MyGo kể về "cơn sóng ngầm" những ngày đầu ra mắt: Một khách hàng đặt tới 1.600 cuốc xe ảo, có cuốc đi từ Hà Nội đến tận Cà Mau, Campuchia

25/07/2019 08:46 AM | Kinh doanh

Chưa kể còn tình trạng các hội nhóm giả danh MyGo, đưa ra các thông tin gây bất lợi cho ứng dụng, làm hoang mang tinh thần tài xế.

Từ sau khi Uber rời Đông Nam Á vào tháng 4/2018, thị trường gọi xe Việt Nam liên tục chứng kiến sự xuất hiện của nhiều tên tuổi mới. Không chỉ cạnh tranh với nhau về các chương trình khuyến mãi cho khách hàng, hay thưởng thu hút tài xế, nhiều ứng dụng còn phải vật lộn với những cơn sóng ngầm phía sau.

Một trong những cơn sóng như vậy mang tên "cuốc xe ảo". Thông thường, cuốc xe ảo xuất hiện khi một vài tài xế, vì muốn trục lợi từ chương trình thưởng của hãng, đã nhờ khách hàng, đồng nghiệp hay chính bản thân họ tự đặt thêm những chuyến đi "ma" để lấy tiền khuyến mãi... Tuy nhiên, khi số lượng cuốc xe ảo gia tăng tràn lan, dày đặc, vấn đề không đơn giản là chiêu trò trục lợi cá nhân mà sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của toàn bộ ứng dụng, thậm chí gây hoang mang trong mạng lưới tài xế.

MyGo kể về cơn sóng ngầm những ngày đầu ra mắt: Một khách hàng đặt tới 1.600 cuốc xe ảo, có cuốc đi từ Hà Nội đến tận Cà Mau, Campuchia - Ảnh 1.

Bà Cao Cẩm Linh, Trưởng phòng truyền thông Viettel Post, đơn vị sở hữu ứng dụng gọi xe MyGo, thừa nhận những ngày đầu xuất hiện, MyGo cũng phải đối mặt với tình trạng các cuốc xe ảo như vậy. Bà Linh cho biết vấn đề này xuất hiện từ ngày 30/6, trước thời điểm MyGo ra mắt chính thức 1 ngày, rồi diễn ra liên tiếp trong 3 ngày sau đó, đến tận 3/7.

"Sau khi thống kê, Viettel Post nhận thấy trung bình một khách ở cùng một vị trí, đặt tới 1.600 cuốc xe ảo. Các chuyến thì rất xa đi từ Hà Nội vào Cà Mau, thậm chí Hà Nội đến Campuchia".

"Lúc đó ban dự án MyGo gồm 15 người, phải quây lại một chỗ với nhau để tìm ra vấn đề. Chúng tôi xác định hoạt động này được thực hiện khá bài bản. Những người bình thường chắc chắn không thể biết thủ thuật đặt cuốc ảo, vậy tại sao lại có quá nhiều cuốc ảo đến như vậy", đại diện Viettel Post trình bày khúc mắc.

"Những người bình thường chắc chắn không thể biết thủ thuật đặt cuốc ảo, vậy tại sao lại có quá nhiều cuốc ảo đến như vậy".

Không chỉ dừng lại ở tình trang các cuốc xe ảo tràn lan, bà Linh cho biết MyGo còn phải đối mặt với tình trạng có "nguyên một bộ phận luôn đặt xe rất nhiều lần nhưng tài xế không nhận được cuốc nào". Cụ thể, khác với cuốc ảo ở trên, những cá nhân này vẫn đặt xe, nhận điện thoại xác nhận từ tài xế nhưng tài xế đến nơi thì họ lại hủy chuyến. Điều này khiến không ít đối tác tài xế hoang mang, lo lắng.

"Để giải quyết, ban dự án của chúng tôi đã lập tức thay đổi thuật toán, đồng thời khóa toàn bộ các cuốc xe đi quá xa. Chúng tôi nghĩ câu chuyện cuốc xe ảo là không ai mong muốn. Để bảo vệ doanh nghiệp, chúng tôi cũng đã gửi thông tin sang phía công an để điều tra", đại diện Viettel Post giãi bày.

Trước câu hỏi có thông báo những sự việc kể trên đến tài xế hay không, bà Linh cho biết mọi phát ngôn đều được Viettel Post suy nghĩ cẩn thận, tránh phán xét bất kỳ một cá nhân hay tổ chức nào. Ngay cả việc có những hội nhóm trên Facebook, tưởng như đăng thông tin ủng hộ MyGo, nhưng trong đó lại có những câu chuyện mang tính chất lôi kéo tẩy chay, Viettel Post cũng biết nhưng đại diện công ty cho rằng đây không phải mối quan tâm chính của họ.

"Chúng tôi xác định giá trị cốt lõi của MyGo là làm sao để đối tác tài xế có một cộng việc ổn định, một nơi làm việc đúng nghĩa. Những tài xế trung thực, tận tình, đáp ứng các điều kiện đề ra về tỷ lệ hủy/nhận chuyến sẽ được ký hợp đồng lao động chính thức, hưởng chế độ bảo hiểm, lương thưởng đầy đủ", bà Linh khẳng định.

Đến nay, sau gần 1 tháng chính thức gia nhập thị trường, MyGo hoàn thành trung bình khoảng 7.000 cuốc xe chuyên chở khách mỗi ngày. Đơn vị vẫn trong giai đoạn chờ đợi cấp phép hoạt động MyGo Car, bên cạnh các dịch vụ bike, taxi, và xe tải, vốn đang được triển khai trên 63 tỉnh thành.

Hồng Lam

Cùng chuyên mục
XEM