Mỹ loại bỏ thiết bị viễn thông xuất xứ Trung Quốc
Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ xác định rằng một số sản phẩm và thiết bị viễn thông đe dọa an ninh quốc gia như Huawei, ZTE và Hikvision sẽ bị tháo dỡ.
Sau Bộ Thương mại Mỹ, Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC), Bộ An ninh nội địa vừa đưa 5 công ty Trung Quốc vào danh sách các nhà cung cấp không đáng tin cậy. Bao gồm Huawei , ZTE Corporation, Hytera Communications Co., Ltd., Hangzhou Hikvision Digital Technology Co., Ltd. và Dahua Technology Co., Ltd.
Lý do được đưa ra là các công ty này đã sản xuất ra những sản phẩm, thiết bị và dịch vụ viễn thông sẽ mang lại "rủi ro không thể chấp nhận được" đối với an ninh quốc gia và an toàn công dân của Mỹ. Một số sản phẩm và dịch vụ viễn thông do các công ty nói trên sản xuất sẽ bị dỡ bỏ tại nước này.
Tính đến thời điểm hiện tại, Huawei, ZTE và các công ty khác chưa phản hồi về vấn đề này. Tuy nhiên, Huawei đã kiện FCC trước đó.
Việc Mỹ đàn áp các công ty Trung Quốc vẫn chưa dừng lại
Theo mô tả của các tài liệu liên quan của Ủy ban Truyền thông Liên bang: “FCC và Bộ An ninh Nội địa đã ban hành danh sách thiết bị, dịch vụ liên lạc được coi là có thể gây ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, dựa trên Đạo luật về mạng truyền thông an toàn và đáng tin cậy năm 2019”.
Cụ thể, Huawei và ZTE sẽ bị cấm vận trong việc “sản xuất hoặc cung cấp thiết bị, dịch vụ viễn thông”. Ba công ty còn lại có phạm vi hạn chế nhỏ hơn trong “mục đích an toàn công cộng, an toàn cơ sở chính phủ, giám sát an toàn vật lý của cơ sở hạ tầng quan trọng”. Song các thiết bị hoặc dịch vụ viễn thông do những công ty này sản xuất hay cung cấp cũng phải được xem xét.
Điều này được hiểu rằng Đạo luật truyền thông an toàn và đáng tin cậy có hiệu lực vào tháng 3/2020 cấm sử dụng trợ cấp liên bang để mua hàng và yếu tố “cấu thành rủi ro an ninh quốc gia” sẽ được xác định bởi FCC. Theo đó, Ủy ban Truyền thông Liên bang sẽ có trách nhiệm lên kế hoạch bồi thường giúp các nhà mạng loại bỏ thiết bị hoặc dịch vụ liên lạc có rủi do bảo mật và chuyển sang thiết bị của nhà cung cấp đáng tin cậy.
Tuyên bố cũng chỉ ra rằng "Người dân Mỹ phụ thuộc vào Internet nhiều hơn bao giờ hết cho các dịch vụ làm việc, trường học và chăm sóc sức khỏe. Vì vậy, chúng tôi phải đảm bảo rằng những thông tin liên lạc này là an toàn và đáng tin cậy".
Huawei từng kiện FCC
Trên thực tế, tình hình giữa các công ty Trung Quốc, bao gồm Huawei, và FCC của Mỹ có mối liên hệ với nhau từ lâu.
Ngay từ ngày 22/11/2019, Ủy ban Truyền thông Liên bang đã nhất trí cấm thiết bị Huawei và ZTE xuất hiện trong các dự án do Quỹ Dịch vụ Chung của FCC (USF) tài trợ. Những quy định về mua thiết bị và dịch vụ từ các công ty liên quan sẽ có hiệu lực ngay sau khi được công bố trong sổ đăng ký Liên bang.
Về vấn đề này, Song Liuping, Giám đốc pháp lý của Huawei vào thời điểm đó, cho biết: “Chỉ vì Huawei là một công ty Trung Quốc, chúng tôi bị cấm và không thể giải quyết bất kỳ vấn đề an ninh mạng nào”.
Ông cũng nói thêm rằng Chủ tịch FCC và các thành viên khác trong Ủy ban không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào để chứng minh cáo buộc Huawei gây ra mối đe dọa an ninh. Kể từ lần đầu tiên FCC đưa ra đề xuất này vào tháng 3/2018, Huawei và các nhà khai thác viễn thông nông thôn của Mỹ đã đệ trình nhiều vòng phản đối, nhưng FCC hoàn toàn phớt lờ.
Ngày 5/12/2019, Huawei nộp một bản cáo trạng lên tòa án, yêu cầu tòa án xác nhận quyết định cấm Huawei tham gia vào các dự án tài trợ trợ cấp liên bang của FCC vi phạm Hiến pháp Mỹ và Luật Tố tụng Hành chính. Gần đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng lên tiếng cho rằng phía Mỹ đang khái quát hóa khái niệm an ninh quốc gia, lạm dụng quyền lực quốc gia để đàn áp các doanh nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc, vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc kinh tế thị trường và cạnh tranh bình đẳng.
Ngoài Mỹ, Anh cũng nói không với Huawei
Cuối tháng 11/2020, chính phủ Anh công bố kế hoạch liên quan đến Huawei, trong đó bao gồm việc cấm mua mới thiết bị 5G của nhà cung cấp này từ tháng 1/2021. Trong khi lệnh cấm hoàn toàn có hiệu lực vào năm 2027, Anh sẽ có lộ trình cụ thể để loại bỏ hoàn toàn các “nhà sản xuất nguy cơ cao” khỏi mạng 5G.
Chính phủ Anh cho biết, quyết định cấm Huawei được đưa ra do lo ngại lệnh cấm vận của Mỹ đối với công ty Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến cung ứng. Giờ đây với việc nhiều sản phẩm và dịch vụ viễn thông xuất xứ Trung Quốc bị loại bỏ tại Mỹ, chắc chắn tiến độ thay thế thiết bị 5G của Anh liên quan đến Huawei sẽ phải được đẩy nhanh.
Ngoài ra, ngay từ đầu năm 2021, các hãng viễn thông Pháp cũng gỡ bỏ thiết bị Huawei khỏi những thành phố lớn sau khi chính phủ quyết định ‘thanh trừng’ nhà sản xuất Trung Quốc tại tất cả khu vực, trừ một số vùng bị cô lập.