Muốn nhảy việc khi đã đi làm hơn 10 năm, có nhiều kinh nghiệm: Đừng để những "rào cản" này khiến bạn không dám tiến bước

20/08/2018 20:49 PM | Sống

Đây là những quan điểm sai lầm ngăn cản những người đã gắn bó với một công việc quá nhiều năm đi tìm một "bầu trời mới".

Dù ở bất kỳ lứa tuổi nào, việc làm cũng luôn là vấn đề khiến chúng ta trăn trở. Bạn có thể mới ra trường nhưng bạn cũng có thể đã ngồi ở một vị trí nào đó đến 10 năm liền. Bạn có kinh nghiệm, có mạng lưới quan hệ cũng như những thành tích khiến người khác ngưỡng mộ. Nhưng ngay lúc này bạn lại muốn thay đổi công việc, tìm đến một chân trời mới.

Nhưng bạn lo sợ, e ngại!

Bạn sợ rằng nhà tuyển dụng sẽ chê bạn quá già, hay lương bạn đề xuất quá cao. Bạn cũng biết rằng có rất nhiều người trẻ đang chờ cơ hội này giống bạn và bạn sợ mình không nhanh nhẹn bằng. Có rất nhiều lý do cho việc trì hoãn này và chúng hoàn toàn có thể thông cảm được. Nhưng đồng thời, bạn cũng nên biết, dù đã 40 thì thay đổi công việc vẫn có thể, nhất là khi bạn đã muốn.

Thay vì những lo ngại ban đầu, bạn nên thay đổi cách suy nghĩ về vấn đề để thấy được mặt tích cực hơn. Dưới đây là 7 rào cản phổ biến nhất và cũng dễ “hóa giải” nhất:

Sai lầm 1: “Tôi đã quá già, không nơi nào muốn thuê nữa”

 Muốn nhảy việc khi đã đi làm hơn 10 năm, có nhiều kinh nghiệm: Đừng để những rào cản này khiến bạn không dám tiến bước  - Ảnh 1.

40 tuổi, tức là bạn đã có hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực của mình. Bạn có thể không phải một chuyên gia xuất sắc nhưng bạn có để đem lại những giá trị thiết thực cho vị trí đó. Nếu bạn tự tin với năng lực chuyên môn của mình, hãy mạnh dạn ghi rõ vào bản lý lịch cũng như thư xin việc, khẳng định mình có thể đáp ứng mọi yêu cầu cho vị trí mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm.

Sai lầm 2: “Dựa vào các mối quan hệ là cách duy nhất để có việc mới”

Ngày nay, việc tìm kiếm những thông tin tuyển dụng đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều khi nhà tuyển dụng công khai chúng trên mạng xã hội, quảng cáo hay những trung tâm môi giới. Bạn có thể có quan hệ nhưng chúng không thể rộng và phong phú như khi tìm kiếm trên internet. Nếu biết sử dụng một cách thông minh, tích cực thì bạn không hề thiếu thông tin việc làm phù hợp đâu.

Sai lầm 3: “Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá ứng viên trẻ tuổi hơn”

Không có một minh chứng nào cho thấy mối liên quan giữa tuổi tác và năng suất làm việc. Ai cũng có thể sáng tạo, dẫn dắt, hoàn thành công việc với năng suất cao và quy trình chặt chẽ. Điều đó phụ thuộc vào năng lực của cá nhân bạn, quan trọng là phát huy được điều đó để đem lại lợi ích cho công ty.

Sai lầm 4: “Tôi không cảm thấy vui vẻ khi làm công việc nhẹ nhàng hơn”

Nhiều người trong chúng ta bắt đầu công việc từ rất sớm, suôn sẻ đạt đến một vị trí mà chúng ta chưa từng nghĩ đến. Một số khác thì đơn giản là chỉ muốn bắt đầu lại từ đầu và tận dụng nguồn tài chính mà chúng ta tích lũy được từ trước để làm thứ gì đó ‘của riêng mình’. Một số khác nữa thì vì những lý do như gia đình hay sức khỏe mà phải thay đổi công việc ở tuổi 40. Dù ở bất kỳ vị trí nào, thấp hay cao, dù công việc yêu cầu ít trách nhiệm hơn thì bạn cũng vẫn nên chấp nhận, chỉ cần vị trí đó còn mang lại giá trị nào đó mà bạn cảm thấy xứng đáng.

Sai lầm 5: “Tôi không thích bị giám sát bởi những người trẻ hơn”

Khi bạn hiểu rõ công việc của mình và những giá trị mà nó có thể mang lại thì tuổi tác sẽ không còn là vấn đề nữa. Đặc biệt là khi làm những công việc chung, đòi hỏi tinh thần hợp tác đồng đội.

Sai lầm 6: “Chủ lao động sẽ không chấp nhận mức lương tôi đề xuất”

Những nhân viên có nhiều năm kinh nghiệm có lợi thế ở tuổi nghề, kết hợp với những nhu cầu của thị trường về vị trí của bạn và khả năng chuyên môn thực sự của bản thân, chỉ cần chứng minh được những điều đó thì bạn hoàn toàn có thể thuyết phục chủ lao động một mức lương xứng đáng.

Sai lầm 7: “Đã quá muộn để rẽ một con đường nghề nghiệp hoàn toàn khác”

 Muốn nhảy việc khi đã đi làm hơn 10 năm, có nhiều kinh nghiệm: Đừng để những rào cản này khiến bạn không dám tiến bước  - Ảnh 2.

Luôn có thời gian cho bạn tìm hiểu một lĩnh vực mới hay học hỏi một kỹ năng chưa biết. Bạn có đủ kinh nghiệm để biết đâu là lúc phù hợp để thay đổi. Điều quan trọng nhất khi rẽ ngang một con đường nghề nghiệp khác là luôn giữ được sự nhanh nhẹn và khiêm tốn, không tự mãn. Hãy tiếp tục tìm tòi. Tiếp tục thử thách và mạo hiểm. Thể hiện sự cầu tiến của bản thân và bạn sẽ nhận được những cơ hội mới.

Theo Minh An

Cùng chuyên mục
XEM