Muji Việt Nam tuyên bố bán hàng online ứng phó giữa mùa dịch, cộng đồng fan réo gọi Uniqlo vào học hỏi

26/07/2021 10:08 AM | Kinh doanh

Trong khi người đồng hương Muji đến sau nhưng đã nhanh chân bán hàng online, dù còn khá thủ công, Uniqlo Việt Nam vẫn cố thủ với phương thức bán hàng offline. Hiện tất cả các cửa hàng Uniqlo tại TPHCM đã đóng cửa gần 2 tháng, các cửa hàng tại Hà Nội cũng tạm đóng từ ngày 20/7 mà không có kế hoạch bán online.

Muji vừa có động thái bán hàng online tại Việt Nam, dù level online còn khá thô sơ.

Cụ thể, khách hàng sẽ truy cập website chọn hàng, sau đó order bằng cách gửi mail, gọi điện đến tổng đài hoặc order qua Zalo.

Thông báo này của Muji khiến các fan tại Việt Nam mừng rỡ, nhưng vẫn không quên "cà khịa" sang người đồng hương Uniqlo.

Một tài khoản đã tag thẳng fanpage của Uniqlo Việt Nam ngay dưới thông báo mua sắm tại nhà của Muji, nhắn nhủ Uniqlo hãy vào "học tập".

Muji Việt Nam tuyên bố bán hàng online ứng phó giữa mùa dịch, cộng đồng fan réo gọi Uniqlo vào học hỏi - Ảnh 1.

Muji chính thức đặt chân vào Việt Nam hồi tháng 11/2020, cửa hàng đầu tiên đặt tại TPHCM, là cửa hàng quy mô lớn nhất của thương hiệu này tại khu vực Đông Nam Á. Cửa hàng thứ 2 của Muji tại Việt Nam mới khai trương đầu tháng 7, tại Hà Nội.

Uniqlo gia nhập thị trường Việt Nam vào cuối năm 2019. Đi qua 3 đợt dịch Covid-19, thương hiệu Nhật Bản này vẫn chưa bày tỏ ý định sẽ bán online tại thị trường 97 triệu dân.

Trong đợt dịch lần thứ 4, Uniqlo đã chọn giải pháp tạm đóng cửa. Theo thông báo trên website chính thức của Uniqlo Việt Nam, tất cả các cửa hàng Uniqlo tại TPHCM đã đóng cửa từ ngày 31/5/2021. Tại Hà Nội, cả 3 cửa hàng đều tạm đóng từ ngày 20/7 vừa qua.

Muji Việt Nam tuyên bố bán hàng online ứng phó giữa mùa dịch, cộng đồng fan réo gọi Uniqlo vào học hỏi - Ảnh 2.

Trên Fanpage, các post của Uniqlo chủ yếu là branding về nhãn hàng, sản phẩm, và mời chào bán sỉ (đơn hàng từ 10 triệu đồng trở lên).

Tại Việt Nam, một thương hiệu nước ngoài có tiếng khác kiên quyết nói "không" với bán online là H&M.

"H&M nhìn nhận kênh online có nhiều tiềm năng để khai thác. Nhưng nhìn vào thời điểm hiện tại, nhìn vào hành vì mua sắm và tâm lý của khách hàng, chúng tôi nhận thấy tiềm năng khai thác của các cửa hàng vật lý vẫn còn. Mọi người thích đến đến để lựa đồ, thử đồ, sờ tận tay vào chất liệu. Với người Việt Nam, họ không chỉ mua sắm để mua sắm mà còn để gặp gỡ bạn bè, đi chơi với gia đình dịp cuối tuần...", bà Phạm Ngọc - Giám đốc truyền thông của H&M Việt Nam - chia sẻ tại một sự kiện hồi năm 2020.

Muji Việt Nam tuyên bố bán hàng online ứng phó giữa mùa dịch, cộng đồng fan réo gọi Uniqlo vào học hỏi - Ảnh 3.

"Online là câu chuyện chúng ta đều nghe nhiều rồi nhưng với H&M sẽ là câu chuyện trong tương lai xa hơn".

Khi đợt dịch Covid-19 bùng phát đợt đầu, H&M từng phải đóng cửa tất cả các cửa hàng ở các trung tâm mua sắm đồng thời huỷ cả việc ra mắt bộ sưu tập mới.

Tuy nhiên, vào thời điểm dịch bùng phát, thương hiệu lựa chọn ưu tiên con người lên hàng đầu. Tận dụng mạng xã hội với hàng trăm triệu lượt theo dõi, H&M Việt Nam thường xuyên chia sẻ các thông tin hữu ích về sức khoẻ, những thông điệp truyền cảm hứng để giữ vững cộng đồng yêu mến thương hiệu.

Kết quả là dù chỉ có một kênh mua sắm offline duy nhất, hoạt động kinh doanh của H&M đã phục hồi nhanh chóng.

Trong đợt đại dịch Covid-19 lần thứ 4 này, H&M cũng lựa chọn đóng gần hết toàn bộ cửa hàng tại Việt Nam và không bán online. Hiện 1 cửa hàng H&M hoạt động duy nhất tại Việt Nam là H&M Vincom Plaza Hạ Long.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM