Mỹ có ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên không tiếp xúc với nguồn bệnh
CDC nêu rõ ca nhiễm bệnh mới được phát hiện tại bang California này trước đó không có tiếp xúc với bất kỳ bệnh nhân nào nhiễm virus SARS-CoV-2 hay đi tới các nước mà đang có dịch bệnh lây lan.
Ngày 26/2, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) thông báo trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên tại Mỹ không trở về từ vùng dịch, nước ngoài hay có tiếp xúc với người nhiễm bệnh trước đó.
Trong một thông báo, CDC nêu rõ ca nhiễm bệnh mới được phát hiện tại bang California này trước đó không có tiếp xúc với bất kỳ bệnh nhân nào nhiễm virus SARS-CoV-2 hay đi tới các nước mà đang có dịch bệnh lây lan. Hiện vẫn chưa rõ nguồn lây bệnh.
Thông báo này cho thấy dấu hiệu đáng lo ngại về khả năng lây lan dịch bệnh trong cộng đồng tại Mỹ trong thời gian tới.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ đã nâng mức khuyến cáo đi lại đến Hàn Quốc ở mức cao thứ hai, theo đó hối thúc công dân Mỹ cân nhắc ý định tới quốc gia châu Á này xuất phát từ những lo ngại dịch bệnh COVID-19 do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây ra.
Theo trang web của bộ trên, khuyến cáo này đã được nâng từ mức 2 lên mức 3 trong thang cảnh báo gồm 4 mức. Hiện Hàn Quốc đã ghi nhận 1.595 trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó 12 người đã tử vong.
Trước đó, tại cuộc họp báo về COVID-19, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định nguy cơ lây lan dịch bệnh ở Mỹ vẫn thấp và Washington đã sẵn sàng đối phó nếu điều này xảy ra. Ông cũng không loại trừ việc hạn chế đi lại tới Hàn Quốc, Italy, cũng như những nước khác đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh trong tương lai.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ Alex Azar cảnh báo dù virus SARS-CoV-2 đã được kiềm chế tại Mỹ, song tình hình vẫn có thể diễn biến phức tạp. Bộ trưởng Azar nhấn mạnh mức độ nguy hiểm có thể thay đổi nhanh chóng và sẽ có thêm các trường hợp nhiễm bệnh tại Mỹ.
Theo hãng AFP, tính đến ngày 26/2, số ca nhiễm bệnh tại Mỹ là 60 người, trong đó có 45 người được đưa về từ du thuyền Diamond Princess ở Nhật Bản, hoặc Vũ Hán , thành phố hiện đang là tâm dịch ở Trung Quốc.
Bất chấp những rủi ro liên quan đến dịch bệnh, các nhà bán lẻ Mỹ vẫn đưa ra dự báo lạc quan về doanh thu trong năm 2020.
Dựa trên những diễn biến tích cực trên thị trường lao động và lãi suất thấp, vốn giúp nền kinh tế Mỹ phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Hiệp hội Bán lẻ quốc gia Mỹ (NRF) đã dự báo doanh thu trong năm nay sẽ tăng 3,5%-4,1% lên hơn 3.900 tỷ USD.
Chủ tịch NRF Matthew Shay cho rằng dù còn nhiều biến động khó kiểm soát như dịch bệnh hay cuộc bầu cử tổng thống, song về cơ bản kinh tế Mỹ vẫn vững mạnh và người tiêu dùng vẫn là nhân tố chính giúp thúc đẩy tăng trưởng./.