"Muốn đem tài năng Việt Nam ra thế giới"
Nhạc sĩ Thanh Bùi là người sáng lập Học viện Âm nhạc và Biểu diễn nghệ thuật Soul, Giám đốc Công ty Purpose chuyên sản xuất chương trình ca nhạc, đưa các nghệ sĩ gốc Việt nổi tiếng về Việt Nam như thần đồng piano Evan Le. Ông cũng là Hiệu trưởng Học viện Âm nhạc Soul Music Arts Academy đang hợp tác với HTV phát triển kênh HTV3 - DreamTV với chương trình Thần đồng âm nhạc - Wonderkids...
Không cho mình là người làm kinh doanh nghệ thuật mà chỉ là một nhà giáo dục vì sự nghiệp "trồng người", ông nói: "Đích đến của người làm doanh nghiệp là đem đến cho xã hội những sản phẩm có ích thì đích đến của tôi là muốn đưa thế giới về Việt Nam và đem tài năng Việt Nam ra thế giới".
Sinh ra tại Úc, mới 10 tuổi, Thanh Bùi đã cùng gia đình nhận cắt may gia công quần áo jeans. Dù phải làm việc vất vả nhưng cha mẹ ông đã nuôi các con ăn học thành tài. Thanh Bùi học thanh nhạc và đàn piano từ nhỏ. Khi lên đại học, được nhận học bổng toàn phần chuyên ngành thương mại điện toán của Đại học Swinburne, Melbourne và tốt nghiệp cử nhân loại giỏi, nhưng Thanh Bùi lại quyết định bước vào lĩnh vực nghệ thuật. Ông tâm sự: "Người thổi vào tôi ngọn lửa đam mê âm nhạc chính là ca sĩ Michael Jackson. Sau khi xem buổi trình diễn của ông tại giải Grammy năm 1990, tôi rất ngưỡng mộ nên đã chọn theo âm nhạc. Cha mẹ đã giúp tôi thêm mạnh mẽ để đi con đường này với lời khuyên "Hãy tự tin để đạt được những gì con đam mê”.
Ảnh: Quý Hòa
Năm 2004, Thanh Bùi tham gia ban nhạc North, tạo ra những bài hát hit và là tác giả của nhiều ca khúc được đón nhận ở Úc, Đức, Nhật, Hàn Quốc. Năm 2008, ông lọt vào top 8 cuộc thi Thần tượng âm nhạc Úc (Australian Idol). Sau nhiều năm ca hát và sáng tác thành công, Thanh Bùi mở trường nhạc lên đến 5 chi nhánh tại Sydney.
"Tôi may mắn có được sự cân bằng giữa một người vừa làm nghệ thuật vừa làm kinh doanh", ông chia sẻ.
* Nhưng nhiều người lại cho rằng người làm nghệ thuật thì không thể làm kinh doanh?
- Đó là lý do tôi muốn phá vỡ hình ảnh của người nghệ sĩ. Nếu hiểu nghệ sĩ là người biết nhìn công việc, cuộc sống qua lăng kính nghệ thuật thì sẽ thấy họ khi làm kinh doanh là khá nhẹ nhàng. Ngược lại, nếu doanh nhân có tâm hồn của người nghệ sĩ thì sẽ nhạy cảm hơn với cuộc sống, biết bao nhiêu là đủ, bao nhiêu là vừa.
Kiếm tiền không khó nhưng kiếm tiền mà có tâm, có cách hành xử đúng đắn với nhân viên, với môi trường là không dễ. Tôi từng nghe một tỷ phú Mỹ chia sẻ: "Kinh doanh là sự sáng tạo. Vì vậy, người làm kinh doanh cũng là nghệ sĩ trong lĩnh vực mình đang làm. Và như vậy giữa người nghệ sĩ và nhà doanh nghiệp không có nhiều sự khác biệt".
* Điều gì đã thúc đẩy ông thực hiện chương trình Thần đồng âm nhạc - Wonderkids?
- Tôi làm chương trình này vì chính các con tôi. Sau khi có con, tôi bắt đầu quan tâm và tìm những chương trình truyền hình có ý nghĩa giáo dục cho con xem, nhưng lại có quá ít chương trình như mong muốn. Bên cạnh đó còn là trăn trở của một người thầy. Tôi quan niệm giáo dục là dạy các em dám mơ ước, dám làm, dám bước lên phía trước, không vì tiền mà vì đam mê và danh dự.
Muốn vậy, ngoài đào tạo cần có sân chơi để các em được thử thách, được cọ xát, rèn luyện. Đó là lý do tôi dành rất nhiều tâm huyết đầu tư vào chương trình Wonderkids - một chương trình giáo dục, giải trí xuất xứ từ Đan Mạch chứ không phải là một gameshow. Gameshow dễ tạo cho người ta cảm giác có thể trở thành thiên tài trong một đêm, một "sự thật" không hề có thật. Wonderkids tạo điều kiện cho các em phát triển tài năng thông qua con đường giáo dục.
Tính giáo dục của chương trình còn thể hiện ở yếu tố không có thí sinh nào bị loại trong suốt cuộc thi và giải thưởng không được trao bằng tiền mặt. Cụ thể, giải Quán quân tương đương khoảng 65.000 USD sẽ là học bổng cho chương trình mùa hè tại Đại học Berklee, Hoa Kỳ, bộ nhạc cụ phục vụ việc học. Qua đó, các em được học với các nghệ sĩ nổi tiếng và sẽ trở thành người đại diện cho Việt Nam trình diễn ở các chương trình quốc tế.
* Nhưng không ít người đầu tư cho giáo dục đã thua lỗ. Ông có nghĩ đến điều ấy?
- Tôi đầu tư vào giáo dục vì tâm huyết của một người muốn làm giáo dục, còn nếu vì đặt nặng lợi nhuận thì không thể làm được. Bởi như đã nói, giáo dục là sự nghiệp trồng người. Cụ Hồ nói: "Mười năm trồng cây, trăm năm trồng người". Do đó, người làm giáo dục phải xem đây là sự nghiệp phải làm cả cuộc đời.
Đến bây giờ, hạnh phúc nhất của tôi không phải được gọi là ca sĩ, nhạc sĩ mà đơn giản chỉ hai chữ "thầy ơi". Bấy nhiêu thôi nhưng đủ để tôi làm hết sức mình, mang hết những gì có thể để thế hệ con tôi khi ra thế giới phải được công nhận người Việt Nam đã có những đóng góp lớn cho nền âm nhạc của loài người.
* Có người cho rằng, nhờ bệ đỡ tài chính từ gia đình nên Thanh Bùi mới dám theo đuổi giấc mơ đào tạo âm nhạc?
- Tài chính rất cần nhưng điều cần lớn hơn của một người làm giáo dục là cái tâm và mục đích theo đuổi.
Gần đây, trên báo chí và truyền hình, tôi thấy người ta quá đề cao những người giàu, đến nỗi, một đứa trẻ khi hỏi sau này mơ ước của con làm gì thì hầu hết đều trả lời con thích là người giàu có. Trong một xã hội phát triển, mong muốn đó là tất yếu. Tuy nhiên, phải làm sao cho các em hiểu tiền chỉ là phương tiện sống, giá trị đích thực của sự giàu có là mục đích sống và cách sống.
* Chưa từng sống tại Việt Nam nhưng lại quyết định về Việt Nam khi đang có sự nghiệp ổn định, thành công ở nước ngoài, chắc hẳn ông có một động lực rất lớn?
- Suốt mấy chục năm sống ở nước ngoài, dù đầy đủ vật chất và có sự thành công nhất định, nhưng tôi vẫn không biết mình làm để cống hiến cho ai vì những gì tôi làm được, đạt được chỉ cho cá nhân tôi. Tôi trở về Việt Nam chỉ để trả lời câu hỏi: Tôi là ai, mục đích sống của tôi là gì.
Việt Nam đã cho tôi sự trưởng thành, có nhiều kiến thức hơn về cuộc sống và có cái nhìn cảm thông với mọi người. Chính sự cảm thông đã cho tôi động lực phải làm nhiều hơn để thay đổi quan niệm về giáo dục, giúp các em có cơ hội tiếp xúc với âm nhạc và nghệ thuật.
* Nhưng nhiều phụ huynh tại Việt Nam vẫn cho rằng âm nhạc, nghệ thuật chỉ là môn học năng khiếu, môn học phụ. Liệu đó có là trở ngại?
- Đúng là hiện nay vẫn còn nhiều phụ huynh có cái nhìn phiến diện về giáo dục. Họ chỉ tập trung cho con học toán, ngoại ngữ vì cho rằng âm nhạc là môn học chỉ có năng khiếu mới học được. Tôi hỏi một phụ huynh khi cho con học toán, chị có thấy con chị có năng khiếu môn toán không thì vị phụ huynh đó lắc đầu. Vậy cớ gì các bậc phụ huynh cứ bắt con mình phải học toán trong khi sự sáng tạo và kỹ năng mềm của một con người rất quan trọng?
Khoa học đã chứng minh âm nhạc và nghệ thuật chính là nền tảng khơi nguồn sự sáng tạo, giúp con người nhạy cảm với cuộc sống, làm tâm hồn con người hoàn thiện hơn. Đây là điều cần thiết, nhất là khi chỉ vài chục năm nữa, robot với trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế con người, và khi đó, 80% công việc ngày hôm nay sẽ không còn nữa.
Ở các nước tiên tiến, họ đang chuẩn bị cho sự thay đổi ấy nên càng coi trọng giáo dục sáng tạo. Việt Nam cũng cần đi theo xu hướng này. Theo tôi, đứa trẻ không được học âm nhạc là một thiệt thòi.
Thực tế, có một số gia đình đưa con em tới học nhạc vì nghĩ chúng bị tự kỷ. Sau một thời gian học tập trong môi trường âm nhạc cởi mở, có nhiều bạn bè, các em có sự phát triển rất tốt. Chính âm nhạc đã giúp các em tìm thấy sự tự tin và niềm đam mê cuộc sống.
* Thế ông đã "chạm đến" bao nhiêu phần trăm điều mong muốn?
- Với Soul Music Academy, tôi mới đào tạo được khoảng 1.000 học viên. Còn với Wonderkids, tôi xem đó như một ngôi trường để tác động đến hàng nghìn trẻ em đang ấp ủ ước mơ vươn xa trong âm nhạc, đưa đến thông điệp cho hàng triệu phụ huynh hãy thay đổi cách giáo dục con em mình.
Cũng qua DreamTV của HTV3, tôi muốn phá vỡ thói quen đang hình thành trong nhiều gia đình Việt Nam hiện nay, đó là thiếu sự chia sẻ do công nghệ và game đã làm cho trẻ em bị thụ động, không học được cách làm người, không học được những phản xạ với cuộc sống. Thông qua chương trình DreamTV, tôi muốn đề cập đến các vấn đề của xã hội để qua đó, dạy cho các em kỹ năng phản xạ trước cuộc sống, đây cũng là nhịp cầu để các bậc cha mẹ có nhiều cơ hội chia sẻ với con cái.
Bên cạnh đó, tôi đã thực hiện được học bổng Trịnh Công Sơn. Tôi đã đào tạo cho nhiều em trưởng thành, đủ sức ảnh hưởng trong lĩnh vực âm nhạc như Cát Tường, Tin Tin, Bích Ngọc. Nhiều em được đi học ở các nước và nhận được giải thưởng quốc tế. Song, đích đến cuối cùng trong sự nghiệp "trồng người" của tôi là dùng âm nhạc để đào tạo nhân cách cũng như tâm hồn cho lớp trẻ.
* Muốn có sản phẩm nghệ thuật hoặc một chương trình đào tạo tốt thì không thể dễ dãi. Liệu điều đó có quá khó để giải quyết bất đồng hay bảo vệ chính kiến với tính cách của một người "nhẹ nhàng" như ông?
- Xây dựng được cách làm việc có tầm quốc tế mà giữ được tình cảm, cách ứng xử của người Việt Nam là không dễ. Nhưng vì mục tiêu lớn, tôi không sợ nói những điều mà người ta không thích nghe. Tôi chỉ sợ không nói được hết những ý nghĩ và điều đó sẽ làm cho mình bị tổn thương. Hồi mới trở về Việt Nam, mọi thứ với tôi quá khác, quá xa lạ, từ môi trường, văn hóa đến cách làm việc.
Tôi có cảm giác như mình là một con cá chình bị mắc cạn vậy. Nhưng để hòa nhập và được đón nhận, trước hết bản thân mình phải hiểu rõ văn hóa và con người Việt Nam. Lợi thế của tôi là có 2 con người trong một: cách làm việc và tư duy logic của người từng sống ở nước ngoài và sự tinh tế, linh hoạt của người Việt Nam. Vậy nên tôi nhanh chóng hòa nhập, hiểu được tại sao lại làm thế và phải như thế để thích ứng.
* Hơi tò mò, ông có dự định cho con đi học ở nước ngoài?
- Tôi đang thực hiện nhiều chương trình giáo dục nên trước hết, con tôi phải là người được học theo cách của tôi. Từ trước đến nay, nhiều người quan niệm trường học ở nước ngoài tốt hơn ở Việt Nam. Tôi đang muốn thay đổi quan niệm đó.
* Điều hạnh phúc nhất của ông khi ở cương vị người thầy?
- Âm nhạc làm cho con người sống tốt hơn và tôi muốn dùng âm nhạc thay đổi cuộc sống của nhiều trẻ em Việt Nam. Nhiều người hỏi, liệu công việc giảng dạy có lấy đi nhiều thời gian và sức lực của tôi hay không? Câu trả lời của tôi là không. Ngược lại, tôi cảm thấy rất vui và thú vị vì vừa được làm thầy, vừa được làm học trò. Khi ngồi với các em, tôi học được sự hồn nhiên, cởi mở.
Con người khi mất đi sự hồn nhiên trong trẻo là mất đi một phần tâm hồn. Chính điều đó đã cho tôi niềm cảm hứng, đam mê đến mức có thể bỏ tất cả mọi thứ, kể cả đi hát. Từ khi ở Úc cho đến bây giờ, tôi đã tổ chức được hàng trăm lớp học nhạc. Hiện nay tôi bắt đầu công việc từ 8 giờ sáng cho tới khuya ở Học viện.
* Cám ơn ông về những chia sẻ thú vị!