Muốn thoát cảnh mãi 'bán thân' với lương vài triệu như lời khuyên của shark Hưng, người trẻ mới ra trường lương 7-10 triệu có thể làm giàu bằng 3 cách

20/01/2020 07:14 AM | Kinh doanh

Nếu chúng ta chỉ kiếm tiền bằng tiền công, tiền lương, dùng sức lao động, thời gian, có thể cao hơn chút nữa là dùng trí tuệ để kiếm tiền. Thì đây là cách kiếm tiền sơ đẳng nhất hay nói đùa là "bán thân".

Muốn giàu không thể "bán thân" với mức lương vài triệu

Quan điểm làm quen với tiền bạc, tiết kiệm và đầu tư càng sớm càng tốt vốn đã từng được nhiều tỷ phú tự thân trên thế giới chia sẻ. Nhưng trên thực tế nhiều người thường cho rằng tuổi trẻ cần chi tiêu, hưởng thụ thay vì cần phải tiết kiệm hay đầu tư.

"Nếu các bạn nghĩ như vậy thì các bạn sẽ hối tiếc về sau vì mất đi khoảng thời gian quý giá. Các bạn bắt đầu sớm khi có tuổi rồi, kể cả khi ngoài 30 tuổi chúng ta đã bắt đầu cảm thấy ân hận vì không thực hiện sớm hơn", shark Phạm Thanh Hưng chia sẻ trong một chương trình talkshow cách đây không lâu.

Theo vị shark này, việc bắt đầu tiết kiệm không bao giờ là muộn nhưng cũng không bao giờ là quá sớm. Điều cần làm là ngay lập tức thay đổi tư duy về tiết kiệm, đầu tư. Thường người trẻ sẽ suy nghĩ rằng mình còn quá trẻ, còn cả quãng thời gian dài trước mắt.

Không chỉ đưa ra lời khuyên về tiết kiệm, shark Hưng cho rằng trong cuộc sống, thu nhập của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào cách chúng ta kiếm tiền.

"Nếu chúng ta chỉ kiếm tiền bằng tiền công, tiền lương, dùng sức lao động, thời gian, có thể cao hơn chút nữa là dùng trí tuệ để kiếm tiền. Thì đây là cách kiếm tiền sơ đẳng nhất, chúng ta nói đùa là "bán thân". Có thể là thời gian, trí tuệ, sức lực. Nhưng nếu dùng công cụ là tiền, dùng người khác làm thuê cho mình thì đó là đang tận dùng sức tiền để tạo ra thu nhập của mình", cá mập CenGroup cho biết.

Ông cũng đưa ra dẫn chứng thống kê cho thấy có 22% những người ở tầng lớp thu nhập trung, thượng lưu trên thế giới bằng tiết kiệm. Thế nên khi bạn biết cách tiết kiệm, biết cách dùng tiền tiết kiệm để đầu tư thì bạn sẽ rất nhanh chóng ở một lứa tuổi rất trẻ nhưng có thể vượt qua được bẫy đi làm thuê.

"Tôi mong muốn ở lứa tuổi càng sớm càng tốt các bạn đạt được trạng thái cân bằng giữa thu nhập từ hoạt động đầu tư và thu nhập từ tiền công tiền lương, sức lực của mình. Nếu các bạn đạt được điều này ở lứa tuổi 35 thì chúc mừng bạn. Bạn có sức khỏe tài chính rất tốt. Các bạn cứ tích lũy rồi đầu tư thì thu nhập từ tích lũy, đầu tư sẽ dần thay thế thu nhập từ tiền công tiền lương", shark Hưng khẳng định.

Muốn thoát cảnh mãi bán thân với lương vài triệu như lời khuyên của shark Hưng, người trẻ mới ra trường lương 7-10 triệu có thể làm giàu bằng 3 cách - Ảnh 1.

Cách tiết kiệm đầu tư khi thu nhập 7-10 triệu đồng

Vậy câu hỏi đặt ra là ở vị trí của người trẻ vừa ra trường đi làm, thu nhập từ 7-10 triệu đồng, làm sao để vừa chi tiêu, vừa tiết kiệm, vừa đầu tư. Đây cũng là nỗi niềm của nhiều người trẻ thường gửi tới cho chuyên gia marketing Thái Phạm. Anh hiện là người sáng lập cộng đồng đầu tư thịnh vượng HappyLive. Chuyên gia này cho rằng điều này hoàn toàn có thể làm được dù số tiền thu nhập hàng tháng tương đối khiêm tốn.

Bài toán được Thái Phạm đưa ra là người trẻ có mức thu nhập phổ biến ở mức 7-10 triệu đồng và giả sử tiết kiệm được một khoản vốn ban đầu 100 triệu đồng, tương đương khoảng 5.000 USD. Theo anh có 3 bước để bắt đầu tiến hành đầu tư.

Điều đầu tiên cần trả hết tất cả các khoản nợ

Nợ là một trong những thứ rất khủng khiếp và tác động ghê gớm đến cuộc sống chúng ta. Tuy nhiên Thái Phạm cũng phân tích rõ nợ cũng có 2 loại: Nợ tốt và Nợ xấu.

Ví dụ nợ tốt là khi bạn vay ngân hàng với lãi suất 7-10%/năm và đem khoản tiền này đầu tư thu về lợi nhuận khoảng 20% có thể từ các kênh như đầu tư chứng khoán, bất động sản cho thuê, đầu tư vào công ty. Thì đây là nợ tốt do bạn vay với chi phí vốn thấp hơn phần lợi nhuận sinh lời.

Nợ xấu là những khoản nợ tiêu dùng , vay tín chấp. Lãi suất những khoản vay tiêu dùng này thường ở mức trên 24%/năm. Khi bạn vay với lãi suất này thì sau 3 năm số nợ của bạn sẽ tăng gấp đôi.

Biến đầu tư thành tính cách

Bước thứ 2 được Thái Phạm đưa ra sau khi trả hết nợ chính là dồn toàn bộ các khoản tiền tiết kiệm vào đầu tư, liên tục biến nó thành tính cách của mình. Tỷ phú Lý Gia Thành từng đưa ra lời khuyên dạy cách chúng ta kiếm được nhà, xe trong 5 năm tới bằng cách thu nhập thành 5 phần: Chi tiêu cho bản thân (ăn uống, vui chơi), chi cho học tập, chi cho bạn bè/giao tế, đi du lịch, đầu tư.

Thái Phạm cho rằng thường mọi người có thói quen rất xấu là sau khi chi hết cho 4 khoản đầu tiên thì mới xác định số tiền đầu tư. Điều này là không đúng bởi khi bạn làm như vậy thì phần tiền cho đầu tư của bạn dù là con số nhỏ nhưng cũng không có bất cứ cam kết nào.

Lời khuyên của anh là hãy làm ngược lại, nghĩa là ngay sau khi nhận lương hãy dành tối thiểu 15-20% lương cho đầu tư. Ví dụ thu nhập của bạn là 10 triệu đồng hãy dành 2 triệu cho đầu tư và 8 triệu còn lại chi cho bản thân, học tập, cho bạn bè, cho du lịch. Hoặc giả sử thu nhập của bạn là 8 triệu hãy ngay lập tức dành 1,6 triệu cho đầu tư. Chuyên gia này tin rằng khi bạn đã cam kết đầu tư thì bạn sẽ xoay xở tốt với số tiền còn lại.

Một câu chuyện khác được Thái Phạm minh hoạ cho thói quen này là về thái độ của Warren Buffett với một đồng xu. Một hôm vị tỷ phú này đi thang máy để lên một toà nhà văn phòng. Trong thang máy có một đồng xu rơi ra và không có bất kỳ người làm công nào cúi xuống nhặt nó. Warren Buffett đợi mọi người đi ra, nhặt đồng xu lên và nói đây là khởi điểm đầu tiên của 1 tỷ USD tiếp theo. Câu chuyện này có thể là thêu dệt nhưng nói lên một điều rằng 1 tỷ USD đầu tiên luôn xuất phát từ những đồng tiền đầu tư đầu tiên.

Đừng quên lạm phát

Bất kỳ ai đầu tư luôn ghi nhớ đến yếu tố lạm phát. Thái Phạm thậm chí còn cho rằng đây là con quái vật khổng lồ nuốt hết tài sản của bạn. Thông thường bố mẹ hay khuyên con mua vàng hay gửi tiết kiệm ngân hàng tuy nhiên khi lạm phát thực ở mức 6-7% như hiện nay thì việc tiết kiệm tiền thụ động thậm chí còn khiến tài sản của bạn giảm giá trị lớn qua nhiều năm. Lời khuyên của chuyên gia này là hãy chủ động đầu tư vào cổ phiếu, chứng khoán hay bất động sản.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM