Mục tiêu xuất khẩu của ngành dệt may bị "đè bẹp" vì thiếu đơn hàng

14/09/2020 10:09 AM | Kinh doanh

Tình trạng thiếu đơn hàng những tháng cuối năm tạo thách thức lớn đối với kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may. Mục tiêu xuất khẩu có thể không đạt được.

Dù là một trong những ngành hàng chủ lực với kim ngạch xuất khẩu đạt 39 tỷ USD trong năm 2019 nhưng đến thời điểm hiện tại, ngành dệt may vẫn đang chịu tác động tiêu cực và nặng nề bởi dịch Covid-19.

Như mọi năm, đến thời điểm này, các doanh nghiệp đều đã có đơn hàng đến cuối năm và nửa đầu năm sau, nhưng năm nay, phần lớn doanh nghiệp dệt may chỉ nhận được đơn hàng từng tháng, thậm chí từng tuần. Một số đơn mới nhận khoảng 50-60% đơn hàng so với tháng 9 năm ngoái.

Từ những con số phản ánh thực tế, Bộ Công Thương đánh giá, tình hình thị trường dệt may thế giới trong quý III chưa có nhiều dấu hiệu khả quan, thị trường chưa chuyển biến.

 Mục tiêu xuất khẩu của ngành dệt may bị đè bẹp vì thiếu đơn hàng  - Ảnh 1.

Thiếu đơn hàng, mục tiêu xuất khẩu năm 2020 của ngành dệt may khó có thể đạt được. (Ảnh minh họa)

Thống kê mới nhất của Bộ này cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc trong 8 tháng năm 2020 ước đạt 19,25 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình sản xuất, xuất khẩu của toàn ngành dệt may vẫn gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng trên thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các hoạt động giãn cách xã hội, cùng việc thắt chặt chi tiêu tại các gia đình và chính sách hạn chế đầu tư tại các doanh nghiệp chững lại.

Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, tìm kiếm đơn hàng trong bối cảnh này không dễ với phần lớn các doanh nghiệp dệt may, nhất là khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại lần 2 ở nhiều nước và cả Việt Nam. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp dệt may gần như chưa có đơn hàng cho 2 quý cuối năm, với các sản phẩm có giá trị cao như veston, sơ mi cao cấp...

"Đơn hàng cho quý IV hầu như chưa có, đây là thách thức lớn cho kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may. Trong khi đơn hàng khẩu trang đã đảo chiều, ít và giá giảm đến mức chỉ vừa đủ chi phí sản xuất", ông Lê Tiến Trường chia sẻ.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay, những tháng cuối năm, đặc biệt, thời điểm tháng 11, 12, năng lực sản xuất của ngành dệt may có thể sẽ giảm đi một nửa, ước khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước. Điều này sẽ khiến tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 vào khoảng 32,75 tỷ USD, giảm khoảng 16% so với năm 2019.

Để có thể duy trì sản xuất và “giữ chân” người lao động, những tháng cuối năm, toàn ngành sẽ tập trung đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa. Đồng thời, hạ giá thành sản phẩm để kéo hàng từ những thị trường khác về, từ đó tăng sức cạnh tranh, tăng năng suất lao động, nhằm “hút” đơn hàng về nước.

Các chuyên gia thì khuyến cáo, doanh nghiệp dệt may nên tập trung khai thác thị trường nội địa để bù đắp những thiệt hại do dịch bệnh gây nên trong nửa đầu năm 2020.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng nhìn nhận, thị trường nội địa sẽ là một trong những phân khúc tiềm năng bù đắp một phần chi phí trong bối cảnh khó khăn, dù doanh thu của thị trường nội địa không quá lớn khi người dân đang thắt chặt chi tiêu./.

Chung Thủy

Cùng chuyên mục
XEM