ cho những người đồng bào đã giúp đỡ chúng tôi trong hoạn nạn 5 năm trước.”
Nhiều người dân Kumamoto nhận cơ man thực phẩm, quần áo mới, thuốc men, nhu yếu phẩm để đảm bảo cuộc sống. Người tỉnh Miyagi đứng ra ngoài đường nhiệt tình nắm tay giải thích với từng người qua lại để mong họ nhận món quà mang tấm lòng của tỉnh Miyagi, nơi đã vô cùng khó khăn vì động đất cách đây 5 năm. Khi đó, những cơn sóng thần cao gần 40 mét đã gần như san phẳng nhiều khu vực ven biển thuộc tỉnh Miyagi và cướp đi sinh mạng, nhà cửa của hàng chục nghìn người.
Ngay sau khi biết thông tin về trận động đất đầu tiên vào ngày thứ Năm tuần trước, anh Kiyoaki Kameyama, người dân vùng Ishimaki, cho biết anh đã không thể ngủ được vì thương cho những người đồng bào của mình.
Ngay lập tức sáng ngày thứ Sáu anh đã bàn bạn với một nhóm bạn bè của mình, họ cùng chung tiền mua ô tô, kêu gọi quyên góp tại địa phương của mình, rất nhiều người đã đến cùng thực phẩm hộp, quần áo mới và tiền. Đến sáng thứ Bẩy (chỉ một ngày sau trận động đất thứ nhất) họ đã bắt đầu lên đường.
Quãng đường lái xe từ tỉnh Miyagi đến Kumamoto lên đến 1.500 cây số, tức là gần bằng chiều dài từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh ở Việt Nam. Khi đi trên xe, những người tham gia trong nhóm cứu trợ phải thay phiên nhau lái xe và ngủ, nhưng họ không muốn nghỉ ngơi quá lâu, bởi họ biết những người đồng bào nơi khó khăn đang chờ. Thật đáng kinh ngạc, họ đã đến nơi chỉ sau hơn 1 ngày rưỡi.
Hàng hóa bán rẻ gấp 10-15 lần so với ngày thường
Bà Maiko Fujita và nhiều người dân Kumamoto đã vô cùng ngạc nhiên khi hôm nay bà đến một số siêu thị Aeon tại Kumamoto và nhận ra có rất nhiều sản phẩm đã giảm giá đến kịch sàn.
Dù ngay từ ban đầu khi các siêu thị và cửa hàng tiện lợi mở cửa sau động đất, họ đã không lợi dụng tình hình để tăng giá hàng hóa, nhưng việc hạ giá sản phẩm đến mức quá thấp khiến người dân không khỏi cảm động. Rất nhiều người đã tranh thủ mua thực phẩm về cho gia đình.
Nhiều mặt hàng thiết yếu bao gồm cơm nắm, cơm hộp, bánh mì được giảm giá đến mức gần như cho không. Tất cả đều là hàng mới, rất ngon, nhiều chủng loại đầy đủ như ngày thường.
Cụ thể, một nắm cơm ngày thường có giá khoảng từ 100 đến 150 yên (20 nghìn đến 30 nghìn đồng) thì hôm nay doanh nghiệp chỉ bán với giá chỉ 10 yên (tức khoảng 2 nghìn đồng Việt Nam).
Cơm hộp ngày thường có giá từ 300 yên đến 500 yên (60 nghìn đến 100 nghìn đồng) đến hôm nay được bán ở giá chỉ 100 yên (khoảng 20 nghìn đồng Việt Nam).
Những hộp cơm tươi mới, đầy đủ dinh dưỡng, ngon lành giá chỉ 20 nghìn đồng (giá giảm chỉ còn bằng 1/3 đến 1/5 so với ngày thường). Ảnh: Sugoi
Một ổ bánh mì ngày thường giá từ 100 đến 200 yên (20 nghìn đến 40 nghìn đồng Việt Nam) được siêu thị Aeon bán với giá chỉ 30 yên (6 nghìn đồng Việt Nam).
Theo chia sẻ của một số người am hiểu về giá cả các sản phẩm trên, giá doanh nghiệp bán hàng như trên thực ra đã nằm dưới cả giá thành. Ví như nắm cơm ngày thường giá 100 yên thì giá thành sản xuất ra nó chưa tính đến lợi nhuận ít nhất cũng 40 – 60 yên.
Chương trình trên là kết quả của sự hợp tác giữa tập đoàn siêu thị Aeon và hãng hàng không JAL để hỗ trợ cho nạn nhân động đất.
Chắc hẳn rất nhiều người sẽ đặt câu hỏi tại sao doanh nghiệp lại bán hàng rẻ như cho mà không cho luôn? Câu trả lời đó chỉ những người sống lâu ở Nhật mới hiểu.
Người Nhật có lòng tự trọng rất cao. Họ không bao giờ muốn nhận không cái gì của người khác. Điều đó cũng lý giải tại sao ở Nhật gần như không có ăn mày ăn xin, vì đơn giản họ không bao giờ chấp nhận hy sinh lòng tự trọng.
Và nó cũng lý giải cho việc ở Nhật thường có rất nhiều những phiên bán hàng từ thiện với giá gần như cho không. Số tiền thu về sẽ không đáng bao nhiêu nhưng nó đảm bảo cho việc người mua không cảm thấy bị tổn thương.
Doanh nghiệp kêu gọi người tiêu dùng mua hàng ủng hộ người dân vùng động đất
Đã rất lâu rồi, hôm qua (ngày 21/4) người ta mới lại thấy vị chủ tịch huyền thoại của một trong những tập đoàn kinh doanh sản phẩm gia dụng lớn nhất nước Nhật Japanet Takata lên truyền hình. Người ta không khỏi hoài nghi về việc ông sẽ nói gì bởi ông đã không còn giữ chức chủ tịch tập đoàn gần 2 năm qua. Không ít người nghĩ ông chuẩn bị thông báo về chiến dịch quảng bá sản phẩm nào đó.
Phát biểu trên kênh truyền hình Tokyo sáng sớm ngày 21/4, ông Akira Takata nói: “Tôi dám chắc rằng phẩn đông trong chúng ta ai cũng đã từng trải qua những giây phút đáng sợ của động đất. Đó có thể là trận động đất Kobe năm 1995, cách đây 21 năm; hoặc đó có thể là trận động đất sóng thần tồi tệ năm 2011 đã lấy đi sinh mạng của gần 20 nghìn người dân nước Nhật. Ai cũng hiểu nó đau thương như thế nào. Chính vì vậy, từ cương vị của một người dân Nhật, một doanh nghiệp Nhật có trách nhiệm, chúng tôi muốn các quý vị hãy cùng chung tay giúp đỡ người dân vùng động đất ở Kumamoto và Oita.”
“Ngay sau khi trận động đất xảy ra, chúng tôi đã gửi rất nhiều sản phẩm hỗ trợ khẩn cấp cho người dân vùng động đất Kumamoto, nhưng chúng tôi hiểu như thế là chưa đủ. Chúng tôi biết sẽ cần nhiều tiền hơn nữa để có thể khôi phục lại Kumamoto.”
Ông Akira Takata cho biết riêng trong ngày 21/4, doanh nghiệp này giảm giá mạnh đối với 5 sản phẩm chủ lực vốn được khách hàng rất ưa chuộng. Toàn bộ doanh thu bán các sản phẩm trên sẽ được dùng để gửi đến người dân vùng động đất. Số liệu cụ thể về doanh thu sẽ được công bố sau 5 ngày nữa.
Ngay sau lời kêu gọi của ông, người dân đã đổ xô đến các cửa hàng thuộc hệ thống của Japanet Takata để mua sạch các mặt hàng trên. Đến chiều thì các cửa hàng đã phải nhập thêm bởi khách hàng mua quá nhiều. Tập đoàn đã gửi lời cảm ơn đến người tiêu dùng vì đã ủng hộ họ trong hoạt động quyên góp cho vùng động đất.
Vậy đó, trong điều kiện bình thường người ta thường có cảm giác người Nhật lạnh lùng, xa cách. Nhưng khi khó khăn mới hiểu được tấm lòng người Nhật đoàn kết, tương thân tương ái như thế nào. Từ người dân thường cho đến các doanh nghiệp lớn, bằng những cách rất riêng của mình, họ đều làm hết mình để hỗ trợ cho người dân vùng khó khăn.