Mỹ, châu Âu, Trung Quốc gặp khó khăn trước đợt hạn hán kỷ lục
Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc đều đang phải gồng mình trước đợt hạn hán chưa từng có trong lịch sử.
Theo hãng tin CNN, nhiều nền kinh tế lớn đang phải đối mặt với thách thức mới trong mùa nắng nóng năm nay, đó là hạn hán.
Mỹ phá cây trồng, bán gia súc
Số liệu của Liên đoàn nông nghiệp Mỹ (AFBF) cho thấy gần ¾ số nông dân nước này chịu ảnh hưởng nặng vì hạn hán năm nay khi sản lượng lẫn thu nhập đều sụt giảm nghiêm trọng. Thậm chí 37% số nông dân Mỹ đã phải hủy cây non vì không đủ nước canh tác, con số này cao hơn 24% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo của Trung tâm thông tin môi trường quốc gia (NCEI) cho thấy đợt nắng nóng năm nay đứng thứ 3 trong lịch sử nước Mỹ và đứng trong top 10 của mọi bang miền Tây Mỹ. Ngay cả Bộ nông nghiệp Mỹ cũng ra cảnh báo về tình hình nắng nóng và hạn hán lịch sử này.
Theo AFBF, ít nhất 60% số cây trồng tại Mỹ đang chịu ảnh hưởng bởi đợt hạn hán trên và tác động của nó đến nền kinh tế sẽ còn kéo dài nhiều năm. Nguyên nhân chính người nông dân phải bán gia súc hay hủy cây trồng sau nhiều năm nuôi dưỡng, trồng trọt do không đủ chi phí duy trì hay nước để canh tác. Hậu quả là Mỹ sẽ thiếu một lượng lớn nông sản vốn cần nhiều năm để tích lũy, gây ảnh hưởng đến thị trường tiêu dùng.
Tại những bang như California, có đến 50% nông dân cho biết đã phải hủy bỏ cây trồng của mình do không đủ nước canh tác và họ chưa biết tương lai sẽ ra sao. Xin được nhắc California cung ứng đến 80% hạt hạnh đào trên thế giới.
Ở Texas, các trang trại cũng phải bán tháo đàn bò chưa đủ tuổi vì hạn hán khiến đồng cỏ chết khô và thiếu nước.
Xin được nhắc lại tình trạng hạn hán diễn ra trong bối cảnh người nông dân Mỹ chịu nhiều áp lực do giá xăng cao, thiếu phân bón cùng lạm phát tăng mạnh. Dù giá xăng giảm nhẹ thời gian gần đây nhưng vẫn ở mức cao, trong khi chi phí phân bón cùng nhiều thứ khác thì vẫn quá đắt đỏ.
Theo AFBF, giá nhiều mặt hàng như thịt, hoa quả, rau xanh hay hạt khô có thể sẽ tăng giá vì nguồn cung bị ảnh hưởng do hạn hán. Số liệu của Tổng cục thống kê lao động (BLS) cho thấy chỉ số giá tiêu dùng mặt hàng hoa quả, rau xanh trong tháng 8/2022 đã tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước.
Anh cấm dùng nước
Theo hãng tin CNBC, nền kinh tế Anh đang trải qua quãng thời gian vô cùng khó khăn. Số liệu của Tổng cục thống kê Anh (ONS) cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2022 đã lên tới 10,1%, mức đỉnh hơn 40 năm mới.
Tồi tệ hơn, tình hình hạn hán và nắng nóng càng làm cuộc sống của người dân Anh trở nên khổ sở. Mới đây Sở nước sông Thames đã tuyên bố sẽ ban hành lệnh hạn chế sử dụng nước tại thủ đô London cũng như khu vực đồng bằng sông Thames vào tuần tới.
Cụ thể, lệnh hạn chế dùng nước sẽ bắt đầu được áp dụng từ ngày 24/8, các hộ gia đình được khuyến cáo không dùng nước để rửa xe, tưới vườn, lau kính hay đổ đầy bể bơi. Bất cứ trường hợp nào vi phạm sẽ bị phạt lên đến 1.000 Bảng Anh.
Phía Sở nước sống Thames cho biết đợt hạn hán này là tồi tệ nhất kể từ năm 2005 và khiến hệ thống cung ứng nước cho nhiều khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trong tháng vừa qua, Anh đã hứng chịu tình trạng nắng nóng kỷ lục khi nhiệt độ bình quân vượt 40 độ C lần đầu tiên trong lịch sử.
Không riêng gì Anh, Trung tâm nghiên cứu JRC của Liên minh Châu Âu (EU) cũng cho biết tình trạng nắng nóng đi kèm hạn hán đang diễn biến vô cùng nghiêm trọng và ngày càng tồi tệ hơn.
Trung Quốc tạo mưa
Theo hãng tin CNN, tình hình hạn hán và nắng nóng kéo dài đã buộc Trung Quốc quyết định bắn tên lửa đem theo những hạt bạc iodua để tạo thêm mây và mưa nhân tạo cho vùng đồng bằng sông Yangtze. Trận nắng nóng và hạn hán năm nay được đánh giá là tồi tệ nhất trong lịch sử do biến đổi khí hậu.
Tỉnh Hubei là một trong những khu vực mới nhất tuyên bố sẽ dùng biện pháp này để tạo mưa trong bối cảnh nắng nóng và thiếu nước.
Trên thực tế, biện pháp này đã được thế giới thực hiện từ thập niên 1940 và hiện Trung Quốc là một trong những nền kinh tế có chương trình tạo mưa nhân thuộc hàng khủng trên toàn cầu. Trong kỳ Thế vận hội Olympic 2008, Trung Quốc đã tạo mưa nhân tạo sớm nhằm đảm bảo thời tiết khô ráo, trời quang mây tạnh trước lễ khai mạc.
Quay trở lại tỉnh Hubei, ít nhất 4,2 triệu người trong khu vực này đã chịu ảnh hưởng vì hạn hán từ tháng 6/2022. Hơn 150.000 người dân địa phương đã gặp khí khi tìm kiếm nguồn nước uống và gần 400.000 ha đã bị hủy hoại vì nắng nóng kèm hạn hán.
Theo CNN, sông Yangtze chỉ là một trong số hàng loạt những con sông đang khô héo dần vì nhiệt độ tăng cao và mùa mưa ít nước do ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu.
Trung tâm khí hậu quốc gia (NCC) cho biết Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với đợt nắng nóng gay gắt chưa từng có trong nhiều năm. Tính đến ngày 15/8/2022, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã phải trải qua 64 ngày nắng nóng, mức kỷ lục hơn 6 thập niên qua kể từ khi số liệu được ghi nhận vào năm 1961.
Phía NCC cảnh báo đợt nắng nóng này sẽ mạnh nhất trong lịch sử và sẽ kéo dài trong thời gian tới.
Kể từ khi NCC thu thập dữ liệu, đây là lần đầu tiên có nhiều thành phố có mức nhiệt độ bình quân vượt 40 độ C đến như vậy.
*Nguồn: CNN, CNBC