Muốn doanh nghiệp phát triển như Google, hãy tập trung xây dựng văn hoá công sở
Nếu các doanh nghiệp ở Đông Nam Á muốn lớn mạnh như “gã khổng lồ” Google thì lời khuyên dành cho họ là hãy tập trung xây dựng văn hoá công sở ngay từ thời điểm bắt đầu.
Ghế ngủ trưa, đồ ăn nhẹ, các phúc lợi tuyệt vời dành cho nhân viên và một văn phòng hiện đại toạ lạc tại bang California ngập tràn nắng ấm – Bạn có cảm thấy quen thuộc không? Nổi tiếng với văn hoá công sở mang tính đột phá, Google đã thiết lập các tiêu chuẩn rất cao cho môi trường làm việc của họ. Sức ảnh hưởng mạnh mẽ của Google đến các start-ups trên toàn thế giới là điều không còn phải bàn cãi.
Là lãnh đạo của tổ chức Fave, một nền tảng O2O ở Malaysia đang mở rộng phạm vi hoạt động của mình ra toàn khu vực, bà Audra Pakalnyte chia sẻ rằng, Google và Zappos - “những công ty nổi tiếng với văn hoá doanh nghiệp, quyền mua cổ phần và phúc lợi” đang là những công ty đáng ngưỡng mộ khi họ đã hoàn thành việc thiết kế văn hoá công sở của riêng họ. Tuy nhiên, thành thật mà nói, chúng tôi không thể sao chép hoàn toàn mô hình của họ. Văn hoá là thứ chúng tôi phải mất nhiều thời gian tạo dựng – và chúng tôi mới chỉ hoàn tất được 1% mà thôi”.
Mặc dù không phải công ty nào cũng làm được như Google, tức là họ dành thời gian thiết kế văn phòng làm việc và xây dựng văn hoá công sở nhưng học hỏi kinh nghiệm từ họ vẫn mang lại lợi ích cho chính start-up của bạn.
Bạn chưa biết phải làm thế nào ư? Dưới đây là ba điều bạn nên bắt đầu thực hiện:
1. Xác định các giá trị cốt lõi ngay từ đầu.
Trước khi bạn thiết kế văn phòng, xây dựng văn hoá công sở và đưa ra một loạt các tiện ích và quyền mua cổ phần công ty thì bạn nên hiểu lý do vì sao bạn sẽ xây dựng những thứ đó.
Bạn cần tìm ra điều gì có giá trị nhất.
“Thực ra, chúng tôi không áp lực với việc phải tạo dựng văn hoá doanh nghiệp. Nhưng thiết nghĩ tạo ra một môi trường làm việc chuyên nghiệp, gần gũi, thân thiện với một nét văn hoá riêng ngay từ ngày đầu là một điều cần thiết.
“Ngay khi tôi thuê nhân viên đầu tiên, chúng tôi đã thảo luận một bộ giá trị cốt lõi mà doanh nghiệp chúng tôi sẽ sở hữu. Một khi tôi có ba hay bốn nhân viên, chúng tôi lại ngồi xuống và tìm ra 10 giá trị thể hiện cách thức hoạt động của chúng tôi. Tôi sẽ yêu cầu mọi người làm việc tuân theo những giá trị đó. Và chính các nhà quản lý hay CEO sẽ là những người thúc đẩy tăng thêm giá trị cho nó”. Đó là những điều John Thornton, giám đốc tại thị trường Thái Lan của Tribe Hired, một trang tuyển dụng trực tuyến IT của Malaysia chia sẻ.
Ông Thornton nói thêm rằng, “Tôi cảm thấy không thoải mái khi dùng văn hoá ngôn từ hoa mỹ, đơn giản vì tôi nghĩ đấy là điều sáo rỗng mà mọi người thường xuyên nói nhưng không có chút ý nghĩa thực chất nào. Thay vào đó, chúng tôi sử dụng bộ giá trị ngôn từ và DNA trong doanh nghiệp. Chúng tôi cũng không muốn một thứ văn hoá quá xa lạ. Chúng tôi muốn những người mới đến có thể dễ dàng hoà nhập vào nhóm làm việc. Do vậy, tôi sẽ bắt đầu thiết kế các giá trị cốt lõi hay DNA ngay từ ngày đầu chứ không cần phải chờ đến khi tuyển được 20 hay thậm chí 50 nhân viên”.
2. Tạo môi trường làm việc hỗ trợ cho các giá trị đã đặt ra
Một khi bạn đã hiểu rõ về các giá trị của mình, bạn có thể xây dựng không gian văn phòng dựa trên những giá trị đó. Bà Pakalnyte tóm tắt văn hoá của công ty bà trong ba từ: nhanh chóng, minh bạch và hợp tác. Cách bố trí văn phòng cũng góp phần duy trì những điều đó.
Bà Pakalnyte chia rẻ rằng, “Chúng tôi rất minh bạch với nhóm làm việc về những gì đang xảy ra trong tổ chức. Chẳng hạn như, hàng tháng, chúng tôi công khai các số liệu tài chính. Các phòng họp của chúng tôi cũng không cần phải che kín bằng cửa sổ màu hay các loại cửa để đảm bảo tính bảo mật quá cao. Điều này đã tạo ra một nền văn hoá minh bạch, hiệu quả và tạo nên sự tin tưởng”.
3. Tập trung tạo sự thỏa mãn cho đội ngũ nhân sự
Chúng ta thường dễ rơi vào cái bẫy phải làm gì đó để văn phòng trông tuyệt vời hơn. Nhưng đó chỉ là sản phẩm phụ sau khi bạn tập trung vào đội ngũ nhân sự. Điều khiến các nhân viên của bạn cảm thấy hài lòng và có thêm động lực là gì? Làm thế nào để không khí văn phòng luôn giữ chân họ ở lại?
“Một bàn đầy đồ ăn nhẹ, hoa quả, các loại đồ uống mà bạn có thể tới đó thưởng thức mỗi khi thấy đói bụng. Mọi người có thể cùng ăn bữa trưa hay bữa tối, điều này tạo điều kiện để các đồng nghiệp trò chuyện và trở nên thân thiết hơn. Văn phòng tuyệt vời đến mức tôi thấy hạnh phúc mỗi ngày tới đó và tôi cảm nhận được rằng, làm việc ở đây hiệu quả hơn làm việc ở nhà”. Đó là những điều Valerie Pang, một sinh viên người Singapore hào hứng chia sẻ về môi trường làm việc tại một startup công nghệ ở San Francisco (Mỹ), nơi cô từng có thời gian thực tập.
Đôi khi, tập trung vào xây dựng “văn hoá” có thể gây ra bất lợi bởi vì điều này sẽ chuyển sự tập trung của bạn ra ngoài những giá trị đáng quan tâm nhất.
Bà Pakalnyte cho rằng: “Không có chiến lược hoàn hảo nào để xây dựng văn hoá công sở. Văn hoá là giá trị ‘độc nhất vô nhị’ của mỗi tổ chức. Tuy nhiên, khi bạn mới khởi nghiệp thì việc tạo ra một môi trường làm việc minh bạch và trao quyền chứ không phải nhiệm vụ cho nhân viên có thể là một khởi đầu tốt”.