Muôn vẻ chơi chiêu của Evergrande: “Ảo thuật” niêm yết cổ phiếu, tiền chảy vào túi sếp lớn, mượn danh “sản xuất ô tô” để vay tứ phương, dù chưa bán được chiếc xe nào!

23/09/2021 08:30 AM | Kinh doanh

Chưa từng bán được ô tô trước đó, Tập đoàn Evergrande tạo ra nhà sản xuất ô tô giá trị nhất Trung Quốc, rồi sau đó biến nó trở thành đòn bẩy tài chính khổng lồ, cho đến khi mọi thứ vượt quá tầm kiểm soát...

Tranh thủ "mua thấp bán cao"

Giá trị thị trường của Tập đoàn xe năng lượng mới Evergrande của Trung Quốc (Evergrande Auto) có lúc đã tăng vọt lên tới 86,6 tỷ USD, gấp đôi so với công ty mẹ của Evergrande và đưa nó trở thành công ty ô tô niêm yết giá trị nhất ở Trung Quốc. Bất chấp việc chưa bán được một chiếc xe nào.

Nhưng mọi việc đã thay đổi nhanh chóng, Evergrande Auto hiện được còn được định giá khoảng 4% so với đỉnh điểm.

Những người hưởng lợi nhiều nhất trong giai đoạn này là người sáng lập công ty Hui Ka Yan và một số cộng sự. Được biết, một trong số họ đã mua 80 triệu cổ phiếu của Tập đoàn Công nghiệp Y tế Evergrande - tiền thân của Evergrande Auto với giá 30 đô la Hồng Kông (HKD) và bán toàn bộ với mức giá 50 HKD, lợi nhuận thu về 4 tỷ HKD (513,6 triệu USD).

Giá cổ phiếu của Evergrande Health tăng vọt một phần là do cổ phiếu của công ty này tập trung vào tay tương đối ít cổ đông. Vào ngày 9 tháng 8 năm 2020, công ty đã nhận được cảnh báo từ Ủy ban Chứng khoán và Hợp đồng tương lai của Hồng Kông (SFC) về sự tập trung này. Phát hiện của SFC cho thấy tính đến ngày 5 tháng 8 năm 2020, chỉ có 5,18% cổ phần của Evergrande thuộc sở hữu của các cổ đông khác.

Mục đích chính của Evergrande Auto là huy động vốn cho Tập đoàn Evergrande. Tập đoàn Evergrande tuyên bố rằng họ đã đầu tư 47,4 tỷ nhân dân tệ vào hoạt động kinh doanh ô tô, nhưng một số nhà phân tích tin rằng phần lớn khoản đầu tư đó đến từ thị trường chứ không phải bản thân Tập đoàn Evergrande.

Thủ thuật tinh vi của Evergrande : Ảo thuật niêm yết cổ phiếu, lãnh đạo bỏ túi hàng trăm triệu đô la, mượn danh nghĩa sản xuất ô tô tạo đòn bẩy huy động tài chính, hào phóng trả cổ tức cao dẫn dụ nhà đầu tư xuống tiền - Ảnh 1.

Đòn bẩy huy động tiền và niềm tin "quá lớn để thất bại"

Evergrande Auto đã huy động được 30 tỷ Nhân dân tệ chỉ sau hai vòng, chủ yếu từ tiền của nhà đầu tư nên giá trị thị trường của nó đã tăng nóng. Và Evergrande Auto sử dụng chúng làm tài sản thế chấp để huy động nhiều tiền hơn nữa.

Sau khi thành lập Evergrande Auto, Tập đoàn Evergrande lại không tập trung đầu tư sản xuất ô tô mà tiếp tục loay hoay với các thương vụ mua bán khác.

Một trong những thương vụ đình đám là thỏa thuận nắm giữ 51% cổ phần của Fangchebao Group. Evergrande đã thu hút Fangchebao bằng cách hứa hẹn cơ hội niêm yết cổ phiếu. Evergrande đã bỏ 1 tỷ nhân dân tệ (154,6 triệu USD) để trang trải chi phí cải tạo cửa hàng và tích hợp hệ thống.

Ngày 29/3/2021, Fangchebao đã thu hút thêm 17 nhà đầu tư chiến lược và đưa giá trị của Fangchebao lên 21 tỉ USD. Tập đoàn Evergrande đã bán 651 triệu cổ phiếu hiện có cho các nhà đầu tư trong giai đoạn này. Bằng thủ thuật này, Evergrande đã bỏ túi 1,05 tỉ USD từ việc bán cổ phần của mình.

Tập đoàn Evergrande làm cách nào để lôi kéo các nhà đầu tư mua vào thương vụ Fangchebao? Bí mật chính là lời hứa mua lại. Nếu Fangchebao không niêm yết trong vòng một năm, Tập đoàn Evergrande sẽ mua lại cổ phiếu của nhà đầu tư với giá cao hơn 15% so với giá thị trường. Nhiều cổ đông đã mua cổ phiếu của Fangchebao vì họ tin rằng Evergrande "quá lớn để thất bại".

Thủ thuật tinh vi của Evergrande : Ảo thuật niêm yết cổ phiếu, lãnh đạo bỏ túi hàng trăm triệu đô la, mượn danh nghĩa sản xuất ô tô tạo đòn bẩy huy động tài chính, hào phóng trả cổ tức cao dẫn dụ nhà đầu tư xuống tiền - Ảnh 2.

Tiền chảy vào túi riêng

Ý định cuối cùng của Evergrande là giành được nhiều thị trường hơn dưới chiêu bài sản xuất ô tô, và sau đó sử dụng quy mô của nó để kiếm tiền.

Tập đoàn Evergrande tỏ ra hào phóng với các nhà đầu tư của mình. Từ năm 2011 đến năm 2020, công ty trả cổ tức hàng năm. Tổng số tiền đã giải ngân vượt quá 114,2 tỷ nhân dân tệ, với tỷ lệ chi trả cổ tức được duy trì ở mức 50%, cao hơn nhiều so với các doanh nghiệp bất động sản khác của Trung Quốc.

Nhưng những khoản cổ tức hào phóng này đã được trả cho ai? Tính đến tháng 6/2021, chủ tịch Hui, bạn bè thân cận và người thân của họ nắm giữ 76,7% cổ phần Evergrande. Nói cách khác, 53 tỷ nhân dân tệ trong tổng số 69 tỷ nhân dân tệ mà Evergrande đã trả cổ tức kể từ khi niêm yết cuối cùng đã vào túi của Hui và gia đình.

Với sự sụt giảm của giá nhà ở và việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thực hiện chính sách "ba lằn ranh đỏ" thì các "thủ thuật tài chính" không còn là liều thuốc chữa bách bệnh cho chi phí hoạt động ngày càng tăng của Evergrande. Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra !


Ngọc Đức

Cùng chuyên mục
XEM