Muôn kiểu chơi linh vật Tết Tân Sửu: Từ trâu dát vàng đến trâu cõng quất, dừa, giá vài trăm đến bạc triệu
Các làng nghề, chủ vườn đã sáng tạo ra nhiều mẫu tượng, bonsai lạ mắt để phục vụ nhu cầu người dân dịp năm mới.
Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, nghệ nhân tại các làng nghề lại hối hả hoàn thiện và đưa ra thị trường những sản phẩm bắt “trend” theo con giáp của năm mới. Tết Tân Sửu này cũng không ngoại lệ khi hàng loạt cây cảnh, tượng điêu khắc... hình con trâu đã được giới thiệu, với mức giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng.
Trâu gỗ hương đá
Trâu gỗ là một sản phẩm khá truyền thống, được các nghệ nhân ở làng nghề thuộc xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, Hà Nội sản xuất với số lượng lớn.
Trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ, chị Trần Thị Thường (xã Tiền Phong, huyện Thường Tín) - người đã có 20 năm làm nghề gỗ cho biết từ tháng 10 âm lịch, xưởng sản xuất của gia đình chị đã nhận làm các mẫu hình trâu để tung ra thị trường đúng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu.
Những năm trước, các tác phẩm của những con giáp tương tự còn được xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng năm nay do tình hình dịch Covid-19 phức tạp nên chỉ phân phối trong nước là chủ yếu.
Ảnh: Tuổi trẻ
Trâu gỗ tại đây hầu hết làm từ gỗ hương đá nhập khẩu Nam Phi do thớ gỗ chắc, hương thơm, vân gỗ uốn lượn vừa mắt. Giá của mỗi tác phẩm dao động trong khoảng 600.000 - 800.000 đồng/con.
Trâu gáo dừa
Đây là ý tưởng của anh Đinh Ngọc Hiếu, trú tại TP. Thủ Đức. Anh cho biết quy trình tạo ra một chậu bonsai dừa hình trâu gồm 2 phần. Phần thứ nhất là cây dừa, mỗi cây nhỏ cần 4-6 tháng để phát triển. Phần thứ hai là tạo mẫu hình con trâu, vốn đã được lên ý tưởng từ hồi tháng 3-4 năm ngoái. Đến tháng 10, một vài mẫu đẹp nhất sẽ được chọn và sản xuất đại trà.
Đầu trâu bằng gỗ được chạm khắc thủ công, sau đó gắn với các gáo dừa để tạo nên một linh vật hoàn chỉnh. Mỗi chậu có giá từ 600.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Anh Hiếu cho biết mỗi ngày chỉ sản xuất được trung bình 10 chiếc, kích cỡ to nhỏ khác nhau. Mục tiêu của vị nghệ nhân là có thể bán được 800 sản phẩm trong Tết Tân Sửu năm nay.
Trâu dát vàng
Dát vàng luôn là một công nghệ chưa bao giờ lỗi mốt, không chỉ được ưa chuộng về mặt thẩm mỹ mà còn khẳng định sự giàu có, chịu chơi của chủ nhân. Vì thế, việc dát vàng cho các linh vật ngày Tết cũng không còn là chuyện lạ.
Năm nay, nhà điêu khắc - hoạ sĩ Vũ Dũng cũng đã kỳ công sáng tạo ra tác phẩm “Trâu vàng khởi sinh”, ra mắt đúng dịp Tết này.
Ảnh: Dân trí
Khuôn hình chú trâu được làm từ đất sét, sau đó sẽ được đổ khuôn âm bản để chuyển sang những vật liệu bền như đồng, composite tổng hợp. Bước cuối cùng là công đoạn dát vàng 24k và đánh bóng, được nghệ nhân thực hiện một cách cẩn thận và tỉ mỉ.
Trâu cõng quất
Quất vốn là loại cây truyền thống được người dân ưa chuộng mỗi dịp Tết. Nhưng năm nào cũng chỉ là một chậu quất được cắt tỉa, tạo dáng bình thường thì khá nhàm chán.
Năm nay, một số chủ vườn tại Hà Nội đã nảy ra ý tưởng tạo ra những tác phẩm “trâu cõng quất” bằng việc dùng chậu cảnh hình con trâu thay vì hình tròn, vuông như thường ngày. Những chú trâu này thường được làm bằng sành, sau đó phủ màu đồng hoặc màu vàng.
Việc trồng quất trên lưng trâu khá vất vả và tốn thời gian, nhất là với những chậu cây nhỏ. Vì thế, giá của những tác phẩm này cũng không hề rẻ, khoảng 500.000 đối với chậu nhỏ và 5-7 triệu đồng đối với một chậu lớn.
Tổng hợp