Mua 3 slot nhưng chỉ để ô tô đồ chơi, BQL phá hủy không báo trước, người đàn ông đòi bồi thường 200 triệu đồng: Đã bỏ tiền ra, tôi toàn quyền sử dụng
Năm 2024, chỗ đỗ xe đã trở thành “hàng hóa quý giá” ở Trung Quốc, đặc biệt là ở các thành phố lớn và các khu dân cư. Một câu chuyện hy hữu đã xảy ra về việc tranh chấp chỗ đỗ xe giữa cư dân với ban quản lí chung cư.
Đỗ xe đồ chơi trên ô đậu xe ô tô
Ở một thành phố thuộc tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc), ông Triệu - một cư dân bình thường, đã trở thành tâm điểm của một câu chuyện hy hữu.
Khu chung cư nơi ông Triệu sống có tình trạng thiếu chỗ đỗ xe trầm trọng. Với điều kiện kinh tế khá giả, ông Triệu đã mua liền 3 chỗ đỗ xe, nhưng do công việc nên ông chưa tiện mua xe. Vì sợ chỗ của mình bị người khác chiếm dụng, ông Triệu đã "biến tấu" ba chỗ đỗ xe thành "bãi đỗ xe đồ chơi" cho con trai.
Khi phát hiện việc làm của ông Triệu, ban quản lý khu chung cư đã tỏ ra vô cùng bất mãn. Theo họ, chỗ đỗ xe là để phục vụ việc đỗ ô tô, không phải để làm "nơi trưng bày đồ chơi". Hơn nữa, hành động này còn gây lãng phí tài nguyên và ảnh hưởng đến an toàn trật tự.
Ban quản lý đã nhiều lần thuyết phục ông Triệu dọn dẹp các xe đồ chơi, nhưng ông khẳng định chỗ đỗ là tài sản cá nhân, ông có quyền sử dụng theo ý muốn.
Vào đầu tháng 12/2024, với lý do "an toàn phòng cháy chữa cháy" ban quản lí đã trực tiếp thuê người phá hủy những chiếc xe đồ chơi trên chỗ đỗ xe. Khi biết tin, ông Triệu vô cùng phẫn nộ, lập tức tìm đến ban quản lý để đối chất, đồng thời yêu cầu bồi thường 60.000 NDT (khoảng 200 triệu đồng). Theo ông, những chiếc xe này là "bảo bối yêu thích" của con trai mình, việc phá hủy không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của ông.
Sau sự việc, mâu thuẫn giữa ông Triệu và ban quản lý trở nên căng thẳng. Ngày 5/12, ông Triệu trực tiếp gặp quản lý của ban quản lý khu chung cư, yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, ban quản lý kiên quyết từ chối, cho rằng hành vi sử dụng chỗ đỗ xe của ông Triệu ngay từ đầu đã không hợp lý.
Mặc dù chỗ đỗ xe là tài sản cá nhân của ông Triệu, nhưng ban quản lý cho rằng việc duy trì trật tự và đảm bảo an toàn chung cho khu chung cư là trách nhiệm của họ. Xe đồ chơi chiếm dụng chỗ đỗ trong thời gian dài có thể gây ra nguy cơ cháy nổ, ảnh hưởng đến an toàn phòng cháy chữa cháy.
Trong khi đó, ông Triệu khẳng định chỗ đỗ là tài sản do ông bỏ tiền mua và rất phẫn nộ trước hành động của ban quản lý. Theo ông, ban quản lí đã xử lý vấn đề một cách thiếu thiện chí và không hề trao đổi trước.
Đến giữa tháng 12, ông Triệu đã đệ đơn kiện ban quản lý ra tòa. Hai bên không ai chịu nhượng bộ, đã đẩy vụ việc vào tình trạng căng thẳng.
Cao trào vụ việc
Ngày 20/12, phiên tòa xét xử tranh chấp giữa ông Triệu và ban quản lý khu chung cư đã diễn ra.
Tại tòa, luật sư đại diện cho ông Triệu nhấn mạnh rằng chỗ đỗ xe là tài sản tư nhân hợp pháp của ông Triệu. Hành vi của ban quản lí là đang vi phạm nghiêm trọng quyền sở hữu tài sản cá nhân.
Đáp lại, phía ban quản lý đã trình ra một tài liệu về quy định phòng cháy chữa cháy để bảo vệ lập luận của mình. Quản lý ban quản lý khẳng định rằng, mặc dù xe đồ chơi nhỏ gọn, nhưng việc chúng đậu lâu dài trên chỗ đỗ xe có thể gây ra nguy cơ tiềm ẩn cho lối đi phòng cháy chữa cháy và làm ảnh hưởng đến trật tự chung. Họ còn đặt vấn đề: "Nếu các cư dân khác hành xử như ông Triệu, bãi đỗ xe cuối cùng cũng thành bãi đỗ xe đồ chơi."
Tranh luận từ hai phía tại tòa không chỉ thu hút sự quan tâm của dư luận mà còn làm dấy lên nhiều ý kiến trái chiều về quyền sở hữu tài sản và trách nhiệm chung trong việc duy trì trật tự cộng đồng.
Phiên tòa căng thẳng, tranh cãi chưa ngã ngũ
Sự tranh cãi gay gắt giữa ông Triệu và ban quản lý đã khiến không khí phiên tòa vô cùng căng thẳng. Thẩm phán nhiều lần phải ngắt lời hai bên và yêu cầu cung cấp thêm bằng chứng để làm rõ vụ việc.
Luật sư của ông Triệu đã trình bày một số bức ảnh nhằm chứng minh rằng mấy cây xe đồ chơi không chiếm dụng thêm không gian và cũng như ảnh hưởng đến trật tự chung.
Trong khi đó, phía ban quản lý lại đưa ra các hồ sơ khiếu nại từ một số cư dân khác, chứng minh rằng hành động của ông Triệu đã gây ra sự bất mãn trong cộng đồng cư dân.
Phiên tòa kéo dài gần ba giờ đồng hồ trước khi thẩm phán tuyên bố tạm nghỉ và cho biết sẽ đưa ra phán quyết trong một ngày khác.
Dù vụ kiện chưa đi đến hồi kết, nhưng tranh chấp này đã tạo ra một làn sóng bàn luận sôi nổi trong khu chung cư và trên mạng xã hội.
Một cư dân mạng để lại bình luận:
"Chỗ đỗ xe là tài sản do ông Triệu mua, ông ấy có quyền sử dụng theo ý mình. Ban quản lí đâu thể làm vậy được!"
Nhưng cũng có người phản bác lại: "Chỗ đỗ xe là một phần của tài nguyên chung, không mua xe thì đừng chiếm chỗ, lãng phí tài nguyên như vậy là không hợp lý!"
Cuối cùng, có cư dân mạng đã thẳng thắn chỉ ra gốc rễ vấn đề: "Nói cho cùng, vẫn là do thiếu chỗ đỗ xe. Nếu ai cũng có chỗ đỗ riêng, thì còn ai quan tâm anh đỗ cái gì trên đó?"
Mâu thuẫn giữa ông Triệu và ban quản lý dường như đã trở thành hình ảnh thu nhỏ của các vấn đề quản lý khu dân cư hiện nay.
Vậy câu hỏi đặt ra là: Chỗ đỗ xe là tài sản cá nhân, liệu ông Triệu có quyền tự ý sử dụng theo cách mình muốn? Còn ban quản lý, với vai trò là đơn vị quản lý chung, liệu có quyền can thiệp một cách tùy tiện? Đằng sau cuộc tranh cãi này, thực chất là bài toán phân bổ tài nguyên và ranh giới trách nhiệm trong các khu chung cư.
Theo Baidu