Nằm cách Trái Đất 100 năm ánh sáng, hành tinh này có đầy đủ mọi điều kiện để làm nơi ở mới cho loài người
Việc thực hiện mô phỏng trên máy tính cho thấy, hành tinh mới được phát hiện này có thể được bao phủ trong các đại dương với bầu khí quyển dày đặc và chứa đầy CO2
Vào tháng 4/2018, cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ NASA đã phóng kính viễn vọng không gian Tess, vốn được thiết kế đặc biệt với mục đích phát hiện và theo dõi các hành tinh bên ngoài Hệ Mặt Trời. Ưu tiên của kính viễn vọng này là tìm kiếm các hành tinh có kích thước tương tự Trái Đất và gửi hình ảnh bên ngoài của chúng về cho các nhà khoa học phân tích.
Mới đây nhất, tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Thiên văn học Mỹ, đại diện của NASA đã công bố khám phá về một hành tinh có rất nhiều đặc điểm gần giống Trái Đất nhất, được đặt tên TOI 700 d.
Theo NASA, hành tinh này trên thực tế từng được phát hiện vào đầu năm nay. Tuy nhiên, do một số sai sót trong quá trình phân tích thông số, TOI 700 d đã bị các nhà khoa học phân loại nhầm khi cho rằng hành tinh này lớn hơn và có nhiệt độ bề mặt nóng hơn so với thực tế. Mặc dù vậy, sau một thời gian quan sát tỉ mỉ hơn, các nhà nghiên cứu đã nhận ra tiềm năng sự sống của TOI 700 d.
Kính viễn vọng TESS có sứ mệnh tìm kiếm các ngoại hành tinh có tiềm năng sự sống.
"Khi chúng tôi chỉnh sửa lại thông số của các ngôi sao, kích thước của các hành tinh cũng giảm xuống. Vì thế, chúng tôi đã phát hiện ra TOI 700 d cũng có kích thước gần giống với Trái đất và được liệt vào khu vực có thể ở được. Tiếp đó, chúng tôi sử dụng kính thiên văn vũ trụ Spitzer để xác nhận lại độ chính xác và cho ra kết quả công bố chính thức." – Một nhà nghiên cứu của NASA cho hay.
Được biết, kính viễn vọng Tess đã phát hiện tổng cộng 4 hành tinh có kích cỡ giống Trái Đất. Chúng lần lượt được đặt tên là TOI 700a, b,c,d, quay quanh ngôi sao TOI 700, cách Trái Đất 100 năm ánh sáng. Trong số này, chỉ riêng TOI 700d nằm trong "Vùng Goldilocks", vốn có khoảng cách vừa phải với sao chủ - không quá xa cũng không quá gần, nơi nhiệt độ có thể cho phép sự tồn tại của nước ở dạng lỏng.
Theo NASA, ngôi sao chủ TOI 700 có kích thước khá nhỏ, chỉ bằng 40 % kích thước của Mặt Trời, trong khi nhiệt độ bề mặt chỉ bằng một nửa. Trong khi đó, hành tinh TOI 700d lớn hơn Trái Đất khoảng 20% và quay quanh sao TOI 700 trong chu kỳ 37 ngày. Nó nhận được 86 % năng lượng mà Trái đất nhận được từ Mặt trời. Điểm khác biệt là một phía của hành tinh này luôn có ánh sáng ban ngày.
Việc thực hiện mô phỏng trên máy tính cho thấy, hành tinh TOI 700 d có thể được bao phủ trong các đại dương với bầu khí quyển dày đặc và chứa đầy CO2. Sau công bố này, nhiều nhà thiên văn học sẽ tập trung quan sát TOI 700 d bằng các thiết bị khác để có được dữ liệu đầy đủ nhất có thể.
Đây chính là phát hiện rất thú vị đối với các nhà thiên văn học vì TOI 700 d là một trong số ít các hành tinh có thể có sự sống bên ngoài hệ Mặt Trời và có kích thước tương đương Trái Đất.