Muôn “nẻo đường” phạm tội trong lĩnh vực ngân hàng - Bài 1: Những “nguy cơ” từ nội bộ
Tình hình vi phạm và phạm tội trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng đã và đang có diễn biến phức tạp với tính chất ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại không nhỏ về tài chính và nhân lực…
Điều này làm giảm hiệu lực quản lý Nhà nước và gây ra những hậu quả nặng nề về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Theo các chuyên gia, hoạt động tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng diễn ra rất phức tạp, với tính chất, quy mô, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt và có chiều hướng ngày càng gia tăng. Đối tượng phạm tội thường che giấu hành vi phạm tội, tiêu huỷ chứng cứ, dùng nhiều thủ đoạn khác nhau để đối phó với các cơ quan quản lý, cơ quan tiến hành tố tụng, gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp về nguyên nhân chính dẫn đến tình hình vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng gia tăng, các chuyên gia cho rằng, do cách thu thập thông tin trong hoạt động cho vay của một số ngân hàng còn thiếu chặt chẽ; chấm điểm tín dụng vẫn dựa vào nhiều thông tin về tài sản thế chấp do khách hàng cung cấp, thiếu kiểm chứng; việc kiểm tra, kiểm soát của ngân hàng có rất nhiều sơ hở, lỏng lẻo, không kịp thời phát hiện được những tồn tại, hạn chế trong quy trình hoạt động và các hành vi vi phạm pháp luật, từ đó tạo ra kẽ hở về cơ chế, chính sách để những người làm việc trong ngân hàng lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật… khiến nợ xấu trong ngân hàng cao, thậm chí một số khoản cho vay có nguy cơ mất trắng do không có khả năng trả hoặc không có tài sản bảo đảm để thu hồi.
Do vậy, việc nhận diện đúng tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng cũng như các tình tiết liên quan có ý nghĩa rất quan trọng trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và phòng chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng. Trong loạt bài này, Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ dẫn chứng, phân tích một số vụ án cụ thể để độc giả thấy rõ những hành vi, thủ đoạn lừa đảo thường dùng của nhóm tội phạm này.
Nguy cơ từ nội bộ ngân hàng
Những năm qua, rất nhiều vụ án lừa đảo, “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” từ nội bộ các tổ chức tín dụng đã để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, bởi theo nhận định của các chuyên gia, các nhân viên, cán bộ tại các tổ chức tín dụng là những người hiểu rõ nhất hệ thống quản trị nội bộ và các chốt kiểm soát được thiết lập, hoạt động ra sao, từ đó lợi dụng sơ hở trong quản lý, kiểm tra của tổ chức tín dụng để chiếm đoạt tài sản.
Trong nhóm hành vi này, phải kể đến đầu tiên là hành vi chi lãi suất ngoài trái quy định để chiếm đoạt tài sản, tiêu biểu là trong vụ án tại OceanBank, Hà Văn Thắm đã lạm dụng chức vụ quyền hạn, ra chủ trương chi lãi suất ngoài trong toàn bộ hệ thống OceanBank với tổng số hơn 1.500 tỷ đồng tiền lãi ngoài. Một loạt cán bộ chủ chốt của ngân hàng này đã thực hiện theo chỉ đạo của Hà Văn Thắm và lần lượt phải đứng trước vành móng ngựa do những sai phạm của mình.
Tiếp đó, tồn tại khá phổ biến là các hành vi thực hiện không đúng các quy trình về mở, thanh toán tài khoản (sổ tiết kiệm) của khách hàng để chiếm đoạt tài sản như: Lập chứng từ giả, giả chữ ký của khách hàng để làm thủ tục tất toán, chuyển tiền từ sổ tiết kiệm của khách hàng; đóng sớm tài khoản tiền gửi của khách hàng, lấy sổ tiết kiệm khác thay thế; nhận tiền gửi nhưng không nhập quỹ, sau đó phát hành số tiền gửi nhỏ để hợp thức sổ tiết kiệm đã cấp cho khách hàng; cho khách hàng ký khống các giấy nhận nợ, lệnh chi tiền sau đó sử dụng các chứng từ này để lập khống nội dung giấy nhận nợ, lệnh chi tiền đề nghị tổ chức tín dụng giải ngân tiền vay cho khách hàng đã ký hợp đồng tín dụng; sử dụng thẻ lưu tiết kiệm của khách hàng, giả chữ ký của khách hàng lập hồ sơ cầm cố vay vốn…
Điển hình như vụ Phạm Kim Ngân (Phó trưởng phòng Kế toán kiêm giao dịch viên tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Agribank, Chi nhánh Cốc Lếu, tỉnh Lào Cai).
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, thấy loại hình gửi tiết kiệm linh hoạt có nhiều sơ hở nên Ngân nảy sinh ý định lập chứng từ giả để rút tiền tiết kiệm của khách hàng. Từ ngày 4/12/2015 đến ngày 31/10/2016, với phương thức lập giả chứng từ đề nghị rút tiền tiết kiệm của khách hàng, Ngân rút hơn 4,2 tỷ đồng từ sổ tiết kiệm của khách hàng và chiếm đoạt.
Hay trong vụ Trịnh Thị Thu Ân (nhân viên một ngân hàng cổ phần - Chi nhánh Quảng Ninh), do cần tiền trả nợ, Ân nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của ngân hàng bằng cách nói dối kiểm soát viên, thủ quỹ của ngân hàng Chi nhánh Quảng Ninh là khách hàng mà Ân chăm sóc “bận không thể đến ngân hàng rút tiền” mà nhờ Ân làm thủ tục rút hộ, rồi mang tiền đến nhà giao cho khách hàng và ký chứng từ chuyển lại sau.
Do tin tưởng Ân nên kiểm soát viên, thủ quỹ đã đồng ý ký chứng từ, giải ngân, đưa tiền cho Ân. Để hoàn thiện các thủ tục trên chứng từ, Ân đã giả chữ ký, chữ viết của khách hàng hoặc lừa khách hàng ký vào chứng từ. Lợi dụng các khách hàng rút tiền đều sử dụng dịch vụ tiết kiệm linh động (mỗi lần rút tiền khách hàng không cần nộp lại số gốc mà chỉ ghi thông tin điều chỉnh lên sổ rồi phô tô nộp cho ngân hàng), Ân mượn sổ tiết kiệm của khách hàng phô tô lại, sau đó ghi thông tin điều chỉnh số tiền rút lên bản phô tô và phô tô lại một lần nữa để nộp lưu.
Đối với các khách hàng có đăng ký dịch vụ SMS, Ân cố tình đổi số điện thoại của họ trên hệ thống giao dịch để khách hàng không nhận được tin nhắn thông báo về việc bị rút tiền. Với phương thức, thủ đoạn này, từ năm 2013 đến tháng 1/2017, Ân đã rút và chiếm đoạt tiền trong sổ tiết kiệm của 7 khách hàng với tổng số tiền hơn 13,6 tỷ đồng.
Thủ đoạn tinh vi
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp về vụ án này, luật gia Lê Bá Thái Quỳnh – Chi nhánh Công ty Luật TNHH KPMG tại Hà Nội cho rằng, đây là vụ án điển hình trong việc một số cán bộ ngân hàng lợi dụng quy định về chăm sóc đối với khách hàng VIP (khách hàng có quan hệ tín dụng thường xuyên, uy tín với tổ chức tín dụng) để nhận tiền gửi của khách hàng, nhận tiền của khách hàng trả tiền gốc, tiền lãi cho tổ chức tín dụng nhưng không nhập quỹ mà tự chi tiêu, sử dụng cá nhân.
Trong những vụ án này, các cán bộ liên quan đến việc thanh toán tài khoản (kiểm soát viên, lãnh đạo phê duyệt, thủ quỹ) của tổ chức tín dụng do tin tưởng đã không làm đúng quy trình về thu, chi tiền mặt với khách hàng, tạo điều kiện cho đối tượng thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Với thủ đoạn tinh vi khác, một số cán bộ tổ chức tín dụng lợi dụng chức vụ, quyền hạn phát hành chứng từ thanh toán mậu dịch biên giới giả để chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng sử dụng phương thức làm giả hối phiếu của tổ chức tín dụng nước ngoài có nội dung Công ty nước ngoài thanh toán tiền mua hàng cho Công ty của Việt Nam thông qua tổ chức tín dụng của Việt Nam.
Sau khi tổ chức tín dụng của Việt Nam thanh toán chuyển tiền vào tài khoản của Công ty của Việt Nam thì rút ra để chiếm đoạt. Tiêu biểu là vụ Nguyễn Đức Hậu làm giả hối phiếu của Công ty cổ phần Ngân hàng ngoại thương Trung Quốc để chiếm đoạt tiền của Ngân hàng Thương mại cổ phần kỹ thương Việt Nam (Techcombank).
Hay như trong vụ Lê Quý Hiển lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tiền của Ngân hàng Thương mại cổ phần phát triển thành phố Hồ Chí Minh, bị cáo Hiển đã có hành vi cấu kết với đối tượng bên ngoài tổ chức tín dụng phát hành chứng thư bảo lãnh giả hoặc nâng khống giá trị tài sản bảo đảm, lập khống hồ sơ vay vốn để chiếm đoạt tài sản.
Theo luật gia Lê Bá Thái Quỳnh, các đối tượng trong những vụ án như thế này thường sử dụng phương thức thực hiện hành vi phát hành các chứng thư bảo lãnh thanh toán không đúng quy định của pháp luật, cho các đối tượng khác sử dụng thư bảo lãnh để ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa, làm các doanh nghiệp mua bán hàng hóa tin tưởng về nghĩa vụ thanh toán nên đã giao tiền, hàng hóa cho các đối tượng chiếm đoạt; nhờ các đối tượng khác làm thủ tục thành lập doanh nghiệp để ký hợp đồng mua bán hàng hóa khống, sau đó sử dụng hàng hóa đó thế chấp vay tiền của tổ chức tín dụng rồi chiếm đoạt; mua đất với giá rẻ, nhờ người khác đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm thủ tục vay tiền tổ chức tín dụng, khi duyệt hồ sơ vay thì nâng khống giá trị tài sản thế chấp, sau khi được giải ngân thì chiếm đoạt số tiền vay.
“Nhìn chung, tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng nêu trên đã gây ra hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ làm thiệt hại về tài sản mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động của hệ thống tài chính, ngân hàng; làm gia tăng rủi ro và nguy cơ gây mất an toàn hệ thống ngân hàng, đẩy ngân hàng vào tình trạng mất khả năng thanh khoản, đóng băng tín dụng và tác động trực tiếp đến an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia, làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội” – Luật gia Quỳnh chia sẻ.