Mua "nhẹ" dự án 1.700 tỷ đồng tại “đất vàng” Tây Hồ Tây, “sức khỏe” tài chính của Tập đoàn CMC ra sao?

14/06/2023 17:15 PM | Kinh doanh

Lặng lẽ mang về dự án 1.700 tỷ đồng từ “ông lớn” Hàn Quốc để phát triển dự Tổ hợp không gian sáng tạo CMC ngay giữa lúc không ít doanh nghiệp đang "đau đầu vì tiền" khiến giới đầu tư không khỏi tò mò về “sức khỏe” tài chính của Tập đoàn CMC.

Mua "nhẹ" dự án 1.700 tỷ đồng  tại “đất vàng” Tây Hồ Tây, “sức khỏe” tài chính của Tập đoàn CMC ra sao? - Ảnh 1.

Giữa lúc không ít doanh nghiệp đang "đau đầu vì tiền" Tập đoàn CMC đã gây chú ý khi nhận chuyển nhượng dự án trị giá đến 1.700 tỷ đồng từ THT Việt Nam. Ảnh - Int

UBND TP Hà Nội vừa chấp thuận điều chỉnh chủ đầu tư dự án Tổ hợp không gian sáng tạo CMC - CMC Creative Space Hanoi từ Công ty TNHH Phát triển THT sang Công ty cổ phần Tập đoàn công nghệ CMC.

Dự án có quy mô 1,13 ha, nằm tại ô đất B2CC3 thuộc dự án Khu trung tâm khu đô thị Tây Hồ Tây (tên thương mại: Starlake Tây Hồ Tây), phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Tổng vốn đầu tư dự kiến 1.789 tỷ đồng, trong đó vốn góp là 626 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động. Hệ số sử dụng đất là 5 lần. Dự án có thời hạn 56 năm kể từ thời điểm cấp phép đầu tư vào tháng 1/2006.

Nợ phải trả lớn hơn vốn chủ sở hữu

Về sức khỏe tài chính của Tập đoàn CMC, theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 do doanh nghiệp tự lập cho kỳ kế toán từ 1/4/2022 - 31/3/2023, tại thời điểm ngày 31/3/2023, vốn chủ sở hữu của Tập đoàn CMC ở mức hơn 3.135 tỷ đồng. Số vốn chủ sở hữu này tăng đáng kể so với mức 2.721 tại thời điểm 1/4/2022.

Cũng theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 do doanh nghiệp tại thời điểm 31/3/2023, nợ phải trả của Tập đoàn CMC ở mức hơn 3.506 tỷ đồng.

Như vậy, so với mức vốn chủ sở hữu, số nợ phải trả của Tập đoàn CMC gấp khoảng 1,12 lần.

Lượng tiền và tương đương tiền bằng 13,8% nợ phải trả ngắn hạn

Đáng chú ý, trong số hơn 3.506 tỷ đồng nợ phải trả của Tập đoàn CMC có đến hơn 2.714 tỷ đồng là nợ ngắn hạn (chiếm khoảng 77% tổng nợ phải trả).

Đáng chú ý, trong khi có đến hơn 2.714 tỷ đồng là nợ ngắn hạn thì tại thời điểm 31/3/2023, lượng tiền và tương đương tiền của Tập đoàn CMC chỉ ở mức 376 tỷ đồng, bằng khoảng 13,8 % số nợ phải trả trong ngắn hạn của doanh nghiệp.

Chi phí tăng bào mòn mức tăng lợi nhuận

Về doanh thu, trong năm kế toán 2022 (1/4/2022-31-3-2023) Tập đoàn CMC đạt hơn 7.668 tỷ đồng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ. Mức doanh thu này tăng khoảng 21% so với năm trước đó.

Về lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp, trong năm kế toán 2022, Tập đoàn CMC đạt hơn 358,1 tỷ đồng, tăng khoảng 12% so với mức hơn 317,7 tỷ đồng của năm trước đó.

Như vậy, so với mức tăng 21% của doanh thu, mức tăng của lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của Tập đoàn CMC chỉ bằng phân nửa.

Nguyên nhân khiến mức tăng lợi nhuận sau thuế chưa “cập” được mức tăng của doanh thu có thể đến từ việc chi phí bán giá vốn hàng bán tăng từ mức hơn 5.106 tỷ đồng lên 6.203 trong năm tài chính 2022. Bên cạnh đó, chi phí tài chính, bao gồm chi phí lãi vay của Tập đoàn CMC cũng tăng từ mức hơn 74,7 tỷ đồng trong năm tài chính 2021 lên mức hơn 122,9 tỷ đồng trong năm tài chính 2022.

Ngoài ra, chi phí bán hàng của Tập đoàn CMC cũng tăng đáng kể từ mức hơn 464,7 tỷ đồng trong năm tài chính 2021 lên hơn 544 tỷ đồng trong năm tài chính 2022.

Đáng chú ý, chi phí quản lý doanh nghiệp của Tập đoàn CMC tăng mạnh từ mức hơn 363,6 tỷ đồng trong năm tài chính 2021 lên mức hơn 502,7 tỷ đồng trong năm tài chính 2022.

Theo giới thiệu Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC tiền thân là Trung tâm ADCOM thuộc Viện Công nghệ vi Điện tử, Viện nghiên cứu Công nghệ Quốc gia thành lập năm 1991 với số vốn ban đầu 50 triệu đồng. Ngày 7/2/2007, CMC thực hiện cổ phần hóa chính thức chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC, tên giao dịch tiếng Anh là CMC Corporation với 13 cổ đông sáng lập là các lãnh đạo chủ chốt của công ty và của các công ty thành viên.

Chủ tịch HĐQT hiện tại của Tập đoàn CMC là ông Nguyễn Trung Chính.

Theo Lê Sáng

Cùng chuyên mục
XEM