Muốn con cái thành công, bố mẹ hãy để cho bé thấy được việc này
Mỗi gia đình lại có một cách thức giáo dục con cái khác nhau, các nhà nghiên cứu thống kê lại và nhận thấy rằng trẻ sẽ thành công hơn sau này nếu cha mẹ áp dụng đúng những cách thức dạy con khoa học.
Hãy tưởng tượng mình đã có con. Bạn luôn muốn điều tốt nhất cho con mình – và bạn tin rằng giúp chúng học được tính can đảm và sự bền bỉ là điều rất quan trọng.
Vì thế, bạn cố gắng hết sức để tuyên dương con mình theo đúng cách – khen ngợi vì những nỗ lực của chúng chứ không phải vì những tính cách và khả năng bẩm sinh. Và có lẽ bạn cũng cố gắng cho chúng thấy sự cố gắng miệt mài nào rồi cũng sẽ mang lại kết quả tốt bằng cách giấu kín những khó khăn và chỉ cho chúng thấy những thành công của mình.
Nhưng theo các nhà nghiên cứu ở Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), thì hóa ra sẽ rất có lợi nếu cho con bạn thấy được mình phải nhọc nhằn ra sao nếu muốn đạt được bất kỳ mục tiêu nào đặt ra. Cũng theo nghiên cứu đó, trẻ từ 15 tháng tuổi sẽ được hưởng lợi từ việc này rất nhiều.
Những vất vả khó khăn là có thật
Các nhà nghiên cứu ở MIT đã thực hiện một loạt các thử nghiệm với trẻ từ khi chúng còn rất nhỏ, trong đó họ cố gắng xác định xem người lớn thể hiện tính kiên cường trước mặt chúng có tác động đến sự cố gắng nỗ lực của chúng khi làm một việc gì đó phù hợp với lứa tuổi hay không.
Thử nghiệm này gồm 2 giai đoạn. Nhóm trẻ có tuổi trung bình 15 tháng sẽ bắt đầu bằng cách quan sát người lớn khi họ cố gắng làm một việc như mở đồ hộp hay lấy chìa ra khỏi móc chìa khóa.
Đôi khi, trong tình huống mà các nhà nghiên cứu gọi là điều kiện Nỗ lực, người lớn thể hiện sự khó khăn trước khi thành công khoảng 30 giây. Trong những tình huống khác mà các nhà nghiên cứu gọi là điều kiện Không nỗ lực, người lớn ngay lập tức thực hiện thành công việc phải làm.
Sau đó, các nhà nghiên cứu cho trẻ một thứ đồ chơi có khả năng chơi nhạc nếu chúng có thể tìm thấy công tắc bật/tắt. Họ nghiên cứu xem đứa trẻ mất bao lâu để tìm công tắc, hay cố gắng bật một nút giả, trước khi đưa đồ chơi cho người lớn nhờ bật giúp hoặc đơn giản là ném đồ chơi xuống sàn.
Có lẽ bạn đã có thể đoán ra kết quả, trong số 262 trẻ trong cuộc thử nghiệm, những trẻ được thấy người lớn thể hiện sự kiên trì tỏ ra sẵn sàng cố gắng tìm cách bật thứ đồ chơi kia lên, và chúng dành thời gian lâu hơn để làm việc đó.
Sức mạnh của nếp suy nghĩ
Đây chỉ là một nghiên cứu nằm trong nghiên cứu tổng thể do nhà nghiên cứu Carol Dweck đến từ Đại học Stanford chỉ đạo.
Nghiên cứu của Dweck cho biết người ta có thể có 2 kiểu niềm tin về thành quả và sự phát triển của con người. Một số người kiên định với nếp suy nghĩ đã hình thành, nghĩa là các kỹ năng và thiên hướng của chúng ta gần như xuất hiện từ lúc mới sinh. Một số người khác lại có nếp suy nghĩ cầu tiến, và tin rằng khả năng của mỗi người đều có thể rèn luyện và phát triển được.
Trong nghiên cứu của mình, Dweck thấy những đứa trẻ học được cách hình thành nếp suy nghĩ cầu tiến rốt cuộc sẽ đạt được nhiều thành quả hơn, hạnh phúc hơn và thành công hơn so với những trẻ được dạy là nên có nếp suy nghĩ cố định.
“Những người làm cha mẹ luôn khiến mọi thứ trở nên dễ dàng và không tỏ ra bực bội trước mặt con mình cần phải thay đổi,” Laura Schulz, giáo sư khoa học nhận thức ở MIT, đã nói như vậy trong một thông cáo báo chí. “Bạn chẳng thể tin tưởng được gì từ một nghiên cứu áp dụng trực tiếp vào việc nuôi dạy con cái, nhưng ít nhất điều này cũng cho thấy rằng chẳng có gì xấu khi cho trẻ thấy bạn đang phải cố gắng thực sự để đạt được mục tiêu của mình.”